Châu Âu chờ đón mở cửa du lịch nhờ “chứng chỉ COVID-19“

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu đầu tuần trước tại Brussels, các lãnh đạo châu Âu đã thống nhất thông qua chứng nhận y tế liên quan đến COVID-19, hay còn được gọi là “giấy thông hành COVID-19”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giấy chứng nhận y tế về Covid-19 cho phép những người sở hữu được phép đi lại tự do trong không gian Schengen bởi trên giấy chứng nhận đó có đầy đủ các thông tin về việc du khách đó đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 hay chưa, thời gian tiêm, loại vaccine được tiêm, hoặc chứng nhận đã có miễn dịch hay xét nghiệm âm tính trong thời gian gần nhất. Khi sở hữu chứng nhận với đầy đủ các thông tin đó, du khách sẽ không bị cản trở bởi các biện pháp hạn chế.

Giấy chứng nhận y tế còn có một ý nghĩa quan trọng khác nữa, đó là cho phép du khách từ các thị trường lớn quay trở lại châu Âu, đặc biệt là các du khách từ Mỹ và Anh, hai quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao hàng đầu thế giới hiện nay. 

Một chi tiết cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của hai thị trường này đó là trước đại dịch du khách từ Mỹ và Anh chiếm đến 30% của tổng số gần 65 triệu du khách đến Italia mỗi năm. Tại Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha… các du khách từ Mỹ và Anh cũng là lượng du khách đông nhất, chi tiền nhiều nhất, bên cạnh du khách Trung Quốc và Trung Đông.

Yếu tố quan trọng nhất để áp dụng chứng nhận y tế về COVID-19 tương tự châu Âu là phải có đủ vaccine để tiêm cho dân chúng. Chỉ khi nào số lượng công dân được tiêm vaccine đủ lớn và chiếm đa số trong dân chúng thì mới có thể bàn luận về việc áp dụng chứng nhận y tế này. Đây là vấn đề nan giải với hầu như tất cả các nước trên thế giới hiện nay bởi Mỹ, châu Âu và Canada đã thu gom phần lớn lượng vaccine ngừa COVID-19 được sản xuất.

Với 3.500 khán giả trong nhà, đêm chung kết Cuộc thi Giọng hát hay châu Âu (Eurovision 2021) diễn ra hồi tuần trước tại Rotterdam, Hà Lan là minh chứng rõ nhất cho thấy châu Âu đang dần trở lại trạng thái bình thường. Đây là điều mà không ai có thể tưởng tượng chỉ cách đây một vài tuần. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh châu Âu, tuần qua, châu lục đã chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất về số ca mắc và tử vong mới do COVID-19 so với bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Trong khi đó, tỷ lệ người trưởng thành nhận được một mũi vaccine ngừa COVID-19 cũng lên tới 44%. Hiện nay không có quốc gia châu Âu nào nằm trong top 10 quốc gia có số mắc mới trên 100.000 dân.

Tuy nhiên virus lại đang gia tăng mạnh ở Đông Nam Á, phần lớn Mỹ Latin và đặc biệt là các quốc đảo Maldives và Seychelles ở Ấn Độ Dương. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, với tình hình toàn cầu còn “mong manh và đầy biến động”, châu Âu không phải là đã thoát khỏi nguy cơ. Thế giới không được phép quên bài học của năm 2020 khi tâm lý chủ quan, tự mãn đã dẫn tới tình trạng thảm họa trong suốt năm 2020 và trong quý đầu tiên của năm 2021.

“Với hơn 3,5 triệu ca tử vong được ghi nhận do COVID-19, ước tính thiệt hại của nền kinh tế toàn cầu là 22.000 tỷ USD. Các biến thể mới sẽ khiến dịch bệnh gia tăng gấp bội. Đại dịch còn lâu mới kết thúc”, ông Ghebreyesus nói.

Mối lo ngại lớn nhất không chỉ đối với châu Âu, mà toàn thế giới hiện nay là sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm hơn, mà trong đó phải kể đến biến thể rất dễ lây lan được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ. Chính phủ Anh mới đây cảnh báo, biến thể từ Ấn Độ chiếm 50 đến 75% tổng số ca lây nhiễm mới và có thể gây trì hoãn kế hoạch dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế xã hội theo dự kiến vào ngày 21/06 tới.

Đọc thêm