Sống với đam mê
Về xã Ea Phê, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, khi nhắc đến chàng trai 8x Ngô Đình Quyền, người dân nơi đây ai cũng thán phục. Cái tên của Quyền đã quá quen thuộc, gắn liền với hình ảnh của ruộng đồng hoa màu tốt tươi, giúp nhiều người dân trong vùng thoát khỏi cảnh thất nghiệp. Quyền cũng không ngại đầu tư cho nhiều người khác cùng làm, cùng hưởng lợi nhuận với mình.
Gặp Quyền trên ruộng khoai lang bạt ngàn đang cho thu hoạch, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, anh nhoẻn miệng cười chia sẻ: “Năm nay do ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất thu hoạch có hơi kém so với vụ trước. Tuy nhiên, về cơ bản lợi nhuận thu lại vẫn đạt chỉ tiêu. Sau khi trừ tất cả chi phí vườn khoai lang của chúng tôi thu về hàng trăm triệu đồng”.
Được biết, suốt quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường, Quyền luôn nỗ lực học tập, nuôi dưỡng ước mơ tương lai sẽ trở thành một nhà thiết kế thời trang giỏi. Tốt nghiệp phổ thông, chàng thanh niên thi đậu vào một trường cao đẳng công nghệ may thuộc tỉnh Bình Dương. Đến năm 2009, Quyền ra trường và được nhận vào làm tại một công ty may ở cùng tỉnh.
Với sự siêng năng, ham học hỏi và bằng cấp trong tay, không lâu sau, Quyền đã được Ban giám đốc tin tưởng và giao trách nhiệm làm quản đốc trong phân xưởng. Hàng ngày, Quyền quản lý từ khâu nguyên vụ liệu cho đến kiểm kê, xuất hàng, nhưng chủ yếu anh tham gia tư vấn mẫu mã cho bộ phận thiết kế.
“Hồi đó, thu nhập bình quân của tôi khá ổn định khoảng 7 triệu đồng/1 tháng. Tuy nhiên, lúc đó, tôi luôn cảm thấy dù đã làm đúng chuyên ngành nhưng đây không phải là nơi dành cho mình. Do đó, sau hơn 2 năm làm việc, tôi bắt đầu tìm một hướng đi khác cho bản thân” – anh Quyền chia sẻ.
Năm 2011, Quyền đã quyết định từ bỏ nơi đã ấp ủ ước mơ từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường trở về quê nhà bầu bạn với ruộng vườn, tiếp nối nghề nghiệp gia đình đi lên từ những cây hoa màu.
Nói về nguyên nhân từ bỏ công việc của một quản đốc để trở về làm nông dân, Quyền Tâm sự: “Thứ nhất, nhà chỉ có mình là con trai nên dù trước sau mình cũng phải về với cha mẹ. Thứ hai, mình nhận ra ở nơi quê rất có tiềm năng phát triển nông nghiệp”.
Không có nhiều kiến thức khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, tất cả những gì người thanh niên ấy có chỉ là kinh nghiệm từ thực tiễn. 2 năm đầu, Quyền phải nỗ lực nghiên cứu rất nhiều các tài liệu về nông nghiệp đồng thời tham khảo ý kiến, kinh nghiệm của những người đi trước để trau rồi thêm kiến thức.
Ngoài ra, anh cũng đi thực tế đến Đà Lạt, Bình Dương… nghiên cứu thổ nhưỡng, các loại giống cây thích hợp cho từng loại đất, từng kiểu khí hậu, không quên học hỏi kỹ năng chăm bón, mô hình của các chủ vườn lớn khác để đem về áp dụng cho mô hình của mình sao cho phù hợp.
Nhờ sự nỗ lực học tâp cùng nhiệt huyết của tuổi trẻ, sau hơn 4 năm vừa học vừa làm, Quyền đã tạo dựng được thương hiệu riêng cho bản thân. Thành công của anh chính là niềm tự hào cũng như niềm tin tưởng vững chắc cho người dân quanh vùng tin yêu và làm theo.
Tính riêng trong năm 2016, Quyền đã đầu tư cho 3 tổ hợp tác thanh niên trồng dưa leo siêu năng suất trên diện tích 5.000m2. Kết quả thu lại chỉ trong 90 ngày, sau khi đã trừ tất cả chi phí lợi nhuận thu lại khoảng 45 triệu đồng.
Vườn khoai lang của anh Quyền đang vào thu hoạch |
Mô hình bao tiêu “từ A đến Z”
Sau khi đã nắm được các kiến thức cơ bản trong công đoạn gieo trồng, với mong muốn tạo dựng mô hình sản xuất bao tiêu từ khâu chọn giống cho đến tiêu thụ, Quyền bắt đầu tìm đầu ra cho sản phẩm.
