Chiều 20/2, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức họp báo vụ chặt hạ 6.700 cây xanh. Cuộc họp báo diễn ra với hơn 20 câu hỏi của phóng viên, chủ tọa buổi họp không trả lời cụ thể một câu hỏi nào. Sau đúng 10 phút cuộc họp báo kết thúc.
Những câu hỏi bị bỏ ngỏ tại cuộc họp báo
- Có đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động cảnh quan đô thị trước khi quyết định chặt hạ?
- Có nghiên cứu về ảnh hưởng của việc chặt cây đối với dư luận?
- Số lượng cây đã chặt là bao nhiêu? Kinh phí chi cho việc này?
- Có ai chịu trách nhiệm về việc các cây đã bị chặt hạ? Có ai bị kiểm điểm sau vụ này hay không?
- Đơn vị nào đứng ra thẩm định cây hư hỏng, sâu mọt, mục ruỗng?
- Việc rà soát cây để thay thế được tiến hành lúc nào, trong bao lâu, có mời nhà khoa học, chuyên gia tham gia hay không?
|
Cây xà cừ trên đường Nguyễn Chí Thanh cũng bị chặt hạ cùng cây sữa. |
- Phố Nguyễn Chí Thanh được đánh giá là con đường đẹp nhất Việt Nam nhưng tại sao ồ ạt chặt cây, có phải có doanh nghiệp lớn xây dựng công trình trên phố này tham gia xã hội hóa vào đề án, nên họ chủ động chặt đồng loạt theo ý họ?
- Đề nghị cho biết đề án chặt cây hoàn toàn do đơn vị thuộc TP thực hiện hay đằng sau có doanh nghiệp tham gia?
- Những doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đóng góp như thế nào cho TP, được TP ưu ái những gì?
- Những cây chặt xong được tập kết tại đâu, bán hay chưa, việc bán đấu giá hay sử dụng gỗ thành phẩm như thế nào?
- Những cây được lựa chọn trồng mới được mua từ đâu, giá tiền bao nhiêu, mua của doanh nghiệp nào?
- Số lượng gỗ xà cừ cổ thụ trên đường Nguyễn Trãi chặt cách đây sáu tháng được sử dụng như thế nào?
- Có ý kiến cho rằng cây vàng tâm được chọn trồng thay thế không có tán rộng, không mang lại bóng râm, liệu có nên chọn loại cây này?
- Có ý kiến chuyên gia nói cây tần bì TP định chọn thay thế trên một số tuyến phố là cây độc. TP nói gì về chuyện này?
- Đề nghị cá nhân Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cho biết ông cảm nhận ra sao khi ông đi qua khu vực những cây đã bị chặt giữa trời nắng nóng?
- Ông Nguyễn Quốc Hùng là người ký quyết định cho phép chặt cây, ông có nhận khuyết điểm hay không khi ký quyết định đó?
- Trong văn bản TP nói “hầu hết người dân khu vực có cây bị chặt đồng thuận”. Cơ sở nào để nhận định như trên, có nghiên cứu hay điều tra xã hội học gì không? Nếu có, đề nghị công khai con số.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định đây là chủ trương đúng đắn tuy nhiên trong việc thực hiện thiếu thông tin đầy đủ. Về các nhà tài trợ, TP sẽ công bố đầy đủ. Đó là cán bộ Ngân hàng VN Thịnh Vượng đóng góp 30.000 người; Công an HN đóng góp 15.000 – 20.000/người… cho việc thay thế cây xanh.
|
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tại buổi họp báo chiều 20/3. |
Ông Hùng cũng thừa nhận việc thực hiện là thiếu minh bạch, do nôn nóng của nhà tài trợ và xin nhận thiếu sót và sẽ nghiêm túc kiểm điểm.
“Chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm những vấn đề này. Từ nay trở đi những vấn đề lớn của thành phố sẽ nghiêm túc tiếp thu đóng góp ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học để thực hiện chủ trương đúng đắn, thành công để đưa vào cuộc sống”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội trình bày.
Mặc dù, ông Nguyễn Quốc Hùng, người chủ trì cuộc họp thống kê được 21 câu hỏi như trên từ phóng viên các báo đài, nhưng ông cho biết sẽ giao cho các đơn vị liên quan trả lời cụ thể sau. Nhiều phóng viên không khỏi bất ngờ, hụt hẫng khi phiên họp được kết thúc sau 1 giờ đồng hồ mà không có câu hỏi nào được trả lời.
“Nợ” 21 câu hỏi đến bao giờ?
Chiều cùng ngày, UBND TP Hà Nội ban hành công văn giao Sở Xây dựng trả lời các câu hỏi liên quan đến việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố.
Công văn nên rõ, tại cuộc họp ngày 20/3/2015 của UBND thành phố với một số cơ quan thông tin, tuyên truyền về việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố, đã có 21 nhà báo nêu một số câu hỏi chi tiết về việc tổ chức thực hiện việc cải tạo, thay thế cây xanh trong thời gian qua.
Để giải đáp, làm rõ những vấn đề các cơ quan báo chí quan tâm, UBND thành phố giao Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo tổng hợp, có văn bản trả lời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trước ngày 25/3/2015.
|
Có quá nhiều ý kiến phản đối đề án thay thế 6.700 cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội. |
Trước đó, trưa 20/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chính thức chỉ đạo việc dừng chặt hạ cây xanh tại Hà Nội. Cụ thể, yêu cầu các đơn vị liên quan dừng việc chặt hạ, thay thế cây trên một số tuyến phố và quản lý chặt chẽ cây xanh đô thị theo đúng quy định. Những cây đã hạ chuyển thì trồng ngay cây thay thế theo quy hoạch và tiến hành chăm sóc, quản lý. Chỉ thay thế những cây có nguy cơ đổ gãy, cây cong nghiêng và những cây không đúng chủng loại cây đô thị.
“Việc chỉnh trang trồng bổ sung thay thế cây xanh đô thị phải thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai minh bạch và tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhân dân, tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện” - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nêu rõ.
Trong văn bản, ông Nguyễn Thế Thảo còn yêu cầu Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan phải kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện thời gian vừa qua./.