Một thời, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu (Sơn La) từng là điểm nóng ma túy vận chuyển từ Lào về Việt Nam. Không đành lòng nhìn bà con dân tộc Mông của mình nhà tan cửa nát vì rơi vào vòng xoáy tệ nạn, Thào A Bua ngày đêm thuyết phục bà con từ bỏ con đường lầm lỡ để trở về với ruộng nương. Nhờ tấm lòng thương yêu đồng bào và sự kiên trì vận động không mỏi mệt mà đến nay, xã Chiềng Sơn đã trở thành điểm sáng về phòng chống ma túy. Người dân trong bản luôn tin yêu và coi Bua như ngọn đuốc trong đêm tối đã giúp họ nhìn thấy con đường rộng dài phía trước.
Vừa là học sinh cấp hai, vừa là cán bộ
Lần đầu tiên tiếp xúc với Thào A Bua, tôi lập tức bị cuốn hút bởi lối nói chuyện từ tốn, nhỏ nhẹ và có phần còn ngại ngùng của chàng trai dân tộc Mông. Sinh năm 1982, năm nay 36 tuổi, nhưng Bua đã có thâm niên 10 năm làm công tác Mặt trận. Hiện nay, Bua đang là Trưởng ban công tác Mặt trận bản Dân Quân, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu và đã có khá nhiều thành tích đáng nể phục.
Nể phục bởi công tác mặt trận luôn đòi hỏi những người có nhiều kinh nghiệm để có thể tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, qua đó củng cố và phát huy tinh thần thi đua yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhưng Bua thì còn khá trẻ, trong số 70 đại biểu về dự Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 6/2018 thì Bua là người trẻ nhất. Tham gia công tác mặt trận từ năm 2008, lúc đó Bua đang còn là học sinh Trường cấp hai Chiềng Ve (nay là Chiềng Sơn), trong xã dường như chưa có ai vừa là học sinh lại vừa làm cán bộ như Bua, kể cũng oách lắm.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Chiềng Sơn, thấu hiểu những phong tục của cha ông để lại, đặc biệt là trong tổ chức ma chay, cưới hỏi; nhưng càng lớn lên, được học tập những điều mới mẻ, bổ ích, Bua tự nhủ: “Đồng bào Mông của mình còn nghèo lắm, nhưng tại sao lại phải tốn khá nhiều tiền của và thời gian cho những phong tục này. Mình được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho ăn học thành người hiểu biết, vậy phải có trách nhiệm với bà con dân bản”.
Sau nhiều năm bền bỉ thuyết phục, Bua đã vận động được đồng bào của mình thực hiện có hiệu quả việc xóa bỏ những tập tục lạc hậu trong tổ chức ma chay, cưới xin…
“Ban đầu cũng khó khăn, vất vả lắm. Có những tập tục đã trải qua nhiều đời, in sâu trong tiềm thức của bà con. Bởi vậy bà con còn chần chừ và chưa thật tin điều mình nói. Nhưng mình đã giải thích rằng, những phong tục tốt đẹp của dân tộc Mông mà ông cha để lại từ xưa vẫn được giữ nguyên, chỉ những cái gì rườm rà, lạc hậu và tốn nhiều kinh phí mới bỏ đi thôi. Từ bỏ tập tục lạc hậu là để chống lãng phí, tiết kiệm tiền vào mục đích chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng kinh tế của gia đình”, Bua tâm sự.
Sau nhiều lần kiên trì thuyết phục, dần dần bà con cũng nghe ra. Ngay những người già, những người có uy tín trong bản cũng tin tưởng vào chàng trai trẻ: “Ờ đúng rồi, cháu nói thế cũng phải. Ngày xưa chúng ta cũng đã nhìn thấy những tập tục này là lãng phí, lạc hậu nhưng chưa thể bỏ ngay được. Nay chúng ta làm theo lời dạy của Đảng, của Chính phủ, chúng ta sẽ quyết tâm thực hiện”, Bua kể về những ngày đầu bắt tay vào công việc.
Kể từ đó, đời sống tinh thần của người dân tại Chiềng Sơn đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Nếu như trước kia, nhà nào có đám tang thường kéo dài vài ngày rồi mới đưa người quá cố đi chôn, nhưng nay “chỉ kéo dài trong 24 tiếng thôi; đưa người quá cố đi chôn sớm thì họ được sạch sẽ mà người sống cũng được ở trong môi trường trong sạch”, Bua lý giải.
Cũng theo lời kể của Bua, ngày trước, trong đám cưới của đồng bào dân tộc Mông thường kéo dài một ngày một đêm. Khách đến dự cưới thường có thói quen uống rượu rất nhiều, người này uống xong lại rủ người khác uống tiếp, khi uống say lại đổ hết rượu ra ngoài, như thế là lãng phí, tiếc của lắm. Không chỉ vậy, một số người còn xảy ra mâu thuẫn, đánh chửi nhau... Nhưng bây giờ thì khác rồi, đám cưới được làm theo mâm, bà con ai đến mừng cưới nói chuyện vui vẻ với nhau, không uống nhiều rượu như trước nữa; tổ chức đám cưới cũng chỉ trong khoảng thời gian 2 - 3 tiếng.
