Ngày 14/5, Lực lượng vũ trang Venezuela đã ra thông cáo ủng hộ việc Tổng thống Nicolas Maduro ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước một ngày trước đó, nhằm đối phó với những âm mưu của phe đối lập tại nước này cũng như các thế lực bên ngoài hòng lật đổ chính phủ, cùng với đó là việc gia hạn sắc lệnh tình trạng kinh tế khẩn cấp.
Giới quan sát cho rằng, Venezuela đang ngày càng tiến gần hơn tới bờ vực khủng hoảng và bất ổn sau khi Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho phép thu hồi các nhà máy ngừng hoạt động và tổ chức diễn tập quân sự, nhằm chống lại điều mà ông cáo buộc là những âm mưu “can thiệp vũ trang”.
Trong khi đó, giới chức tình báo cấp cao của Mỹ nhận định quốc gia giàu dầu mỏ ở Nam Mỹ này có thể sắp phải đối mặt với một cuộc nổi dậy của dân chúng trong bối cảnh tình trạng thiếu thực phẩm và điện ngày càng trầm trọng, lạm phát phi mã, biểu tình và bất ổn chính trị liên tục gia tăng.
Tình trạng khẩn cấp toàn quốc
Ngày 13/5, Tổng thống Maduro ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước, mở rộng hơn quy mô sắc lệnh về “tình trạng kinh tế khẩn cấp” mà ông từng ban hành hồi tháng 1/2016.
Ngày 14/5, ông Maduro cho biết sẽ tổ chức các cuộc diễn tập quân sự vào cuối tuần tới “để chuẩn bị cho mọi kịch bản”. Hiện chưa rõ sắc lệnh này sẽ có thời hạn trong bao lâu.
Trước đó, Tổng thống Maduro nói rằng các biện pháp khẩn cấp sẽ được áp dụng trong 3 tháng và có khả năng kéo dài tới tận năm 2017. Giới phân tích chính trị cho rằng quyết định này của Tổng thống là nhằm hạn chế biểu tình, trong khi lại “bật đèn xanh” cho các vụ bắt bớ và cho phép cảnh sát tự ý tiến hành các cuộc truy quét.
Tổng thống Maduro cho biết chính quyền sẽ thu hồi các nhà máy bị đóng cửa do chủ sở hữu nói rằng không có đủ nguyên liệu thô và ngoại tệ để thanh toán cho các nhà cung cấp.
Phát biểu trước đám đông ủng hộ tại Caracas, ông nói: “Chúng ta cần phải thực hiện mọi biện pháp để khôi phục khả năng sản xuất, các hoạt động đang bị giới tư bản âm mưu phá hoại… Tất cả những kẻ muốn trì hoãn (hoạt động sản xuất) để hủy hoại đất nước hãy ngừng lại và những kẻ âm mưu điều này cần phải bị tống giam”.
Tuyên bố của ông Maduro chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới Tập đoàn Polar, doanh nghiệp thực phẩm lớn nhất Venezuela, đã ngừng sản xuất từ ngày 30/4 vừa qua.
Người dân Venezuela đi mua hàng. |
Sẽ không có trưng cầu dân ý
Ngày 15/5, Phó Tổng thống Venezuela Aristóbulo Istúriz khẳng định, nước này sẽ không tiến hành trưng cầu dân ý bất tín nhiệm đối với Tổng thống Nicolas Maduro bởi thủ tục liên quan tới cuộc bỏ phiếu này “có lỗi”.
Phát biểu tại một hoạt động bày tỏ tình đoàn kết với Tổng thống bị đình chỉ của Brazil Dilma Rousseff tại bang miền Đông Bắc Anzoátegui, ông Istúriz tuyên bố phe đối lập đã có hành vi gian lận trong quá trình thu thập chữ ký khởi động tiến trình bỏ phiếu, thủ tục đầu tiên để tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với ông Maduro.
