Chỉ tiêu tuyển sinh 2012 có “siết” được chất lượng?

Mùa tuyển sinh năm 2012, khối ngành kinh tế dự kiến vẫn giữ vị trí thượng phong. Và trước yêu cầu “siết” lại chỉ tiêu, đảm bảo đúng “chuẩn” diện tích sàn xây dựng/sinh viên và tỷ lệ sinh viên/giảng viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường ĐH dự kiến vẫn giữ nguyên hoặc tăng chỉ tiêu.

Mùa tuyển sinh năm 2012, khối ngành kinh tế dự kiến vẫn giữ vị trí thượng phong. Và trước yêu cầu “siết” lại chỉ tiêu, đảm bảo đúng “chuẩn” diện tích sàn xây dựng/sinh viên và tỷ lệ sinh viên/giảng viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường ĐH dự kiến vẫn giữ nguyên hoặc tăng chỉ tiêu.

Năm nay, Bộ GD&ĐT ra tiêu chí để các trường tự   xác định chỉ tiêu tuyển sinh
Năm nay, Bộ GD&ĐT ra tiêu chí để các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh

ĐH vùng tăng, ngoài công lập giảm

Hàng năm các trường ĐH,CĐ đều được tăng chỉ tiêu tuyển sinh từ 5 - 10% chỉ tiêu nhưng năm nay Bộ GD&ĐT ra tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh và để các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên các tiêu chí mà Bộ đưa ra thì hầu hết các trường đại học công lập đều giữ ổn định chỉ tiêu như năm trước và tuyển thêm khối A1.

Phó Hiệu trưởng ĐH Tây Nguyên Nguyễn Tấn Vui cho biết, chỉ tiêu dự kiến tại trường năm nay không thấp hơn năm ngoái với khoảng 3.000. Theo ông Vui, nếu đảm bảo đúng yêu cầu của bộ về diện tích sàn xây dựng/sinh viên và tỷ lệ sinh viên/giảng viên thì năm nay hầu hết các trường ĐH trong cả nước sẽ phải... ngừng tuyển sinh. Bởi từ trước đến nay, quy mô giảng viên vốn đã không theo kịp quy mô sinh viên. Năm nay, trường đã bổ sung thêm gần 100 giảng viên, nhiều hơn so với các năm, tuy nhiên việc tuyển giảng viên không thể tiến hành ồ ạt, gây ảnh hưởng đến chất lượng.

Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Quảng Nam Nguyễn Bá Hòa cũng thống kê, chỉ tiêu dự kiến hệ ĐH năm nay tại trường khoảng 700 (tăng 200 so với năm ngoái), hệ CĐ là 800 (tăng 150). Ông Hòa giải thích, việc tăng chỉ tiêu thực ra không ảnh hưởng gì đến “chuẩn chung” về diện tích sàn xây dựng/sinh viên và tỷ lệ sinh viên/giảng viên bởi mọi năm trường tuyển sinh và đào tạo ít, do đó các tiêu chí này thậm chí đã thấp hơn so với yêu cầu chung của bộ. Các ngành sư phạm toán, sư phạm vật lý, kế toán, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng dự kiến mở rộng khối thi với tổ hợp đề Toán - Lý - Anh.

Trường ĐH Ngoại thương, bà Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng đào tạo cho biết: “Trường vẫn giữ ổn định tuyển sinh như năm 2011. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 3.400. Trường bổ sung thêm khối A1”.

Ngược lại với trường công lập, một số trường ĐH ngoài công lập đã xin bộ giảm chỉ tiêu tuyển sinh và tuyển thêm khối A1. Trường ĐH Chu Văn An, ông Ngô Viết Hải, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết: “Trường xin Bộ giảm chỉ tiêu tuyển sinh từ 1.400 chỉ tiêu xuống còn 1.000 chỉ tiêu. Trường đăng ký tuyển sinh khối A1”.

Trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội, ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Trường cũng đã đề nghị bộ cho trường giữ ổn định chỉ tiêu như năm trước và đăng ký tuyển thêm khối A1 cho ngành Công nghệ thông tin. Mặc dù tuyển thêm khối A1 so với khối A cũng không thay đổi là mấy nhưng cũng là cơ hội cho những sinh viên giỏi ngoại ngữ có cơ hội thi tuyển”...

Có “siết” được chất lượng?

Theo Bộ GD&ĐT, năm nay tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ dự kiến khoảng 576.000 (tăng khoảng 28.000 chỉ tiêu so với năm 2011). Như vậy, mức tăng chỉ tiêu trong năm 2012 có giảm so với những mùa tuyển sinh gần đây nhưng vẫn có sự mất cân đối giữa các nhóm ngành.

Trong tổng số chỉ tiêu năm 2012, chỉ tiêu nhóm ngành kinh tế- tài chính- ngân hàng vẫn đầu bảng với 184.300 chỉ tiêu. Kế đến là nhóm ngành kỹ thuật- công nghệ 172.800 chỉ tiêu, nhóm ngành sư phạm 54.600 chỉ tiêu, nhóm ngành khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn 51.800 chỉ tiêu, nhóm ngành nông- lâm- ngư 43.200 chỉ tiêu, nhóm ngành y dược 40.300 chỉ tiêu và nhóm ngành nghệ thuật - thể dục thể thao 29.000 chỉ tiêu.

Kết quả vài mùa tuyển sinh gần đây cho thấy nhóm ngành kinh tế đã chiếm tới trên 27% trong tổng số thí sinh trúng tuyển vào các trường. Con số này đã vượt mục tiêu mà Chính phủ đặt ra “đến năm 2020 nhóm ngành kinh tế - luật chiếm 20% sinh viên theo học”.

Và thực tế, trong đợt kiểm tra 24 trường mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố có tới 41 ngành không có tiến sĩ (điều kiện tối thiểu khi mở ngành đào tạo), 12 ngành không có tiến sĩ và thạc sĩ, thậm chí chưa có giảng viên cơ hữu. Thế nhưng nhiều năm liền những trường nói trên, trong đó có trường đến 7 ngành không có tiến sĩ nhưng vẫn được duyệt mở ngành và chỉ tiêu liên tục tăng qua các năm.

Tại hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2012, ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết, nếu tính bình quân 25m2 đất/SV thì chỉ có 9/38 trường ĐH, CĐ trực thuộc Bộ đạt chuẩn. Các trường có diện tích bình quân/SV thấp tập trung ở khu vực TP, nhất là Hà Nội và TP.HCM, như ĐH Kinh tế TP.HCM, Viện ĐH Mở Hà Nội, ĐH Ngoại thương; ĐH Xây dựng... Theo tổng hợp chung, hiện còn 12 trường trực thuộc Bộ GD&ĐT có diện tích xây dựng thấp hơn 2m2/SV theo quy định.

Thanh tra Bộ sẽ thường xuyên phối kiểm tra sự chấp hành của các trường

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Qua kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của một số trường, chúng tôi thấy tình trạng chung là một số trường đã quá tải đáng kể, quy mô đào tạo vượt quá mức đảm bảo chất lượng. Vì vậy chỉ tiêu tuyển sinh của các trường này cần phải cắt giảm. Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh các trường có trách nhiệm thực hiện việc này. Thanh tra Bộ sẽ thường xuyên phối hợp với địa phương để kiểm tra sự chấp hành của các trường. Những đơn vị vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Trong trường hợp đó, Bộ luôn quan tâm đảm bảo quyền lợi của thí sinh”.

Uyên Na

Đọc thêm