“Chạy” quy hoạch

(PLO) - Kỳ họp thứ 2 Quốc hội (QH) khóa XIV đang thảo luận về Dự án Luật Quy hoạch, đại biểu QH băn khoăn và đề nghị “cần khắc phục tình trạng quy hoạch cho có, có quy hoạch nhưng không dùng được, làm trái quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch tràn lan vì lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch hoặc tân quan, tân quy hoạch”.
Hình minh họa
Hình minh họa

Đúng là chúng ta đang có tình trạng chất lượng quy hoạch kém, tầm nhìn ngắn hạn, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh khi “chưa ráo mực”, quy hoạch “treo”, quy hoạch nọ “đá” quy hoạch kia, quy hoạch “vô hồn”... thậm chí “chạy quy hoạch”.

Quy hoạch đang nói ở đây với tư cách là văn bản quy phạm pháp luật chứ không phải quy phạm hành chính, ví dụ “nắn” đường thẳng thành cong vì căn nhà mặt phố của ai đó có quyền chức.

Chúng ta đang có quá nhiều “hội chứng” về quy hoạch; ví dụ: Chính phủ có quy hoạch về một lĩnh vực nào đó, lập tức các tỉnh, thành phố đều ban hành các quy hoạch về nó...

Rất khó thuyết phục cử tri và báo chí khi trả lời chất vấn về Dự án thép Cà Ná, vì tháng 1/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương mới ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch cho toàn bộ ngành Thép Việt Nam, theo đó bổ sung dự án này. Thời gian quả là nhanh. Siêu nhanh cho đến khi UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất (!)

Khi thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật này, một đại biểu QH đề nghị cần xem xét bổ sung nguyên tắc quy hoạch phải bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, phát huy được lợi thế, tiềm năng của từng vùng, từng địa phương nhưng không làm gia tăng sự chênh lệch và phát triển giữa các vùng và các địa phương.

“Tôi cho rằng, cần lập quy hoạch tổng thể quốc gia để bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, tránh tình trạng quản lý chia cắt cục bộ, thiếu liên kết vùng và liên kết các địa phương và sản phẩm ngành; tạo không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng, ngành và quy hoạch cấp tỉnh; bảo đảm tính dự báo kịp thời, khách quan, ổn định, tính khả thi và thực tế của hoạt động quy hoạch”, ông nhấn mạnh.

Nếu như nói đất nước này lãng phí nguồn lực thì điều đầu tiên phải nhận diện do bất cập ngay trong quy hoạch, ngành nào, lĩnh vực nào cũng thế. Do vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng quy hoạch, cần cấm hành vi lợi dụng quy hoạch để trục lợi, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, nhiệm kỳ sau điều chỉnh quy hoạch nhiệm kỳ trước, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm quy hoạch kể cả khi họ đã nghỉ hưu. 

Có như thế quy hoạch mới trở thành một trong những công cụ hữu hiệu để giúp các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, điều hành và thực hiện những nhiệm vụ chính trị, cụ thể hoá các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và môi trường của đất nước.

Đọc thêm