Báo chí đã vào cuộc trước, phản ảnh việc đổ phế thải ở đây, bao gồm cả chất liệu rắn trên một diện tích rất lớn, biến đường chảy của sông thành đất liền và xuất hiện cả những con đường trên đó. Đáng nói là hoạt động này diễn ra công khai, không hề lén lút, người dân đều biết và chứng kiến, cứ y như là một hành vi hợp pháp vậy!
Đáng nói hơn, 1 năm trước, chính quyền phường Long Biên cũng đã lấp đoạn sông này, làm thành một mặt bằng rộng lớn mà không hề được ai cho phép. Sau khi bị phanh phui, lên án thì UBND phường mới buộc phải xúc đất đi trả lại hành lang thoát lũ này. Không ai biết những thiệt hại kinh tế do việc này gây ra chính quyền hay cá nhân phải đền bù cũng như việc xử lý trách nhiệm các lãnh đạo phường này như thế nào. Chỉ biết rằng, “sự nghiệp lấp sông” lại tái diễn bằng phế thải thì hẳn là cái vụ trước đã không ai bị hề hấn gì cả!
Rất trùng hợp, cách đây đúng 1 tháng, ngày 15/11, Chủ tịch Hà Nội chỉ thị việc “bức tử sông Hồng” cũng do báo chí phanh phui và báo cáo kết quả xử lý trước ngày 05/12/2016. Liên quan đến sự việc này, 3 Cảnh sát giao thông đường thủy ở Hà Nội đã bị xử lý kỷ luật. Rồi vụ đổ trộm bùn khoan cực độc xuống sông Hồng xảy ra tại địa bàn huyện Đông Anh, không ai khác, cũng chính là báo chí mật phục, chụp ảnh và đưa tin trong nỗi lo sợ bị đe dọa từ bảo kê và “chim lợn”.
Sông Hồng hay còn gọi là sông Cái – dòng sông Mẹ đã nuôi sống đồng bằng phì nhiêu và đã làm nên nền văn minh sông Hồng. Đoạn chảy qua Hà Nội, dòng sông uốn cong, bao bọc Thủ đô nên còn gọi là Nhĩ Hà (như vành tai con người) mà sau này đọc chệch thành Nhị Hà. Con sông Mẹ thiêng liêng như thế mà chính quyền sở tại làm ngơ, tiếp tay, thậm chí còn trực tiếp “bức tử” nó. Thử hỏi còn còn có sự vô đạo nào hơn của những người có trách nhiệm giữ gìn giang sơn gấm vóc này?
Trở lại với các sự việc xảy ra trên đây, thấy rõ một điều là chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã thiếu tinh thần trách nhiệm nghiêm trọng trong thi hành chức năng và phận sự của mình. Bao giờ thì có thể chấm dứt được tình trạng phải có chỉ thị trực tiếp từ cấp trên thì mới buộc phải làm một cách khiên cưỡng, đến bao giờ thì chính quyền sở tại mới tự phát hiện được những hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại môi trường, đe dọa trực tiếp đến đời sống nhân dân trên địa bàn mình phụ trách?!