Đặc biệt, nhận thức rõ giá trị kinh tế của “đầu cơ nghiệp”, trong tổ chức đám cưới hay đám ma, người dân cũng được Bua vận động không giết thịt trâu, bò mà để chăm sóc cho sinh sản, phát triển kinh tế.
Nụ cười hồn hậu của Thào A Bua, “chàng trai Mặt trận” |
Học Bác ở tinh thần thi đua yêu nước
Sơn La là tỉnh có đường biên giới quốc gia tiếp giáp với Lào. Từ lâu, nơi đây là điểm nóng buôn bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn từ Lào vào Việt Nam. Xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu nơi Bua sinh sống cũng không nằm ngoài điểm nóng ấy.
Bua bảo: “Thấy nhiều người trong bản rơi vào vòng xoáy ma túy, rồi nhiều hộ gia đình mất chồng, mất vợ (đi tù cũng coi như là mất rồi theo quan niệm nhiều người Mông); những đứa con của họ không được chăm sóc nên bơ vơ, nhìn tội lắm. Chứng kiến hoàn cảnh đó, mình nói với bà con cần dứt khoát từ bỏ ma túy, vì Đảng và Nhà nước đã dạy rồi, cấm rồi. Nếu ai lao vào ma túy thì gia đình sẽ tan nát, thế thì khổ quá. Nói nhiều, khuyên nhiều, bà con cũng nghe ra. Hiện nay, trong bản của mình không còn ai vận chuyển hay tàng trữ, buôn bán ma túy nữa, số người nghiện cũng hết, những người tầm tuổi như mình đây, thuốc lá cũng không dùng”.
Tất nhiên, để làm sạch địa bàn trọng điểm về vận chuyển ma túy qua biên giới Lào vào Việt Nam, không phải ngày một, ngày hai. Đó là cả một sự quyết tâm của các cấp chính quyền địa phương, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của vị cán bộ Mặt trận trẻ. “Mình không sợ khó, sợ khổ, chỉ sợ bà con không nghe theo điều hay lẽ phải mà nghe theo những lời dụ dỗ của bọn người xấu thôi”.
Theo lời Bua kể, mới đầu những đối tượng vận chuyển, tàng trữ ma túy khi nghe Bua khuyên can, giải thích thì quay sang nhìn Bua với ánh mắt nghi ngờ, thiếu thiện cảm. Họ cho rằng Bua đang nói xấu họ, không muốn cho họ làm giàu. “Nhưng mình bảo không phải như thế, từ bỏ con đường ma túy là để được sống lâu với bà con dân bản, đoàn kết với bà con để làm giàu một cách chính đáng. Mình cũng chỉ cho họ thấy hoàn cảnh đáng thương, tù tội của những gia đình có người vận chuyển, buôn bán ma túy nên họ đã hiểu ra và quyết tâm quay lại làm người tốt”, Bua chia sẻ.
Gia đình Bua có bảy anh chị em nhưng chỉ có Bua và em gái út được đi học. Bởi vậy, Bua cho rằng mình là người may mắn khi được biết cái chữ, từ đó biết những điều hay lẽ phải. Bua biết đồng bào của mình ai cũng là người tốt, ai cũng có tấm lòng yêu nước; nhớ lời dạy của Bác Hồ, Bua thường nói với bà con rằng, yêu nước không nhất thiết phải ra ngoài mặt trận, mà là cố gắng làm những việc có ích cho bản thân, làm giàu cho gia đình và xã hội. Cùng nhau thi đua xóa bỏ tập tục lạc hậu, không sử dụng và vận chuyển ma túy cũng là thể hiện tinh thần yêu nước rồi.
Khâm phục nghị lực của Bua bao nhiêu, tôi cũng không khỏi băn khoăn: Bí quyết gì đã giúp Bua có thể “thu phục” được những suy nghĩ, những tư tưởng còn khác biệt với mình, kể cả những đối tượng vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ma túy?
Thì đây, Bua bật mí điều rất đơn giản: “Khi động viên, thuyết phục bà con, mình phải nói nhẹ nhàng, bình tĩnh; cần nói rõ, trình bày cặn kẽ và đặc biệt không được nặng lời để bà con hiểu. Nói đến đâu thì mình làm đến đấy, có thực tế chứng minh”. Ghi nhận những thành tích của chàng trai trẻ, năm 2013, Bua đã vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Bằng khen cho những việc làm thầm lặng của mình.
Chia tay “chàng trai Mặt trận”, trong tôi vẫn nhớ mãi nụ cười hồn nhiên trên gương mặt rám nắng của em. Nụ cười lấp lánh niềm vui giữa trưa hè Tháng Sáu khi Bua được về Hà Nội, vào lăng Bác báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh và thầm kể cho Bác nghe chuyện đồng bào của mình đã tiến bộ và khác xưa nhiều rồi.