Phó Tổng thống Istúriz loại trừ mọi khả năng ông Maduro bị bãi nhiệm bằng một cuộc trưng cầu dân ý, đồng thời tố cáo hành động “lừa dối vô trách nhiệm” của phe đối lập. Ông cũng tố cáo Mỹ có âm mưu phá hoại cuộc cách mạng hiện nay của chính phủ Venezuela.
Theo ông này, “chủ nghĩa đế quốc” đang tấn công các dân tộc quyết tâm đấu tranh vì sự giải phóng và tự do của mình, trong đó có nhân dân Venezuela.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. |
Lực lượng vũ trang ủng hộ Tổng thống
Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã ra lệnh cho quân đội tiến hành tập trận trong vòng 1 tuần để đối phó với các mối đe dọa từ nước ngoài.
Phát biểu tại thủ đô Caracas, nhà lãnh đạo Venezuela cho biết, ông yêu cầu diễn tập quân sự là để chuẩn bị bảo vệ lãnh thổ đất nước, bảo vệ trẻ em và quyền sinh sống hòa bình của người dân.
Theo ông Maduro, ngày 21/5 tới lực lượng vũ trang Venezuela sẽ tiến hành diễn tập quân sự trước mối đe dọa ngoại xâm. Ông nhấn mạnh, cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền đất nước, đồng thời kêu gọi người dân vững tâm bảo vệ hòa bình đất nước trước những âm mưu can thiệp từ bên ngoài của cựu Tổng thống Colombia Álvaro Uribe.
Theo ông Maduro, trong một cuộc họp ở Washington với cựu Thủ tướng Tây Ban Nha José María Aznar và vợ thủ lĩnh đảng Ý nguyện Nhân dân đối lập Leopoldo López, người đang bị bắt giam trong tù, ông Uribe đã yêu cầu cần có sự can thiệp quân sự ở nước ngoài vào Venezuela.
Cùng ngày 14/5, Lực lượng vũ trang Venezuela đã ra thông cáo ủng hộ việc Tổng thống Nicolas Maduro ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước một ngày trước đó, nhằm đối phó với những âm mưu của phe đối lập tại nước này cũng như các thế lực bên ngoài hòng lật đổ chính phủ, cùng với đó là việc gia hạn sắc lệnh tình trạng kinh tế khẩn cấp.
Các lực lượng vũ trang Venezuela khẳng định trung thành với chính phủ, mạnh mẽ lên án “các chiến dịch được tổ chức có hệ thống từ nước ngoài nhằm bôi nhọ và khiêu khích Venezuela”.
Tổng thống Maduro cáo buộc Mỹ đang tìm cách đẩy khu vực Mỹ Latinh ra xa “làn sóng (cánh tả) tiến bộ”, và nói rằng việc Brazil đình chỉ công tác của Tổng thống Dilma Rousseff hôm 12/5 vừa qua là một bằng chứng rõ ràng của âm mưu này.
Mặc dù một năm trước, Mỹ từng đưa Venezuela vào danh sách các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ, song chính quyền của Tổng thống Barack Obama luôn kiềm chế trong việc đưa ra các tuyên bố công khai về tình hình chính trị của quốc gia này để tránh bị xem là can thiệp nội bộ.
Tuy nhiên, hôm 13/5 vừa qua, hai quan chức tình báo Mỹ, đề nghị giấu tên, đã trao đổi với báo giới rằng họ dự đoán thời gian ông Maduro tại vị không còn nhiều trong bối cảnh nền kinh tế Venezuela đang trên đà sụp đổ.
Tờ “Washington Post” dẫn lời một trong hai quan chức nói: “Người ta hoàn toàn có thể ý thức được những rạn nứt. Một cuộc khủng hoảng đang tới gần”.
Vòng xoáy khủng hoảng kinh tế
Kể từ khi ông Maduro, đồng minh của cố lãnh đạo Hugo Chavez, lên nắm quyền vào năm 2013, nền kinh tế Venezuela đã bắt đầu sụp đổ. Giá dầu trên thị trường thế giới tụt dốc, sản lượng kinh tế năm 2015 giảm tới 6%, lạm phát trong năm nay dự kiến tăng lên mức 700%, thiếu lương thực, và hạn hán khiến tình trạng thiếu điện càng thêm trầm trọng đang là những nguyên nhân khiến dư luận ngày càng bất bình đối với vị Tổng thống 53 tuổi này.
