Chặn hiểm họa từ doanh nghiệp 'sân sau' - Kỳ 1: Liên minh trục lợi

(PLVN) - Những hiểm họa mà các doanh nghiệp “sân sau” gây ra không chỉ làm tha hóa một bộ phận cán bộ, đảng viên, méo mó chính sách, lũng đoạn nền kinh tế, mà nghiêm trọng hơn là suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, việc chặn đứng hiểm họa từ các doanh nghiệp “sân sau” càng trở nên hệ trọng và cấp thiết.
Hai cựu Bí thư, Chủ tịch tỉnh Đồng Nai Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái (từ phải qua) bị buộc tội vì hành vi nhận hối lộ từ lãnh đạo Công ty AIC. (Ảnh: Hà Hùng)

Điểm chung của hiện tượng doanh nghiệp “sân sau” là sự câu kết giữa những quan chức thoái hóa, biến chất với các doanh nhân “khát tiền, khát quan hệ”, từ đó tạo thành “nhóm lợi ích” vừa có quyền, vừa có tiền. Thực trạng này diễn ra khá phổ biến, đến mức báo động.

Thông đồng, móc ngoặc lũng đoạn thị trường

Thời gian qua, rất nhiều quan chức cấp cao của các Bộ, ngành, địa phương bị khởi tố, đưa ra xét xử vì liên quan tới hành vi trục lợi từ các doanh nghiệp (DN) “sân sau”, dư luận không khỏi bàng hoàng bởi mức độ nghiêm trọng và hậu quả khủng khiếp hơn cả tưởng tượng. Thực tế này chỉ ra rằng, mối đe doạ lớn nhất đối với sự phát triển của nền kinh tế, đến môi trường cạnh tranh bình đẳng không phải ở quy định pháp luật còn nhiều kẽ hở, mà chính là hiện tượng “chủ nghĩa thân hữu”, sự thông đồng, móc ngoặc của một bộ phận quan chức thoái hóa, biến chất với các DN “sân sau” để lũng đoạn thị trường.

Trong lúc Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đề cao đạo đức công vụ và sự liêm chính của mọi cán bộ, đảng viên thì hiện tượng này là một biểu hiện đặc thù của tham nhũng, thậm chí là một dạng tham nhũng có tổ chức.

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 được công bố tại Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội diễn ra vào ngày 6/9 vừa qua cho thấy, bên cạnh những bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều tồn tại. Các ý kiến tại phiên họp cho rằng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng, quản lý tài nguyên, khoáng sản... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; đặc biệt là có sự câu kết giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với DN, tổ chức để trục lợi.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Đậu Tiến Đạt)

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 (tháng 6/2022), cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chất... do người khác “biếu xén”, “cho, tặng”, hối lộ... với động cơ không trong sáng. Nó thường diễn ra đối với những người có chức, có quyền.

Gần đây, khi cơ quan chức năng khởi tố, điều tra mở rộng các vụ án liên quan đến các DN có “máu mặt” trong thương trường là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, Thái Dương, Sài Gòn Đại Ninh, Xuyên Việt Oil… thì những điều mà dư luận râm ran bấy lâu nay về chuyện “đi đêm”, “lại quả” giữa một bộ phận quan chức với các DN mới được đưa ra ánh sáng. Đơn cử, vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long, các sai phạm đã diễn ra trong nhiều nhiệm kỳ ở nhiều địa phương khác nhau như Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Vĩnh Long... Nhưng, đến đầu năm 2024, vụ án mới chính thức được cơ quan chức năng khởi tố. Trong vụ án này, Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn đã chi phối, lũng đoạn rất nhiều quan chức trong Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc để trục lợi.

Tại họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác quý I/2024 của Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đánh giá: Để làm việc này, Hậu dựa vào các mối quan hệ thân quen của người có chức vụ, quyền hạn. Đây là hành vi nguy hiểm, một dạng tội phạm mới, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị ở cơ sở, làm xấu hình ảnh của Đảng và chính quyền nhân dân.

Hàng loạt quan chức tự “bán mình”

Về nguyên tắc, quyền lực không được giám sát thì sẽ bị tha hóa. Trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn, kết quả mở rộng điều tra vụ án cho thấy, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam hàng chục người, trong đó có 6 lãnh đạo, cựu lãnh đạo của 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi đều là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Thật đau xót khi cả 6 quan chức trên đều bị cơ quan điều tra bắt tạm giam với cáo buộc nhận hối lộ với số tiền rất lớn.

