Thời báo Vientiane Times dẫn lời người đứng đầu chính quyền huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu Bounhom Phommasane cho biết, đến ngày 25/7, có hơn 3.000 người “cần được giải cứu” và khoảng 2.851 người đã được cứu. Ngoài ra, tờ báo trên cho hay, khoảng 19 người đã được tìm thấy đã thiệt mạng sau khi đập thủy điện đang được xây dựng ở tỉnh Attapeu bị vỡ.
Liên quan đến vụ việc, AFP cho biết, đối tác Hàn Quốc trong dự án xây đập thủy điện ngày 25/7 cho biết đã phát hiện hiện tượng sạt lở bất thường ở phần đỉnh của công trình từ khoảng 21h00 ngày 22/7, tức 24 giờ trước khi đập bị vỡ. “Chúng tôi đã ngay lập tức cảnh báo nhà chức trách và bắt đầu sơ tán người dân ở khu vực hạ lưu”, tuyên bố của Công ty thiết kế và xây dựng SK cho biết. Công ty cũng đã ngay lập tức tiến hành công tác khắc phục hư hại của đập nhưng các nỗ lực này gặp nhiều khó khăn do mưa lớn, đường sá khó đi lại. Đến rạng sáng 23/7, Ban quản lý đập đã quyết định xả bớt nước từ đập Xe Namnoy – một trong 2 đập chính của Dự án - để giảm áp lực trên đập phụ.
Theo SK, đến chiều 23/7, giới chức Lào đã cảnh báo người dân về việc đập thủy điện có thể hư hại thêm, kéo theo yêu cầu sơ tán chính thức đối với người dân sống ở khu vực hạ lưu. Song, chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ sau đó, đập thủy điện đã bị vỡ. Đến sáng 24/7, 7 trong số 12 làng ở khu vực hạ lưu sông nằm trên địa bàn huyện Sanamxay đã bị ngập.
SK cho biết đã điều Đội xử lý khủng hoảng tới hiện trường, đồng thời điều máy bay trực thăng, thuyền và lực lượng cứu hộ tới phối hợp với Chính phủ Lào để thực hiện công tác cứu hộ, giải cứu những người dân ở gần hiện trường. “Hiện, SK E&C đang phối hợp với Chính phủ Lào trong công tác khắc phục thiệt hại và phục hồi sau thiên tai”, Công ty cho biết. Văn phòng Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Tổng thống Moon Jae-in đã yêu cầu thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có điều nhóm cứu hộ khẩn cấp tới hỗ trợ các nạn nhân ở Lào.
Trước đó, các nhóm về quyền môi trường đã liên tục cảnh báo về thiệt hại về người và môi trường của việc xây dựng quá nhanh đập thủy điện, trong đó có thiệt hại về hệ sinh thái của các con sông trong khu vực. Còn trong vụ việc vừa xảy ra, ông Brian Eyler – Giám đốc Trung tâm Stimson thuộc Chương trình Đông Nam Á – cho rằng việc vỡ đập phụ có thể gây thiệt hại nặng nề hơn việc vỡ đập chính.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, sau khi nhận được thông tin sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy tại Lào, Tổng cục giao cho các cơ quan đầu ngành tính toán đưa ra nhận định bước đầu là sự cố vỡ đập ở Lào ít tác động đến Việt Nam.