Nói về vấn đề này, Quyền cho biết: “Gia đình tôi vốn là một đại lý nhỏ chuyên thu mua rau củ. Tuy nhiên, tôi nhận thấy người dân ở đây chỉ sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, công sức bỏ ra nhiều nhưng vì không nắm bắt được kỹ thuật nên năng suất thu lại không cao, sản phẩm cũng ít đạt tính thẩm mỹ.
Do đó, tôi đã trăn trở làm sao để có được một mô hình sản xuất quy mô, sản phẩm đạt năng suất, chất lượng hơn để có thể vươn tới những thị trường lớn”.
Nghĩ là làm, anh mạnh dạn bắt tay vào nghề với giống cây dưa leo. Dù có nhiều lần thất bại nhưng bằng sự kiên trì và quyết tâm của sức trẻ, Quyền rút kinh nghiệm từ những thất bại để làm lại tốt hơn. Dần dần, anh đưa thêm nhiều giống cây vào gieo trồng như: Bí đỏ, khoai lang, mướp đắng, bắp cải, dưa chuột…
Sau khi thử nghiệm thành công, Quyền tiếp tục mở rộng quy mô, đồng thời tăng cường nghiên cứu, lặn lội đưa mặt hàng tới thị trường ở nhiều nơi khác nhau tiêu thụ.
Mô hình sản xuất của anh ban đầu chỉ có khoảng 20 hộ dân cùng tham gia trên diện tích vài ha, với mức đầu tư khoảng 5 triệu đồng mỗi hộ, thì nay, đã có đến hơn 70 hộ dân cùng làm trên tổng diện tích gần 40ha với mức đầu tư từ 30 đến 40 triệu đồng một hộ.
Từ những mặt hàng nông sản mà mình nắm rõ nguồn gốc, ông chủ nhỏ ấy tự tin đưa đi tiêu thụ cả ở các đầu mối trong và ngoài tỉnh như Phú Yên, Gia Lai…Hiện nay, mỗi ngày trung bình anh thu mua lượng rau củ bao tiêu từ 40 đến 50 tấn, đem lại thu nhập nửa tỷ đồng/năm.
Sắp tới, Quyền còn chủ động đưa mô hình sản xuất của mình đến những địa phương khác tỉnh để triển khai hy vọng người nông dân sẽ có được những vụ mùa đạt năng suất tối đa, thu lợi nhuận cao. Đồng thời, người tiêu dùng được sử dụng những loại rau củ tốt, đạt chất lượng, đảm bảo an toàn.
Để có được thành công như ngày hôm nay, Quyền chia sẻ: “Ban đầu, tôi đem mẫu đất đến Cục đo lường đất tỉnh Đắk Lắk và viện Eka Mat để nghiên cứu nhờ các chuyên gia tư vấn cho mình những giống cây trồng phù hợp. Tiếp đó, khâu chọn giống, tôi đã cẩn thận chọn những giống cây uy tín đa phần là của Thái Lan để đưa vào gieo trồng. Bên cạnh đó, tôi còn tăng cường tham dự các hội thảo khoa học về cây trồng, không ngừng tham khảo ý kiến tư vấn của các kỹ sư nông nghiệp trong mọi công đoạn”.
Nói về những dự định sắp tới, chàng trai trẻ ấy cho biết: “Hiện nay, tôi đang bắt tay vào triển khai đề án chồng xả. Dự án này được dự tính tổng vốn đầu tư khoảng 20 triệu và giao cho 10 thanh niên thực hiện trên diện tích 3ha, hy vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Xa hơn nữa, tôi còn muốn tiến tới đề án trồng cây mãng cầu bền vững ở khu vực Tây Nguyên”.
Mô hình sản xuất rau củ quả với tiêu chí chịu trách nhiệm cả đầu vào và đầu ra của Quyền bước đầu đã cho hiệu quả cao. Hiện tại, người nông dân 8x ấy tiếp tục nghiên cứu thị trường, đưa vào những đền án trồng cây trái vụ với mong muốn đem lại giá thành cao, đạt hiệu quả kinh tế cho người dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Khải (thôn trưởng thôn Phước Thọ 2, xã Ea Phê, huyện Krông Pắk) cho biết: “Quyền là một thanh niên năng nổ, nhiệt huyết. Dù còn trẻ nhưng Quyền đã có những ý tưởng táo bạo và thành công trong lĩnh vực sản xuất rau củ quả.
Không những thế, Quyền còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều người lao động trong vùng thoát khỏi cảnh thất nghiệp. Vận động nhiều thanh niên tu chí làm ăn. Trong các công tác thôn xã, Quyền cũng rất năng nổ, nhiệt tình và đang làm bí thư chi đoàn thôn và là thành viên của Hội đồng nhân dân xã”.
Dù còn rất trẻ tuổi nhưng người nông dân trẻ ấy đã nhận nhiều giải thưởng như: Giải Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng năm 2014; Thanh niên làm kinh tế giỏi của Huyện Đoàn Krông Pắk năm 2015; Cán bộ tiêu biểu của Tỉnh Đoàn năm 2016…