Trong một diễn biến mới nhất gần đây, một người nguyên là Trưởng ban Kinh tế - Tài chính thuộc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa bị khởi tố bị can. Vụ việc sai phạm này (bây giờ đã trở thành vụ án) đã xảy ra cách đây khá lâu, báo chí đã phanh phui, đại biểu Quốc hội đã nêu vấn đề và chất vấn tại nghị trường và vào năm 2013, bản thân bị can này đã phải nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng.
Đó là diễn biến của việc 1.500 tỷ đồng từ quỹ bảo hiểm bị cho vay và hiện tại không thể đòi lại được. Rất đáng nói là việc cho vay này là sai đối tượng khi chỉ được phép dùng tiền bảo hiểm cho những ngân hàng thương mại vay nhưng lại bị những cán bộ ở đây lại “đầu tư” vào Công ty cho thuê Tài chính II thuộc Agribank và ai cũng biết là nguyên Tổng Giám đốc của Công ty này là Vũ Quốc Hảo đã bị tuyên án tử hình từ năm 2014.
Sai phạm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được kiểm toán chỉ ra từ năm 2011, điều này cho thấy vụ việc đã bị “ngâm” lâu như thế nào dù báo chí phanh phui, dù đại biểu Quốc hội lên tiếng. Giờ đây, sai phạm đã được gọi đúng tên hình sự là “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài chuyện mất mát tiền của, vụ này còn gây mất niềm tin rất lớn với người đóng bảo hiểm. Một mặt, người ta liên tục nêu nguy cơ “vỡ quỹ bảo hiểm” để thay đổi chế độ đóng bảo hiểm, hưởng lương hưu, kéo dài tuổi hưu..., mặt khác, người ta quản lý tiền bảo hiểm như thế đấy!
Tương tự, những sai phạm xảy ra từ rất lâu như ở Tập đoàn Cao su Việt Nam, nhiệt điện hay các vụ hối lộ tiền tỷ... cũng lần lượt được lôi ra ánh sáng và xử lý. Các vụ bổ nhiệm người nhà “đúng quy trình” đã làm rõ và xử lý một số trường hợp, còn lại, một danh sách “ứng viên dự bị” khá dài của việc bổ nhiệm này ở các địa phương vẫn còn xếp hàng chờ đến lượt mình.
“Chạy trời không khỏi nắng” – tục ngữ dân gian Việt Nam đã đúc kết điều này và giờ đây nó ứng vào những kẻ tham nhũng, có chạy cũng không thoát, kể cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ “chạy”!