Chỉ số giá tiêu dùng cao chính do "nội tại kinh tế" yếu

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 13,29% so với tháng 12/2010, vượt xa chỉ tiêu đề ra cho cả năm. Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do những yếu kém nội tại của nền kinh tế.

Theo báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội và ngân sách 6 tháng đầu năm của Chính phủ, tại ngày khai mạc kỳ họp lần thứ nhất, QH khóa XIII, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 13,29% so với tháng 12/2010, vượt xa chỉ tiêu 7% đề ra cho cả năm.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có báo cáo nhận định, giá cả nhiều hàng hóa và dịch vụ tăng nhanh và đột biến, gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân, đặc biệt là 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo cũng như những người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình sống ở thành thị. So với cùng kỳ, 6 tháng đầu năm nay, nhóm hàng thực phẩm và giáo dục tăng hơn 24%, nhóm lương thực tăng 20,6%... 

"Chỉ số giá tiêu dùng vẫn chịu áp lực tăng, rất khó khăn để giữ ở mức 17% vào cuối năm", báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cảnh báo.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng tăng xuất phát từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế: thâm hụt thương mại lớn và kéo dài, bội chi ngân sách cao nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp…

Các thành viên của Ủy ban này phân tích, những tháng đầu năm 2011, việc điều chỉnh tăng giá một số hàng hóa thiết yếu, điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND, tăng lãi suất ngân hàng tập trung dồn dập vào khoảng thời gian ngắn đã làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất, trong khi sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong công tác quản lý thị trường với thông tin tuyên truyền còn hạn chế, gây tâm lý không tích cực cho người tiêu dùng, qua đó đã gây phản ứng tăng giá dây chuyền lên nhiều hàng hóa khác.

Lạm phát cao, giá cả hàng hóa tăng làm cho thu nhập thực tế của người dân, nhất là người có thu nhập thấp, người lao động ở các khu công nghiệp bị giảm sút, ảnh hưởng lớn đến đời sống của bộ phận dân cư này. Đây cũng là một nguyên nhân gây hiện tượng đình công gia tăng ở một số doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 440 cuộc đình công, bằng 105% cả năm 2010, trong đó, phần lớn các cuộc đình công xảy ra ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, 6 tháng đầu năm nay, đa số các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn các năm trước, cả về việc tiếp cận vốn cũng như chi phí vốn tăng quá cao, một số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động.

Đơn cử, tại bắc Giang, từ đầu năm tới nay có 43 doanh nghiệp xin ngừng hoạt động. Tỉnh Bắc Ninh đã giải thể và thu hồi giấy phép chứng nhận đăng ký kinh doanh của 44 doanh nghiệp. Tỉnh Hưng Yên chỉ có 30% số doanh nghiệp tiếp cận được vốn và có thể tạm đáp ứng nhu cầu vay vốn...

Lãi suất tăng cao, chi phí vật liệu xây dựng tăng mạnh cũng làm cho nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, không ít dự án bị đình hoãn hoặc có nguy cơ đình hoãn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu bị đình trệ và kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ tăng nợ xấu ngân hàng trong những tháng cuối năm 2011 và năm 2012.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu một số hàng hóa xa xỉ, cần hạn chế nhập khẩu vẫn tăng mạnh (5 tháng đầu năm 2011, nhóm hàng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, xe máy nguyên chiếc có lượng nhập khẩu tăng khoảng 70%; nhóm hàng hóa cần kiểm soát như đá quý, phụ tùng xe hơi… tăng hơn 20% so với cùng kỳ).

Diệu Thúy

Đọc thêm