Chặn “kẽ hở” lơ là luật pháp

“Những kết quả bước đầu của công tác theo dõi thi hành pháp luật đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực này” là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện thể chế về theo dõi thi hành pháp luật” do Bộ Tư pháp tổ chức trong 2 ngày 16-17/4 ở Hà Nội với sự hỗ trợ của Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) CHLB Đức.

“Những kết quả bước đầu của công tác theo dõi thi hành pháp luật đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực này” là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện thể chế về theo dõi thi hành pháp luật” do Bộ Tư pháp tổ chức trong 2 ngày 16-17/4 ở Hà Nội với sự hỗ trợ của Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) CHLB Đức.

Không thể “một mình theo dõi thi hành pháp luật”

Theo đánh giá của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cũng như một số cơ quan liên quan, trong thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật theo Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và đã bước đầu đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, đem theo “tiếng nói từ cơ sở”, đại diện một số Sở Tư pháp, tổ chức  pháp chế của Bộ, ngành đều cho rằng, vì công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật có phạm vi rất rộng, chủ thể và đối tượng theo dõi tập trung vào các cơ quan nhà nước nên không cơ quan nào có thể “một mình theo dõi thi hành pháp luật” mà rất cần “sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật”, mới nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật.

TS.Trần Văn Đạt (Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về pháp luật – Bộ Tư pháp) cho rằng, căn cứ yêu cầu cụ thể của từng hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cơ quan thông tấn báo chí cần cung cấp thông tin, kiến nghị của cử tri, phản ánh của dư luận xã hội về tình hình thi hành pháp luật và có thể cử đại diện tham gia các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật.

Theo các chuyên gia, để tăng cường thực hiện cơ chế huy động sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, cần chú ý phát triển đội ngũ “cộng tác viên theo dõi thi hành pháp luật là những cá nhân am hiểu chuyên môn về ngành, lĩnh vực cần theo dõi thi hành pháp luật. Chế độ cộng tác viên thực hiện theo chế độ hợp đồng thường xuyên hoặc theo từng vụ việc cụ thể”; xây dựng và duy trì chuyên mục “Tình hình thi hành pháp luật trên cổng thông tin điện tử” của các Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, cấp huyện để thu thập, tiếp nhận và xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật.

“Cắt tỉa” văn bản “gây khó” cho dân

Trong các nội dung theo dõi thi hành pháp luật, các Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các cấp phải thực sự quan tâm đến việc xem xét, đánh giá tình hình ban hành văn bản qui định chi tiết thi hành văn bản qui phạm pháp luật để “phát hiện, thống kê các văn bản và qui định không bảo đảm tính khả thi hoặc có khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành, không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ”. Từ đó kiến nghị các cấp có thẩm quyền có giải pháp khắc phục, xử lý để không còn rơi vào tình trạng “văn bản làm khổ dân”.

Đồng thời, qua việc phát hiện, thống kê những qui định do các cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền hướng dẫn không chính xác, không thống nhất, các quyết định áp dụng pháp luật có vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cơ quan, gây bức xúc trong dư luận xã hội, thu thập thông tin về tình hình vi phạm pháp luật để kiện nghị biện pháp khắc phục và giải pháp hạn chế vi phạm pháp luật. Đó cũng là một phần để đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật của các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp.

Ngoài ra, để đánh giá một cách toàn diện về tình hình thi hành pháp luật, không chỉ đánh giá về tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan nằm trong phạm vi quản lý, điều hành của Chính phủ và UBND các cấp, mà cần thiết phải theo dõi, đánh giá về tình hình thi hành pháp luật cả trong các cơ quan Toà án, Viện kiểm sát và các tổ chức xã hội thông qua hoạt động của các cơ quan, tổ chức này…

Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Cương:

- Cần có một chỉ số có thể kiểm chứng được rõ nét hơn, mang tính thống kê khách quan của hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật được hoàn thiện trong thời gian tới. Điều quan trọng tiếp theo là củng cố công tác tổ chức đo lường, đánh giá để hệ thống thống kê không chỉ là những con số mà phải được vận hành phát huy tác dụng, hiệu lực có nó, không bị làm méo mó đi. Làm sao để công tác thống kê đích thực là thống kê, phản ánh đúng hiện thực khách quan, không bị làm lệch đi vì lý do nào đó. Có như thế, công tác theo dõi thi hành pháp luật mới trọn vẹn.

Huy Anh

Đọc thêm