Ở nước ngoài, đây là một hành vi vi phạm bản quyền trầm trọng. Tranh, ảnh nghệ thuật cũng được xác định là hàng hóa và được lưu thông trong nền kinh tế thị trường, do đó, chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ và Bộ luật Hình sự. Song, ở Việt Nam lại trở thành một “nghề ưa chuộng”, “lắm công phu”, “lợi nhuận khủng”.
Ngang nhiên vi phạm tác quyền vì lợi nhuận
Tại những điểm du lịch đông đúc, phố tranh chép càng sôi động. Tranh nhái tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng nước ngoài như Van Gogh, Picasso, Salvador Dali,... và tác giả Việt Nam như họa sĩ Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Đặng Phương Việt... đều được trưng bày tràn lan, mua bán tự do.
Tranh chép có nhiều loại: Chép một số nét cơ bản, chép gần như nguyên xi, phóng tác dựa trên bản gốc, kích thước to hơn hoặc nhỏ hơn tranh gốc, có hoặc không có chữ ký, với đủ các hình thức như sơn dầu, sơn mài, lụa, tranh in, khắc, tổng hợp. Cũng có cách sao chép tranh kiểu “sáng tạo” như “pha trộn nhiều phong cách”, chắp người này một chút, người kia một tí. Nhiều họa phẩm nổi tiếng đều được nhân bản với một trình độ sao chép “công phu”, “chất lượng cao”, “màu sắc tốt” khiến những người không am hiểu về nghệ thuật hội họa rất khó phân biệt giữa tranh chép và tranh gốc.
Sở dĩ, đây là một thị trường nhộn nhịp bởi người mua tranh, người bán tranh hay người chép tranh đều đạt được “siêu lợi nhuận”. Nếu như giá gốc của những tuyệt phẩm có thể lên tới hàng chục nghìn, hàng triệu đô la Mỹ thì với tranh chép, người mua chỉ cần bỏ ra vài chục nghìn, vài trăm hoặc vài triệu đồng là có thể sở hữu ngay “Nàng Mona Lisa bí ẩn” của Leonardo Da Vinci, hay “Phố cổ” của Bùi Xuân Phái, “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân giá từ 500.000đ – 800.000đ.
Các phòng tranh thuê họa sĩ tự do hoặc sinh viên các trường mỹ thuật chép tranh với giá từ 50.000 đồng- 200.000 đồng/bức và bán với giá từ 500.000 đồng -2.000.000 đồng/bức hoặc hơn, mức lợi nhuận gấp 5 -6 lần. Mà thợ chép tranh cũng không cần nhiều công sức, thời gian sáng tạo ra một bức tranh, chỉ cần có chút công phu, chút tỉ mẩn, cẩn thận, cũng như con mắt thẩm mỹ là có thể kiếm được thu nhập trung bình ổn định, từ 3.000.000 – 6.000.000 đồng/tháng, tùy theo tay nghề. Tưởng chừng, đây là một viễn cảnh sáng sủa, tất cả đều có lợi.
Song, nhìn vào mặt trái, vì lợi nhuận, các phòng tranh đã tiếp tay cho một hành vi vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Khách hàng ở Việt Nam khi mua tranh chép “kiểu chợ búa” như vậy, thể hiện sự thiếu hiểu biết cũng như thiếu gu thẩm mỹ thưởng tranh, đã bị “qua mặt” bởi vẻ ngoài.
Còn về những họa sĩ chép tranh, đây có thể là một nghề ổn định; song, không phải là sáng tạo, theo đuổi nghệ thuật chân chính. Chép tranh của ai, chép để làm gì? Điều này hầu như những người chép tranh còn không biết, họ chép theo yêu cầu, để phục vụ mục đích thương mại.
Mất mát lớn nhất có lẽ chính là đối với những tác giả của những bức tranh bị chép tràn lan và những họa sĩ thực thụ. Nhiều họa sĩ như Đặng Phương Việt, Lê Thiết Cương, Bùi Thanh Phương, Thành Chương,… đều đã nhiều lần lên tiếng phản đối vấn nạn tranh chép, tranh nhái, tố cáo tranh giả.
Có chính sách nhưng họa sĩ vẫn không được bảo vệ?
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL) cho biết, pháp luật điều chỉnh lĩnh vực mỹ thuật hiện nay có đầy đủ, đó là: Luật Sở hữu trí tuệ 50/2005/QH11, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định vấn đề bản quyền, quyền tác giả, quyền bảo hộ tác phẩm phái sinh (tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, từ một tác phẩm sẵn có), Luật Thương mại quy định về việc buôn bán các loại hàng hóa, trong đó có tác phẩm mỹ thuật, Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản, trong đó có quy định đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, Nghị định 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật; quy chế sao chép tác phẩm…
Tất cả đều quy định bản sao phải có sự thỏa thuận với các tác giả bằng các hợp đồng dân sự nếu mà các tác giả còn sống, có thông tin rõ ràng như phải ghi rõ là bản sao, khuôn khổ khác bản gốc, ai chép, chép của ai.
Về mặt thủ tục pháp lý, khi phát hiện có sự vi phạm, người phát hiện có thể báo cho Cảnh sát 113 hoặc báo cho Công an phường sở tại để đến lập biên bản tại chỗ, ghi nhận vi phạm, đồng thời, tạm giữ, niêm phong vật vi phạm theo quy định để phục vụ công tác điều tra về sau.
Dù đã có đủ nền tảng pháp lý, nhưng quy chuẩn về thẩm mỹ cũng như chế tài xử phạt chưa rõ ràng. Cơ quan thực thi pháp luật vẫn còn “lúng túng” trong công tác kiểm tra, thẩm định thật – giả, xử lý vi phạm, bảo vệ quyền tác giả và quyền lợi kinh tế cho người bị xâm phạm. Do đó, hiện tượng này vẫn còn tiếp diễn, thậm chí là tràn lan, công khai.
Không phủ nhận, cuộc sống họa sĩ rất vất vả, không ổn định, và hình thức chép tranh không hoàn toàn tiêu cực. Tuy vậy, hành vi sao chép, trưng bày, mua, bán, chuyển nhượng tác phẩm mỹ thuật không phép, đều là hành vi bị cấm, xâm hại trực tiếp tới quyền lợi của tác giả, thể hiện sự gian dối, thiếu minh bạch trong nghệ thuật.
Nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương, Người sáng lập và điều hành mô hình giáo dục, nghiên cứu, và thực hành nghệ thuật độc lập CUCA Vietnam, từng chia sẻ: “Đam mê của người nghệ sĩ là nội tại, không bị quy định bởi yếu tố bên ngoài. Nếu tôi đam mê nghệ thuật, dù nhà nghèo, dù khó khăn, tôi vẫn sẽ luôn tìm cách để phát triển con người nghệ thuật của mình.”