Những dấu ấn miền di sản đất Cảng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hải Phòng xưa nay được biết đến là thành phố công nghiệp. Thế nhưng, những năm gần đây, thành phố Cảng đã để lại những dấu ấn dẫn đầu cả nước về văn hóa, di sản. Đó là những sân khấu sáng đèn, những lễ hội lớn, những miền di sản được “đánh thức”…
Màn pháo hoa mãn nhãn trong đêm hội Hoa Phượng đỏ 2024. (Ảnh: PV)
Màn pháo hoa mãn nhãn trong đêm hội Hoa Phượng đỏ 2024. (Ảnh: PV)

Thành phố vươn mình rực rỡ

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết, năm 2024, ngành Văn hóa và Thể thao là một trong những đơn vị chủ lực triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng của thành phố về phát triển văn hóa, thể thao, đặc biệt là việc tổ chức Lễ hội Hoa Phượng Đỏ và truyền thống giá trị của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Lễ hội thường niên, riêng có, đã trở thành thương hiệu của Hải Phòng. Một diện mạo hoàn toàn mới với lần thứ 11 tổ chức đã mang tới cho Nhân dân và du khách trong nước, quốc tế một trải nghiệm mới mẻ. Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024 nhân kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng gắn với Lễ trao bằng Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà - Di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh - thành phố đầu tiên ở Việt Nam. Lần đầu tiên Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Quảng trường Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, huyện Thủy Nguyên (nay là thành phố mới Thủy Nguyên). Một không gian mới, biểu tượng mới của sự phát triển thành phố trong tương lai đã được hiện hữu trong đêm hội với những màn nghệ thuật công phu và mãn nhãn. Lễ hội Hoa Phượng Đỏ là sự kiện nhiều lần góp mặt tại bảng xếp hạng BSI Top 10 Events của Buzzmetrics, năm 2024 được bình chọn là sự kiện nổi bật thứ 3 trên Social Media tháng 5, vượt trên cả Lễ hội Sông nước thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.

Cùng đó, lần đầu tiên, quần đảo Cát Bà được phát sóng trên truyền hình CNN khu vực châu Á trong nhiều chương trình khác nhau như The Lead, First Move, CNN News room… để giới thiệu, quảng bá giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, mang tới cho du khách những khám phá mới lạ. Hoạt động truyền thông này góp phần quảng bá định hướng phát triển du lịch Cát Bà theo hướng xanh, bền vững, đảm bảo giá trị và tính toàn vẹn của di sản.

Một sự kiện khác nhân lên niềm tự hào của mỗi người dân Hải Phòng đó chính là biểu tượng thành phố. Sau 32 năm tìm kiếm với 6 lần tổ chức các cuộc thi thiết kế biểu tượng thành phố, đến tháng 1/2024, mẫu thiết kế NTM 787 với cánh hoa phượng đỏ, sóng biển đã được lựa chọn. Tổng thể logo tạo thành con tàu vượt biển vươn khơi, chở các giá trị lịch sử, văn hóa mang ý nghĩa phát triển, hiện đại, năng động, sáng tạo và nghĩa tình trong ánh bình minh.

Romeo và Juliet là tác phẩm kinh điển của William Shakespeare do Đoàn Kịch nói Hải Phòng thực hiện, NSƯT Như Lai đạo diễn trên sân khấu của Nhà hát Thành phố Hải Phòng. (Ảnh: PV)

Romeo và Juliet là tác phẩm kinh điển của William Shakespeare do Đoàn Kịch nói Hải Phòng thực hiện, NSƯT Như Lai đạo diễn trên sân khấu của Nhà hát Thành phố Hải Phòng. (Ảnh: PV)

“Đánh thức” di sản

Song song đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá tiếp tục có những điểm nổi bật: Phối hợp với các địa phương xây dựng 02 hồ sơ khoa học Di tích lịch sử khu vực Từ Lương Xâm - căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 và Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Xây dựng và trình các cấp Hồ sơ đề nghị xét công nhận Bảo vật quốc gia đối với bộ kim phẩm đền Nghè. Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội kỳ phúc xã Tân Viên, huyện An Lão được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 02 di tích là đền thờ Lê khắc Cẩn, xã An Thọ, huyện An Lão và Nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, xã Tiên Cường, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng là Di tích cấp quốc gia;

Tham mưu xếp hạng 12 di tích cấp thành phố. Lập thư mục tư liệu, hiện vật liên quan đến Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm năm 2024, tổ chức Hội thảo khoa học “Danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm trong lịch sử dân tộc” tại Hải Phòng năm 2024; tổ chức Lễ phát động cuộc thi sáng tác ca khúc và kịch bản sân khấu về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lần đầu tiên trưng bày 18 bảo vật quốc gia và bộ kim phẩm vàng, bạc trong thánh cung đền Nghè tại Bảo tàng Hải Phòng, thu hút đông đảo công chúng tham quan thưởng ngoạn. Và những ngày đầu năm mới này, bộ kim phẩm vàng cung tiến Nữ tướng Lê Chân tại đền Nghè đã được công nhận Bảo vật quốc gia.

