Sau hơn một năm thực hiện, chương trình tín dụng cho người hoàn lương đã trở thành động lực quan trọng giúp nhiều người từng lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời. Chính sách không chỉ hỗ trợ vượt qua những rào cản xã hội mà còn giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời duy trì an ninh trật tự địa phương.
Điển hình như trường hợp anh Chu Phương Thao, cư dân khu 3, thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). Sau một năm chấp hành án, anh Thao đã được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bảo Lâm cho vay 100 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Với số vốn này, anh và vợ mở quán nước giải khát, sau đó mở rộng kinh doanh thêm quán cơm bình dân. Hiện nay, gia đình anh đã có thu nhập ổn định, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng cuộc sống mới.
Theo báo cáo từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bảo Lâm, tính đến ngày 31/12/2024, chương trình đã giải ngân được 400 triệu đồng, gồm 200 triệu đồng từ nguồn vốn trung ương và 200 triệu đồng từ ngân sách địa phương cấp huyện. Dư nợ cho vay đạt 400 triệu đồng với 04 khách hàng còn dư nợ, đạt 100% kế hoạch được giao.
Trên toàn tỉnh Cao Bằng, dư nợ cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù đạt 4,57 tỷ đồng với 52 hộ còn dư nợ. Trong đó, 2,92 tỷ đồng thuộc nguồn vốn trung ương với 35 khách hàng còn dư nợ và 1,65 tỷ đồng từ nguồn vốn địa phương với 17 khách hàng còn dư nợ. Những con số này cho thấy chính sách đã đáp ứng hiệu quả nhu cầu vay vốn, giúp người lao động sau án phạt tù có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.
Quyết định số 22 không chỉ là giải pháp tài chính mà còn thể hiện chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với những người hoàn lương. Chính sách này đã giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền và tổ chức liên quan trong việc hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, góp phần quan trọng trong việc giảm nguy cơ tái phạm tội, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.
Nguồn vốn tín dụng không chỉ hỗ trợ về kinh tế mà còn giúp người lao động lấy lại niềm tin, giảm mặc cảm với xã hội. Những người vay vốn đã có ý thức cao trong việc sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi và tiết kiệm đúng quy định. Bên cạnh đó, họ còn tự chủ động tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.
Có thể nói, chương trình tín dụng theo Quyết định số 22 đã mở ra cánh cửa mới cho những người chấp hành xong án phạt tù, giúp họ vượt qua những rào cản và định kiến xã hội. Chính sách này nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao từ các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, đồng thời khẳng định tính hiệu quả trong việc hỗ trợ người lao động tái hòa nhập cộng đồng.