Trong khi đó, phe đối lập, lực lượng giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử quốc hội tháng 12 năm ngoái, đang tìm cách tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nhằm lật đổ ông Maduro.
Tuy nhiên, nỗ lực của phe đối lập đã gặp phải rào cản lớn từ phía ủy ban bầu cử và các thẩm phán của Tòa án Tối cao. Ngày 15/5, Phó Tổng thống Aristobulo Isturiz thậm chí còn khẳng định “một cuộc trưng cầu dân ý sẽ không thể buộc ông Maduro từ nhiệm”.
Venezuela là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ 3 của Mỹ, sau Canada và Saudi Arabia. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, khoảng 9% số dầu mỏ nhập khẩu vào Mỹ là từ quốc gia Mỹ Latinh này.
Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu dầu mỏ số một của Venezuela. Hai khách hàng lớn thứ hai của Caracas là Ấn Độ và Trung Quốc. Theo Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), thu nhập từ dầu mỏ chiếm tới 95% thu nhập có được từ ngành xuất khẩu của Venezuela.
Phe đối lập gần đây cũng đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát một cuộc khủng hoảng xã hội tại Venezuela. Liên minh Ban Đoàn kết dân chủ (MUD) đối lập tại Venezuela đã trình Ủy ban bầu cử quốc gia (CNE) 1,85 triệu chữ ký để yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý.
CNE cho biết sẽ tiến hành chứng thực các chữ ký từ ngày 2/6 tới và phe đối lập đã chỉ trích sự chậm chễ này. MUD muốn đẩy nhanh cuộc trưng cầu dân ý trong năm nay.
Trong trường hợp ông Maduro bị thua cuộc, Venezuela sẽ phải tổ chức tổng tuyển cử sớm. Trước đó vào năm 2004, một cuộc trưng cầu dân ý tương tự cũng đã diễn ra đối với cố Tổng thống Hugo Chavez, người tiền nhiệm của ông Maduro, và ông này đã giành thắng lợi.
Phe đối lập cho rằng sắc lệnh của Tổng thống có thể dẫn tới làn sóng sung công mạnh mẽ, gây bất ổn trầm trọng, và cản trở một cuộc trưng cầu dân ý về sự tín nhiệm đối với tổng thống. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý phải được tổ chức
vào cuối năm nay để kịp tiến hành các cuộc bầu cử mới theo Hiến pháp Venezuela. Nếu tiến hành sau thời điểm đó thì Phó Tổng thống sẽ là người lên nắm quyền thay ông Maduro trong trường hợp ông này buộc phải từ nhiệm...
Triệu hồi đại sứ tại Brazil
Ngày 14/5, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã cho triệu hồi đại sứ nước này tại Brazil về nước để thảo luận về những diễn biến tại chính trường Brazil.
Phát biểu trong một phiên họp nội các, Tổng thống Maduro thông báo ông đã có cuộc gặp với Đại sứ Alberto Castellar để đánh giá cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Brazil.
Trong một tuyên bố đăng tải trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Venezuela gọi tiến trình luận tội bà Dilma Rousseff tại Brazil là “một cuộc đảo chính”, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực lên án động thái này và khẳng định “mọi hành động chống lại Brazil là chống lại châu Mỹ”.
Trong khi đó, Tổng thống El Salvador Salvador Sánchez Ceren cùng ngày khẳng định quốc gia Trung Mỹ này không công nhận chính phủ lâm thời tại Brazil và có kế hoạch rút đại sứ khỏi nước này.
Người đứng đầu nhà nước El Salvador coi hành động truất quyền bà Rousseff là một âm mưu thao túng chính trị và cảnh báo về “một phương thức đảo chính mới” đe dọa nền dân chủ trên thế giới, đặc biệt là tại Nam Mỹ.