Chất vấn QH không chỉ là đặt câu hỏi và trả lời...

Tuần này, Quốc hội (QH) dành 2,5 ngày (23-25/11) cho hoạt động chất vấn - một trong những hoạt động quan trọng của QH để thực hiện quyền giám sát tối cao đối với các hoạt động điều hành của Chính phủ.

Tuần này, Quốc hội (QH) sẽ dành 2,5 ngày (23-25/11) cho hoạt động chất vấn - một trong những hoạt động quan trọng của QH để thực hiện quyền giám sát tối cao đối với các hoạt động điều hành của Chính phủ.

Đại biểu chất vấn tại kỳ họp Quốc hội. Ảnh: MH
Đại biểu chất vấn tại kỳ họp Quốc hội. Ảnh: MH

Những phiên chất vấn sôi động, quyết đi đến cùng vấn đề với mong muốn chỉ ra tồn tại và xác định trách nhiệm trước những vấn đề được dư luận quan tâm tại những kỳ họp cuối của QH khóa XII đã được coi là một trong những “dấu ấn”, thể hiện rõ quyền lực và trách nhiệm của QH trong việc thực hiện “trọng trách cơ quan quyền lực cao nhất” và là “những đại biểu của nhân dân”.

Yêu cầu đó đã được thể hiện trực tiếp qua việc QH thông qua Nghị quyết về đổi mới hoạt động của QH, trong đó có đổi mới hoạt động chất vấn. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, điểm đổi mới nhất của kỳ này là các ĐBQH sẽ chất vấn trên cơ sở nhóm vấn đề, tránh dàn trải, chỉ tập trung vào những vấn đề mang tính vĩ mô, còn những vấn đề khác thuộc địa phương một, từng Bộ trưởng sẽ chịu trách nhiệm giải trình riêng.

Mỗi ĐB cũng sẽ chỉ có tối đa 2 phút để nêu trực tiếp vấn đề cần hỏi và mỗi thành viên Chính phủ sẽ phải trả lời trực tiếp vào câu hỏi của ĐB mà không đọc báo cáo giải trình như các kỳ họp trước (theo qui định mới trong hoạt động chất vấn). Như vậy sẽ có nhiều ĐB có cơ hội được nêu ra những vấn đề cần được các thành viên Chính phủ giải trình. Đặc biệt, từ kỳ họp này, QH sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn đối với nhóm vấn đề nào thật sự cần thiết và Nghị quyết sẽ được giám sát thực hiện như một đạo luật để đảm bảo chất vấn được thực chất.

Đó là những qui định thể hiện sự “chuyển mình” mạnh mẽ của QH, song cũng đang đợi thực tiễn để chứng minh. Nên trước phiên chất vấn sắp tới, để “chất vấn không chỉ là đặt câu hỏi và trả lời” vẫn luôn là mối quan tâm của nhiều ĐBQH...

Xung quanh việc làm thế nào để đảm bảo hiệu quả của hoạt động chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm của mình:

* ĐB Doãn Thế Cường, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hưng Yên:

“Phải dám nhìn thẳng vào vấn đề”

“Tôi cho rằng đưa câu hỏi không phải chỉ để hỏi mà phải làm sao để các ĐB phải thể hiện được trách nhiệm của mình, đồng thời cũng phải chia sẻ được với các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng trong việc xử lý các vấn đề. Chúng ta muốn rất nhiều nhưng không phải các việc ấy là có thể thực hiện được ngay mà cần có các lộ trình, điều kiện, giải pháp.

Tất nhiên các thành viên Chính phủ thì nên suy nghĩ để làm sao tìm được các khâu đột phá, các giải pháp thiết thực, mới để giải quyết vấn đề nhanh, hiệu quả hơn. Như vậy đáp ứng được mong muốn của cử tri sớm hơn.

Qua chất vấn, các ý kiến của cử tri mà ĐBQH chuyển tải đến thỏa đáng hơn, mà ĐB cũng cảm thấy có sự chia sẻ với thành viên Chính phủ và thành viên Chính phủ cũng phải thấy là ĐBQH không chỉ nêu vấn đề, nêu câu hỏi mà ĐBQH cũng trăn trở, chia sẻ với mình.

Vấn đề là chúng ta dù ở cương vị nào, dù là ĐBQH hay thành viên Chính phủ cũng phải có trách nhiệm cao và phải dám nhìn thẳng vào những công việc đang có vấn đề để mà xem xét, giải quyết.

Tất nhiên, sau chất vấn thì cần tiếp tục trăn trở với những vấn đề mà ĐB hoặc thành viên Chính phủ đưa ra, để mà cùng nhau tiếp tục giải quyết, không chỉ ở Bộ, ngành, mà cả ở cả địa phương, cơ sở nữa. Đó mới là quan trọng!”.

* ĐB Trần Thị Hoa Sinh, Phó trưởng đoàn ĐBQH Lạng Sơn:

“Mục đích là làm rõ trách nhiệm”

“Chất vấn ở đây mục đích là làm rõ trách nhiệm trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện NQ của QH, cũng như trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành và Chính phủ. Cái chung thì chất vấn là làm rõ vấn đề thôi. Tuy nhiên làm thế nào để nâng cao hiệu quả chất vấn thì đòi hỏi từ 2 phía là ĐBQH (đưa ra câu hỏi chất vấn) và người trả lời chất vấn.

Đối với ĐBQH chất vấn đòi hỏi phải nắm được vấn đề, trong quá trình tổ chức, triển khai, thực hiện nó chưa được và trách nhiệm của tổ chức, cơ quan (Bộ, ngành) - được giao trách nhiệm tổ chức, triển khai việc đó.

