Vì vậy, nhiều nước châu Âu đang tăng cường các biện pháp nhằm thắt chặt an ninh ở mức cao độ.
Báo động
Loạt vụ tấn công ngày 17/8/2017 vừa xảy ra tại Barcelona và Cambrils là các vụ tấn công khủng bố đẫm máu thứ 16 và 17 tại Tây Âu kể từ năm 2015. Hai vụ tấn công này đã làm hàng trăm người chết và bị thương. Trong số những nạn nhân của 2 vụ tấn công trên tại Tây Ban Nha có nhiều người nước ngoài. Đến nay Mỹ, Canada, Argentina, Bỉ và Bồ Đào Nha đều đã xác nhận có công dân bị thiệt mạng trong 2 vụ tấn công trên, trong khi Italy có 2 công dân.
Pháp là nước có nhiều công dân bị thương nhất trong các vụ tấn công. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết ít nhất 28 công dân Pháp bị thương, trong đó 8 người bị thương nặng. Đức cũng có 13 công dân bị thương trong vụ này. Ngoài ra, còn có công dân các nước Venezuela, Cuba, Australia, Ireland, Peru, Algeria, Trung Quốc, Hà Lan, Bỉ, Romania, Hy Lạp...
Điều đáng chú ý là trong số các vụ tấn công khủng bố trên thì có đến 7 vụ tấn công bằng hình thức lao xe vào đám đông. Kể từ sau vụ tấn công bằng xe tải lao vào đám đông ngày 14/7/2016 tại thành phố Nice, Pháp, đến nay đã có đến 7 trong số 11 vụ tấn công khủng bố được sử dụng hình thức này. Có thể kể đến vụ tấn công tại Berlin (Đức) vào tháng 12/2016 làm 12 người chết; các vụ tấn công tại London (Anh) vào tháng 3 và tháng 6/2017 làm 13 người chết; vụ tấn công tại Stockholm (Thụy Điển) vào tháng 4/2017 làm 5 người chết… Trong các vụ tấn công này, các phần tử thánh chiến Hồi giáo sử dụng xe tải hạng nặng, xe tải nhỏ hay ô tô con lao vào đám đông.
Và vụ tấn công khủng bố bằng xe tải vào đám đông vừa xảy ra ở Tây Ban Nha ngày 17-8 vừa qua tiếp tục cho thấy đây đang là cách thức tấn công phổ biến. Tính từ tháng 1/2015, đã có 127 người thiệt mạng trong các vụ tấn công đâm xe kiểu này, tức là cứ 3 người thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố tại Tây Âu thì có hơn 1 nạn nhân chết (chiếm 37%) trong các vụ tấn công bằng xe tải.
Tăng cường bảo vệ các tuyến đường chính, điểm đông người
Sau hàng loạt các vụ tấn công kể trên, các thành phố châu Âu đang tìm cách bảo vệ các tuyến đường chính đông người qua lại hay các sự kiện tụ tập đông người.
Chính quyền Tây Ban Nha đang tăng cường cảnh báo an ninh ở mức cao độ. Ngày 19/8, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha ra tuyên bố khẳng định chính phủ nước này đã quyết định duy trì cảnh báo chống khủng bố ở cấp độ 4 trên phạm vi toàn quốc, đồng thời tăng cường các biện pháp an ninh. Trong tuyên bố, Bộ trưởng Zoido nhấn mạnh mức cảnh báo an ninh cấp độ 4 kết hợp với các biện pháp tăng cường an ninh tại các địa điểm công cộng, nơi tụ tập đông người, các sự kiện, các địa danh du lịch nổi tiếng... là nhằm đảm bảo an ninh tối đa cho người dân.
Tây Ban Nha cũng đã tăng cường an ninh ở khu vực biên giới với Pháp trong bối cảnh các lực lượng chức năng đang truy lùng thủ phạm vụ tấn công khủng bố tại Barcelona. Nguồn tin từ Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết nhà chức trách đã ra lệnh tăng cường các biện pháp an ninh tại biên giới sau phiên họp của Ủy ban chống khủng bố tại thủ đô Madrid. Trước đó một ngày, giới chức Pháp cũng có động thái tương tự tại khu vực biên giới hai nước.
Để đối phó với những vụ tấn công, đặc biệt là các vụ lao xe vào đám đông, nhà chức trách Pháp đã dựng các cột bê tông nhằm tách làn xe ôtô và người đi bộ tại những điểm du lịch nổi tiếng và đông người, chẳng hạn như đại lộ Champs-Elysées hoặc trung tâm thành phố Strasbourg. Dọc theo bờ sông Seine, xe cảnh sát được dùng làm rào chắn tại một số điểm chốt và chỉ cho xe cứu thương đi qua.
Còn ở Đức, sau vụ khủng bố tại Tây Ban Nha ngày 17/8, người phụ trách Nội vụ bang Mecklenburg-Western Pomerania của Đức, ông Lorenz Caffier, cũng thông báo Đức đã sử dụng bê tông để bảo vệ người đi bộ trước các vụ tấn công bằng xe. Tại Stockholm, Thụy Điển, sau vụ tấn công bằng xe tải kinh hoàng tháng Tư, những chú sư tử bằng bê tông nặng 900kg đã được đặt dọc phố mua sắm Drottninggatan. Chính quyền thành phố đã đặt mua thêm 40 khối bê tông hình sư tử nữa, mỗi khối nặng 3 tấn.
Trong khi đó tại Anh, ngày 19/8, Bộ trưởng An ninh Anh Ben Wallace nhận định nguy cơ tấn công khủng bố tại nước này ngày càng gia tăng sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng hứng chịu nhiều thất bại ở Syria và Iraq. Phát biểu trên đài BBC, ông Wallace cho rằng nhiều phần tử cực đoan đang tìm cách tiến hành các vụ tấn công tại Anh do những đối tượng này hoặc vừa trở về nước hoặc không thể gia nhập IS ở nước ngoài. Theo số liệu mới nhất của tổ chức Dữ liệu Khủng bố toàn cầu, tính từ năm 1970 đến nay, Anh có số người thiệt mạng vì khủng bố cao nhất tại Tây Âu với gần 3.400 nạn nhân.
Nguy cơ khủng bố tại Anh trong thời điểm hiện tại cũng được đặt ở mức “nghiêm trọng” với 4 vụ tấn công khủng bố trong vòng 3 tháng qua. Các cơ quan chức năng của Anh được cho là đã ngăn chặn được ít nhất 5 âm mưu khủng bố khác kể từ sau vụ tấn công trên cầu Westminster ngày 22/3 đến nay. Trước nguy cơ bị tấn công, ở London, nhiều cây cầu đã được trang bị các rào cản để ngăn các xe leo lên phần đường dành cho người đi bộ. Tại cung điện Buckingham, thời gian diễn ra nghi thức đổi gác của lính gác cũng đã được thay đổi và một số tuyến đường bị đóng để giảm thiểu nguy cơ tấn công.
Tại Phần Lan, ngày 18/8, một đối tượng cầm dao đã thực hiện vụ tấn công tại trung tâm thành phố Turku, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 8 người bị thương. Sau vụ việc, các lực lượng bảo vệ pháp luật Phần Lan đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng cao và tăng cường an ninh tại các địa điểm công cộng đông người, đặc biệt là các sân bay và ga tàu. Lực lượng cảnh sát tuần tra cũng được tăng cường trên các tuyến phố chính...