Chàng trai sống sót sau 49 ngày trôi dạt trên biển

(PLO) - Sau khi bão làm đứt neo chiếc lều đánh cá hôm 14/7, Aldi Novel Adilang bắt đầu hành trình lênh đênh hơn 1.920 km từ vùng biển Sulawesi, Indonesia trôi tới tận đảo Guam.
Adilang lúc được cứu lên tàu Panama.
Adilang lúc được cứu lên tàu Panama.

"Tôi ở trên chiếc lều gỗ suốt một tháng 18 ngày. Thức ăn hết sau tuần đầu tiên", Adilang nhớ lại. Khi đã đun hết gas, anh bắt cá, bẻ gỗ từ hàng rào quanh bè để nhóm lửa nấu. Nếu trời không mưa nhiều ngày liền, Adilang phải dùng quần áo lọc bỏ muối trong nước biển lấy nước uống.

Chàng trai 18 tuổi nhiều lần nghĩ rằng "mình sẽ chết ở biển", có những lúc cậu tưởng như phát điên, định nhảy xuống biển tự sát. Trong những lúc như thế, Adilang lại nhớ về lời khuyên của cha mẹ: "Khi con tuyệt vọng, hãy cầu nguyện", và cậu nghĩ tới những lời răn trong Kinh thánh.

"Cứ mỗi lần phát hiện một con tàu, tôi lại bật đèn lên và không thể nhớ nổi có bao nhiêu con tàu đã đi qua mà không phát hiện ra tôi", Adilang nói. "Tôi cứ tưởng sẽ không còn gặp lại bố mẹ nữa, ngày nào tôi cũng cầu nguyện".

Anh làm việc trên chiếc lều gỗ đánh bắt cá bằng đèn - công việc cô đơn bậc nhất thế giới bởi chỉ có một mình Adilang ở vùng biển cách ngoài khơi Indonesia 125 km. Hàng tuần, công ty sẽ cho người ra biển thu cá, tiếp tế thực phẩm và nước uống cho Adilang. Anh kiếm được 130 USD một tháng nhờ công việc này. Bố của Adilang cho hay đây là lần thứ ba chiếc bè bị đánh trôi. Hai lần trước, chủ tàu điều thuyền ra cứu. 

Sau 49 ngày trôi dạt, sáng sớm 31/8, Adilang nhìn thấy một con thuyền đi qua. "Tôi vội thắp sáng đèn, hét lên “help, help, help” (cứu tôi) qua máy phát thanh", cậu nói. Con tàu tiếp tục đi qua hơn 1,6 km bỗng đổi hướng về phía Adilang. "Có thể vì tôi đã nói tiếng Anh. Rồi họ nói chuyện với tôi qua máy phát thanh", anh nghĩ. 

Emannuel Soriano, một thủy thủ trên con tàu chở hàng của Panama đã nghe thấy lời kêu cứu của Adilang. Soriano báo cáo cho thuyền trưởng Narciso Santillan và ông này đã ra lệnh thay đổi lộ trình để cứu hộ. Phải mất 4 lần tàu mới tiếp cận đủ gần để cứu Adilang mà không gây nguy hiểm cho chiếc lều gỗ. Chàng thanh niên phải bám vào phao cứu sinh nổi trên biển, sau đó được kéo về tàu.

Khi được đưa lên boong, Adilang mặc quần soóc, áo phông màu đen. Anh được ủ ấm, cho uống nước, ăn bánh mỳ đen. Sau 5 phút, Adilang đứng dậy, mỉm cười yếu ớt khi có ai đó chìa tay ra bắt. Anh được tặng một bộ quần áo mới, thậm chí được bếp trưởng giúp cắt tóc.

Adilang tới cảng Tokuyama của Nhật Bản hôm 6/9 nhưng phải ngủ lại đêm đó trên tàu. Họ lo ngại về vấn đề kiểm dịch. Các quan chức Indonesia ở lãnh sự quán Osaka vội thu xếp giấy tờ cá nhân để Adilang được phép lên bờ Nhật Bản. Anh đi từ Osaka tới Tokyo, từ đó bay về Jakarta và đoàn tụ với gia đình ở Bắc Sulaweisi hôm 9/9.

Adilang là con trai út trong gia đình có 4 anh chị em. Anh bàn với bố mẹ không tiếp tục làm việc trên lều đánh cá nữa, Adilang đã làm việc ở đó từ năm 16 tuổi, mỗi lần ký hợp đồng 6 tháng. "Bố mẹ tôi đều đồng ý", Adilang nói.  

Đọc thêm