Các thành viên Chính phủ phải trả lời trực tiếp vào câu hỏi, giải trình được những vấn đề mà ĐBQH chất vấn. Kỳ vọng tại kỳ này (kỳ thứ 2) theo tôi cũng mong muốn kỳ chất vấn này có hiệu quả và có đổi mới như NQ mà đầu kỳ ĐBQH đã biểu quyết thông qua. Nếu làm được như vậy thì chất vấn sẽ hiệu quả hơn”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Nhưng bản chất của chất vấn là truy cứu trách nhiệm chứ không phải là đưa ra giải pháp. Vậy liệu thực chất việc chất vấn có cần phải đi đến qui trách nhiệm cuối cùng, thậm chí là thành viên Chính phủ phải từ chức vì không làm tròn trách nhiệm?”, ĐB Trần Thị Hoa Sinh cho biết: “Theo tôi đó cũng là mong muốn của cử tri. Nếu đặt vấn đề như vậy thì nghĩa là nếu anh không làm được, trách nhiệm của anh đến đâu, nếu đến mức mà phải từ chức thì tự anh cũng nên tự xin từ chức”.

Cũng theo ĐB Hoa Sinh, “giải quyết hậu chất vấn là quan trọng vì dù có chất vấn như thế nào chăng nữa, người đứng đầu các Bộ, ngành, phải trả lời chất vấn tại Hội trường nhưng ý kiến đó được giải quyết như thế nào thì việc đó theo tôi thấy cần được giải trình và làm rõ trong những kỳ họp tiếp theo. Cái đó là mong muốn của ĐBQH và cử tri cả nước nên phải dành thời gian để các Bộ trưởng đã trả lời chất vấn phải giải trình chỗ này. Và nếu chúng ta làm được tốt thì chất vấn hiệu quả, còn nếu làm không tốt, nghĩa là không đeo bám, không yêu cầu làm rõ thì chất vấn cũng chỉ để đấy”.

* ĐB Đặng Thành Tâm, TP.HCM:

“Tôi thấy chất vấn còn nặng về chỉ trích, chưa tập trung xây dựng”

“Tôi cho rằng, ĐB chất vấn không chỉ dừng lại ở việc nêu ra được những vấn đề bức xúc nhất của người dân mà phải đóng góp cụ thể làm gì với các chính sách đó để các chính sách đó đi vào cuộc sống, làm tốt hơn được mới là quan trọng. Chứ đưa vấn đề thì rất nhiều người có thể làm được. Đã là ĐB thì có nghĩa là ĐB của người dân phải tập trung trí tuệ, nghiên cứu thật kỹ, tìm hiểu, lắng nghe và đề xuất được giải pháp.

Đối với khóa này, chúng tôi không cho rằng cứ phải chất vấn bằng được các Bộ trưởng vì các Bộ trưởng cũng như các ĐB, bản thân cũng là ĐBQH nên đây là trách nhiệm chung. Do đó, các ĐBQH không phải chỉ chất vấn mà cũng cần phải đóng góp để làm sao phải phát huy tốt nhất cái trách nhiệm như quyền hạn của người ĐB.

Thời gian vừa rồi tôi thấy chất vấn nặng về chỉ trích chứ không nặng về xây dựng. Tại sao không nghĩ, không đưa ra giải pháp, mà chừng nào người ta không thực hiện các giải pháp đó thì hãy chỉ trích. Vấn đề là có quan tâm hay không. Ai giỏi về lĩnh vực nào thì nên đóng góp vào lĩnh vực đó.

Chất vấn phải có trách nhiệm mới giải quyết được vấn đề. Ai cũng có thể nói hay được nhưng vấn đề là phải có trách nhiệm, suy nghĩ bằng cái tâm và bản thân đặt vào hoàn cảnh của họ để xem cần hỏi gì, sẽ thấy được Bộ trưởng nào có trách nhiệm, Bộ trưởng nào không. Như thế là chất vấn có trách nhiệm.

Về vấn đề trách nhiệm của thành viên Chính phủ trả lời chất vấn, quan điểm của cá nhân tôi và nhiều ĐB là chúng tôi không quan tâm đến trách nhiệm đâu. Kể cả cách chức người đó có giải quyết gì cho đất nước không. Không giải quyết được cái gì cả mà vấn đề là đóng góp cụ thể và sao sát các giải pháp cụ thể đó xem nó đc giải quyết đến đâu thì mới được lợi, đất nước mới phát triển được.

Đó cũng giống như phòng bệnh hơn chữa bệnh, đừng để thành bệnh rồi mới uống thuốc mà cách phòng bệnh đó là quá trình giám sát sát sao của các ĐB và đóng góp cụ thể. Muốn vậy đòi hỏi ĐB phải tự nâng cao bản thân, học hỏi, nghiên cứu và dành nhiều thời gian cho công tác ĐB.

 Hầu hết trước đến nay chúng ta tập trung vào giám sát và nói lên thôi. ĐBQH nghe người dân và truyền đạt qua chất vấn cũng là tốt rồi, nhưng vấn đề là ĐB phải có trách nhiệm giải quyết ý kiến người dân đó như thế nào và bám sát kiến nghị đó. Có như vậy các Bộ trưởng cũng sẽ có trách nhiệm hơn và chắc chắn vấn đề sẽ được giải quyết tốt hơn. Thực sự nếu ĐB quan tâm thì sẽ đeo bám các Bộ trưởng, để tự khắc người ta bám sát công việc hơn. Chứ không phải là chỉ một năm “xuân thu nhị kỳ” lên đăng đàn hỏi, chất vấn là hết chuyện. Như thế là chưa tròn trách nhiệm”.

Hương Giang (ghi)

Đọc thêm