Chánh án các nước họp bàn hợp tác phát triển nền tư pháp ASEAN

(PLO) - Sáng 1/4, Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ 4 do Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đăng cai tổ chức diễn ra tại Hội trường Thống nhất (TP.Hồ Chí Minh). 
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tham dự hội nghị có 10 đoàn đại biểu Tòa án tối cao các nước trong khối ASEAN cùng khoảng 60 vị khách quốc tế và 50 khách Việt Nam. Các đại biểu là Chánh án, phó Chánh án, Thẩm phán, cán bộ cấp cao của Tòa án tối cao các nước trong khu vực.

Ông Uông Chu Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và ông Lương Minh với vai trò là Tổng thư ký ASEAN cũng dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Việt Nam cho biết, Hội nghị lần thứ 4 diễn ra trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN vừa chính thức được thành lập vào năm 2015, với mong muốn xây dựng một cộng đồng ASEAN với 3 cột trụ an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội với hơn 625 triệu dân; mục tiêu hòa bình, ổn định, liên kết, phát triển và hướng tới người dân làm trung tâm.

Ông Trương Hòa Bình khẳng định, Cộng đồng hoạt động trên các nguyên tắc chung, vì lợi ích của người dân và người dân được thụ hưởng những thành quả từ việc hội nhập khu vực ASEAN. Về kinh tế, đây là cơ hội cho người dân, doanh nghiệp các nước ASEAN tham gia vào một thị trường chung. Chính vì vậy, sự hợp tác của tòa án các nước ASEAN cũng không nằm ngoài mục tiêu chung này.

Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: “Hội nghị là nơi Chánh án các nước trao đổi về những chính sách, ý tưởng hợp tác giữa các nước nhằm phát triển nền tư pháp khu vực. Có thể nói, đây được coi là biểu tượng của sự hợp tác và hội nhập khu vực của cơ quan tư pháp các nước ASEAN”.

Cũng theo Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập khu vực, dòng đầu tư, thương mại, di cư trong khu vực đang diễn ra mạnh mẽ. Việc hội nhập và việc xích lại gần nhau giữa các hệ thống tư pháp và pháp luật trong khu vực dựa trên các chuẩn mực chung sẽ giúp giảm bớt các chi phí thực thi pháp luật, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN.

Trong khuôn khổ hội nghị, các vị Chánh án sẽ tiếp tục thảo luận về các ý tưởng như: Thể chế hóa Hội nghị Chánh án ASEAN, Hội nhập ASEAN, Xây dựng Cổng thông tin điện tử Tòa án ASEAN, Đào tạo tư pháp, Quản lý vụ án và Công nghệ tại tòa án, Giải quyết tranh chấp gia đình xuyên biên giới.

Ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN đã cung cấp thông tin cho Hội nghị về sự hợp tác phát triển của các nước ASEAN trong thời gian qua và cho rằng sự hợp tác cần phải toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có sự hợp tác giữa Tòa án các nước. Ông Minh cho rằng: “Việc thành lập mạng lưới tòa án các nước và tăng cường hợp tác giữa các tòa án trong khu vực sẽ thúc đây phúc lợi xã hội và phụ vụ mục tiêu chung đó là xây dựng một Cộng đồng ASEAN hoạt động trên các nguyên tắc được quy định cụ thể, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm”. 

Chào mừng Hội nghị, ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng Việt Nam đã và đang là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng ASEAN. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc tòa án các nước ASEAN tổ chức Hội nghị Chánh án các nước ASEAN nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thông tin pháp luật và thực tiễn pháp lý, xây dựng hệ thống tư pháp và pháp luật của các nước ASEAN dựa trên những chuẩn mực chung được thừa nhận rộng rãi.

“Đây là diễn đàn tốt để Chánh án các nước trao đổi một cách cởi mở, đưa ra những chính sách, định hướng chung trong việc phát triển nền pháp luật và tư pháp của khu vực, đặc biệt là hài hòa hóa pháp luật và tư pháp của các nước trên cơ sở các nguyên tắc chung về dân chủ và pháp quyền”, Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội mong rằng cơ chế hoạt động của Hội nghị Chánh án ASEAN sẽ là kênh hợp tác hiệu quả, đóng góp thiết thực cho sự ổn định, phát triển và đoàn kết trong cộng đồng ASEAN.

Sau phiên khai mạc, chánh án các nước thống nhất ưu tiên thảo luận chủ đề: “Thể chế hóa Hội nghị Chánh án ASEAN, Hội nhập ASEAN để chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực cải cách pháp luật và tư pháp; tìm ra những chuẩn mực chung của khu vực; hài hòa hóa pháp luật và thực tiễn tư pháp của các nước”.

Cũng tại hội nghị, 10 đoàn đại biểu Tòa án tối cao các nước trong khối ASEAN đã nhất trí quyết định đổi tên từ “Hội nghị Chánh án các nước ASEAN” thành “Hội đồng Chánh án các nước ASEAN”.

Hội nghị Chánh án các nước ASEAN là hội nghị thường niên được Tòa án tối cao các nước ASEAN luân phiên đăng cai tổ chức với lần thứ nhất tại Singapore (năm 2013), lần thứ hai tại Malaysia (năm 2014), lần thứ ba tại Philippine. Các Hội nghị trước đã phê chuẩn và đang thực hiện 3 hoạt động chủ yếu: Xây dựng Cổng thông tin điện tử Tòa án các nước ASEAN, Xây dựng cơ chế tống đạt giấy tờ tư pháp trong tố tụng dân sự giữa các nước ASEAN và Đào tạo tư pháp.

Đọc thêm