Với quan điểm, văn hóa là một dạng tài nguyên, công nghiệp văn hóa là việc ứng dụng công nghệ, tổ chức khai thác tài nguyên đó phục vụ cho phát triển thành phố, Hải Phòng đã và đang tập trung khai thác bề dày truyền thống văn hóa của mảnh đất cửa biển - nơi đang sở hữu nguồn tài nguyên di sản văn hóa dồi dào với gần 1.000 di tích lịch sử, văn hóa. Trong đó có Di sản thiên nhiên thế giới quần đảo Cát Bà, 2 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 117 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 435 di tích xếp hạng cấp thành phố. Đồng thời, Hải Phòng cũng có hơn 400 lễ hội các cấp; 10 lễ hội và 1 nghệ thuật trình diễn dân gian được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản cần bảo vệ khẩn cấp…

Đặc biệt, Hải Phòng còn có 21 cổ vật được công nhận là Bảo vật quốc gia - số lượng hiếm địa phương nào có được. Các bảo vật quốc gia phần lớn thuộc sở hữu tư nhân, nhưng vẫn được trưng bày, giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong những sự kiện trọng đại của thành phố. Cùng với đó, thành phố Cảng còn có 15 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và hệ thống làng nghề phong phú, độc đáo, lâu đời khá hấp dẫn với du khách trong nước, quốc tế…

Thành phố dẫn đầu cả nước về sáng đèn sân khấu

Cùng với dấu ấn sân khấu thành phố sáng đèn, năm 2024, lần đầu tiên Hải Phòng đăng cai tổ chức Liên hoan Nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng quy tụ 14 đơn vị nghệ thuật tham gia: Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng, Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức Lễ trao giải thưởng âm nhạc Việt Nam thu hút sự tham gia của đông đảo nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình, nhà đào tạo âm nhạc cả nước…

Và để đưa nghệ thuật đến gần hơn với người dân, đoàn nghệ thuật Hải Phòng thực hiện 11 số và 46 buổi sáng đèn thuộc Đề án sân khấu truyền hình năm 2024, tổ chức trên 150 buổi lưu diễn phục vụ Nhân dân vùng sâu, vùng xa, hải đảo và biểu diễn phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp; 39 chương trình nghệ thuật đường phố; 43 chương trình tại Nhà Kèn - Vườn hoa Nguyễn Du được đông đảo khán giả đón nhận.

Cảnh trong vở nhạc kịch Bỉ vỏ. (Ảnh: PV)

Cảnh trong vở nhạc kịch Bỉ vỏ. (Ảnh: PV)

Tham gia Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN lần thứ 11 năm 2024 tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc giành Huy chương Vàng vở diễn xuất sắc và 2 Huy chương Vàng cá nhân. Đoàn Ca múa Hải Phòng tham gia Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2024 đợt 1 quy tụ gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, kỹ thuật viên của 13 đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc trên cả nước tranh tài, giành Huy chương Bạc toàn đoàn với vở nhạc kịch “Bỉ vỏ”, 02 Huy chương Vàng cho các tiết mục. Đoàn Chèo Hải Phòng tham dự Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng với vở “Hồ Xuân Hương” đạt Huy chương Bạc cho vở diễn, 7 cá nhân nghệ sĩ đạt giải gồm 03 Huy chương Vàng, 03 Huy chương Bạc, 01 giải nhạc công xuất sắc…

Có thể nói, Hải Phòng là một trong những đơn vị hiện thực hóa những chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, phát triển, ươm tạo, bồi dưỡng, phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật trong bài phát biểu tại buổi gặp mặt văn nghệ sĩ tiêu biểu của cả nước vừa diễn ra ở Thủ đô Hà Nội, chiều 30/12.

Tại nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật của Hải Phòng, những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam... đều đánh giá, hoạt động sân khấu của Hải Phòng là điểm sáng của cả nước, có đóng góp vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa nghệ thuật và nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam, mỗi năm thành phố dành trên 40 tỷ đồng cho “Đề án Sân khấu Truyền hình” cùng nguồn lực để tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật khác của Trung ương và thành phố. Đây là điều kiện quan trọng tạo môi trường để các nghệ sĩ phát triển tài năng và cống hiến cho sự phát triển lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của Hải Phòng.

Để hướng tới phát triển công nghiệp văn hóa, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng Đào Khánh Hà cho biết, thực hiện các nghị quyết của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về phát triển kinh tế - xã hội, cũng như chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thành phố Hải Phòng quan tâm đặc biệt đến văn hóa và ngành công nghiệp văn hóa, phấn đấu tăng nhanh và chiếm tỷ trọng cao trong tăng trưởng GRDP của Hải Phòng… Cùng với kinh tế - xã hội, thành phố Hải Phòng luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần tích cực vào công cuộc “xây dựng và phát triển Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”…

Đọc thêm