Đau lòng hơn, không chỉ người đứng đầu chính quyền địa phương bị lôi kéo vào những trò phi pháp mà còn kéo cả tập thể cùng sai phạm. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc, rất nhiều cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy không chỉ sai phạm trong một vụ án mà còn liên quan đến nhiều dự án đầu tư, do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện. Trách nhiệm đối với những vi phạm nêu trên thuộc về Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025; Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Vĩnh Phúc các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026. Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ tại Kỳ họp thứ 40 (tháng 4/2024).

“Khá nhức nhối, khá chua xót khi những “sân sau” này đã biến thành vũng bùn mà nhiều quan chức rơi vào đấy không gượng dậy được, dù có người này, người kia có quyền lực cố vứt dây giải cứu”.

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển

Đối với vụ án liên quan đến Tập đoàn Thuận An, trong số 8 bị can bị khởi tố, có 2 cán bộ diện Trung ương quản lý, gồm 1 Bí thư Tỉnh ủy, 1 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Trong đại án gian lận đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, liên quan đến Công ty AIC và các đơn vị liên quan, đã có hàng chục quan chức nhận mức án khác nhau, trong đó, tòa sơ thẩm đã tuyên phạt ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai 11 năm tù; Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai 9 năm tù cùng về tội “Nhận hối lộ” từ lãnh đạo Công ty AIC.

Hầu hết những quan chức “dính chàm” trong các vụ án kể trên đều có chung đặc điểm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tiêu cực, nhận hối lộ, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục... Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng đau lòng này, trong khi những quan chức “dính chàm” kể trên đều không thiếu thốn, nếu không muốn nói là giàu có? Câu trả lời đòi hỏi sự phân tích nhiều khía cạnh khác nhau, không chỉ là thể chế chính sách, cơ chế thực thi, giám sát quyền lực, mà còn là vấn đề đạo đức, văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên.

“Khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực

Có thể nói, sự tha hóa của quyền lực dường như là “căn bệnh” chung của mọi kiểu nhà nước. Ngay cả những quốc gia được cho là có nền kinh tế lớn trên thế giới như Pháp, Hàn Quốc… cũng không ngoại lệ. Đó là trường hợp cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, là nguyên thủ quốc gia thứ hai trong lịch sử Pháp hiện đại (sau ông Jacques Chirac) bị kết tội tham nhũng và bị cáo buộc sử dụng ảnh hưởng của mình để thu lợi trong thời gian tại nhiệm. Hay rất nhiều cựu Tổng thống Hàn Quốc trong những thập niên gần đây đều vướng vòng lao lý do bị cáo buộc trực tiếp nhận hối lộ hoặc ít nhiều dính líu đến tham nhũng, trục lợi từ những DN lớn.

Đáng chú ý là cựu Tổng thống Park Geun Hye đã bị phế truất năm 2017 sau vụ bê bối liên quan tới người bạn thân là Choi Soon Sil. Bà Park bị cáo buộc đồng lõa với bà Choi phạm tội “tống tiền” các tập đoàn lớn của Hàn Quốc với tổng số tiền lên tới hàng chục triệu USD để đổi các ưu đãi kinh doanh…

Đầu tháng 9/2022, bà Rosmah Mansor, vợ của cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã bị tòa án ở Malaysia kết án 10 năm tù - không lâu sau khi chồng của bà cũng bắt đầu thụ án 12 năm tù vì tội tham nhũng. Tòa án cho biết bà này đã nhận hối lộ của một số DN từ năm 2016 - 2017 (thời điểm chồng bà còn lãnh đạo Chính phủ Malaysia) để có được các dự án từ Chính phủ.

Điểm qua những vụ án kể trên không phải để luận bàn những vấn đề của nước bạn mà để thấy rằng, điểm chung của thực trạng trên chính là mô hình móc ngoặc, câu kết giữa quan chức thoái hóa, biến chất (hoặc người thân quen của quan chức) với các doanh nhân “khát” tiền, “khát” quan hệ. Do đó, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, địa phương và mỗi quốc gia.

Đọc thêm