Tòa nhà Tháp Grenfell – nơi đã xảy ra vụ cháy nghiêm trọng khiến hàng chục người thiệt mạng tuần qua – là một phần của khu dân cư phức hợp Notting Dale. Tòa nhà ở xã hội này được xây dựng từ những năm 1970. Còn cách tòa nhà này chỉ vài bước chân là khu Holland Park – nơi có những khu dân cư giàu có nhất nước Anh với hàng loạt những ngôi nhà tráng lệ trị giá đến vài triệu bảng nằm san sát nhau. Đây là nơi ở của nhiều ngôi sao ca nhạc và những người nổi tiếng, những chủ ngân hàng khác.
“Rõ ràng, Kensington là câu chuyện về 2 thành phố khác nhau. Phần phía nam của khu này là sự giàu có đến không tưởng, là khu vực giàu có nhất đất nước còn khu vực có tòa nhà bị cháy là khu vực nghèo nhất”, lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn nhận xét.
Đến nay, cảnh sát London xác nhận ít nhất 58 người được cho là đã tử vong trong vụ hỏa hoạn xảy ra hôm 14/6 vừa qua. Một số người may mắn sống sót nhưng đã mất tất cả. Ngay sau thảm họa, nhiều người dân London đã quyên góp nhiều quần áo, giày dép và đồ dùng cho những người gặp nạn.
Nhưng, trên các đường phố ở khu vực xung quanh tòa nhà bị cháy, bên cạnh nỗi đau vì sự mất mát quá lớn về người và tài sản, sự tức giận của người dân cũng đã được thể hiện rõ rệt. Nhiều người cáo buộc chính quyền địa phương đã phớt lờ sự an toàn và phúc lợi của những người nghèo và chỉ chú ý đến chính sách phục vụ cho lợi ích của những người giàu.
Nhà tổ chức cộng đồng Pilgrim Tucker – người đã phối hợp chặt chẽ với những người dân ở Grenfell trong suốt giai đoạn tòa nhà được sửa sang – nói rằng vụ hỏa hoạn là hậu quả đau lòng của việc cả cộng đồng dân cư ở đó bị bỏ bê trong một thời gian dài.
“Những người sống ở khu nhà ở xã hội đó biết được rằng họ bị bỏ bê. Trong suốt một thời gian dài, Hội đồng khu vực không có bất cứ động thái nào cho các khu nhà ở xã hội và các dịch vụ công khác. Nếu chính phủ làm đúng công việc của họ thì chuyện này đã không xảy ra”, bà Tucker nhận định. Bà Tucker và nhiều người khác nói rằng, trước đó, người dân sống trong tòa nhà đã nhiều lần phàn nàn về an toàn cháy nổ ở đây nhưng tất cả đều không được lắng nghe.
Còn Alia Al-Ghabbani – một nhân viên tiếp tân – lại tỏ ra bức xúc trước việc giới chức thành phố gần đây đã tân trang lại tòa nhà vừa bị cháy và phủ thêm một lớp vỏ bọc bên ngoài. Truyền thông Anh cho rằng chính lớp vỏ bọc vừa được phủ thêm đó có thể là một phần nguyên nhân khiến ngọn lửa lan nhanh như vậy. “Thật tức khi nghĩ tại sao họ lại làm đẹp cho tòa nhà. Đó là vì tòa nhà đó thật chướng mắt với những người sống trong những ngôi nhà đắt đỏ ở cách đó chỉ vài bước chân”, Al-Ghabbani cho hay.
Những sự chia rẽ giàu – nghèo ở Kensington cũng thể hiện rõ nét trong các diễn biến trên chính trường Anh thời gian qua. Đầu tiên phải kể đến việc đảng Bảo thủ cầm quyền hồi đầu tháng đã thất bại trước đảng Lao động đối lập – những người ủng hộ việc chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ công thay vì nhấn mạnh vào kỷ luật tài khóa, ủng hộ các hoạt động kinh doanh như đảng Bảo thủ. Ở nghị viện khu vực Kensington – nơi có Tháp Grenfell – đảng Bảo thủ cũng đã lần đầu tiên trong lịch sử giành được chiến thắng.
Nghị sỹ đảng Lao động Emma Dent Coad đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích Hội đồng Kensington vì những thất bại trong việc bảo đảm an toàn cho người dân. Bà Coad cho rằng thảm kịch vừa xảy ra là hoàn toàn có thể tránh được. Thủ tướng của đảng Bảo thủ Theresa May cũng đã đến thăm Tháp Grenfell ngay sau vụ việc nhưng lại vướng chỉ trích vì chỉ nói chuyện với những người lính cứu hỏa thay vì người dân của tòa nhà.