Theo AFP, với việc hàng triệu người đã bị mất việc và nền kinh tế không tăng trưởng, các chính phủ các nước đang tuyệt vọng mở cửa trở lại nhưng hầu hết chọn cách tiếp cận mở cửa dần dần.
Tại Pháp, các tiệm làm tóc, cửa hàng quần áo, người bán hoa và hiệu sách sẽ mở cửa trở lại vào ngày 11/5 nhưng các quán bar, nhà hàng, nhà hát và rạp chiếu phim vẫn đóng cửa.
Trong khi đó, từ ngày 11/5, một nửa trong số 47 triệu người Tây Ban Nha sẽ có thể ra khỏi nhà, gặp gỡ gia đình hoặc bạn bè trong các cuộc tụ họp lên tới 10 người.
Các quán bar, nhà hàng có không gian ngoài trời cũng có thể mở cửa trở lại. Song, những người ở các điểm nóng dịch bệnh như Madrid và Barcelona sẽ vẫn phải ở nhà theo lệnh phong tỏa.
Bỉ, Đức và Hy Lạp là một trong số các quốc gia châu Âu khác cũng dự kiến nới lỏng các biện pháp phong tỏa được áp dụng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 từ ngày 11/5.
Các quan chức châu Âu đã được khuyến khích mở cửa trở lại bởi tỷ lệ tử vong do dịch Covid-19 giảm.
Trong đó, Pháp ngày 9/5 ghi nhận chỉ 80 ca tử vong, là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4 và tỷ lệ tử vong hàng ngày của Tây Ban Nha đã giảm xuống dưới 200.
Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra làn sóng các ca bệnh chết người thứ 2 đã được nhấn mạnh bởi sự gia tăng trở lại các ca bệnh ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, nơi tất cả các quán bar và câu lạc bộ đã phải đóng cửa sau khi hàng chục trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.
Và Trung Quốc ngày 10/5 cũng đã báo cáo về ca nhiễm bệnh đầu tiên trong hơn 1 tháng tại Vũ Hán - thành phố nơi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên vào cuối năm ngoái.
Ít nhất một quận ở Đức đã buộc phải áp dụng lại các hạn chế từ ngày 9/5, sau khi dịch bệnh bùng phát tại một nhà máy chế biến thịt.
Các quan chức Anh được cho là đang xem xét việc cách ly 14 ngày bắt buộc đối với khách quốc tế khi thông báo kế hoạch mở cửa trở lại trong ngày 10/5.