Chia sẻ khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Thông lệ hơn 10 năm qua, lương tối thiểu thường được điều chỉnh vào ngày 1/1 hàng năm. Nhưng từ 2020 đến giữa 2022, việc này tạm hoãn do ảnh hưởng COVID-19. Lần điều chỉnh gần nhất vào 1/7/2022 với mức tăng 240.000 - 260.000 đồng tùy từng vùng. Hiện, vùng I (áp dụng cho TP HCM, Hà Nội, Bình Dương...) ở mức 4,68 triệu đồng; và thấp nhất là vùng IV với 3,25 triệu đồng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức khảo sát đời sống, nhu cầu, nguyện vọng của hơn 3.000 lao động ở 6 tỉnh, thành. Đa số ý kiến công nhân mong muốn được tăng lương vào đầu năm sau vì đời sống nhiều khó khăn. Đại diện Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng kết quả khảo sát chỉ ra thu nhập của công nhân không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, đặc biệt rất nhiều chi phí đã tăng so với năm ngoái. Tiền lương là nguồn duy nhất lao động có được nên họ càng mong chờ được tăng lương.

Kết quả khảo sát cho thấy hơn 24% lao động cho biết thu nhập vừa đủ chi tiêu cơ bản, 75,5% không đáp ứng đủ, thậm chí có trường hợp thu nhập chỉ đủ 45% nhu cầu chi tiêu. Có trên 53% người được hỏi cho biết tiền lương ảnh hưởng quyết định lập gia đình, sinh con, phải gửi con về quê. Với lao động phải thuê trọ, tiền nhà, điện nước chiếm hơn 23% tiền lương.

Thế nhưng, “cái khó bó cái khôn”, nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc và đánh giá kỹ tác động tăng lương giai đoạn này vì có thể sẽ tạo thêm cú sốc cho các DN đang gồng mình chống chịu với tình trạng sụt giảm đơn hàng.

Trước đó ít ngày, trong báo cáo gửi tới phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024, Bộ KH&ĐT cho rằng khả năng chống chịu của một bộ phận DN, nhất là quy mô vừa và nhỏ đã tới hạn (quá sức chịu đựng) trước những khó khăn kinh tế. Bộ này đề nghị chính sách điều hành cần quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng để tạo tác động cộng hưởng, tranh thủ mọi cơ hội để phục hồi tăng trưởng.

Theo báo cáo, sản xuất kinh doanh, DN vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Xuất khẩu 7 tháng giảm 10,6%, chủ yếu ở nhóm hàng chủ lực như điện thoại, điện tử, dệt may. Nhập khẩu tư liệu sản xuất giảm 17,3%. Dư nợ tín dụng tăng 3,96% đến ngày 21/7. Những khó khăn này không thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn, mà còn phụ thuộc xu hướng chung toàn cầu.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhận xét, khó khăn nhiều hơn cơ hội trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp. Các nước trên thế giới vẫn đang giải các “bài toán khó” giữa thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Trong khi đó, tình hình trong nước chịu tác động kép, phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém kéo dài nhiều năm càng bộc lộ rõ hơn trong bối cảnh khó khăn.

Từ những góc nhìn vi mô cho đến tầm nhìn vĩ mô như nêu trên, nên tại phiên họp đầu tiên về điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia diễn ra hôm qua (9/8), các bên chưa thống nhất được mức lẫn thời điểm tăng và bỏ phiếu đồng ý dời phiên họp tiếp theo vào cuối năm. Đó là một quyết định dung hòa hợp lý. Vẫn biết đã có hơn nửa triệu lao động mất việc, giảm giờ làm, lạm phát tăng 4,74%; nhưng các DN cũng vô cùng khó khăn. Để vượt qua những thử thách này, đòi hỏi tất cả cùng chung sức, chung lòng, thậm chí có lúc phải “thắt lưng buộc bụng”, chia sẻ cùng nhau.

Đọc thêm