Hơn chục năm trôi qua, người chồng độc ác đã phải thi hành án tử, cỏ đã mọc xanh trên mộ cả hai người, nhưng nỗi buồn vẫn ám ảnh tâm trí những người thân, đặc biệt là ba đứa con thơ côi cút.
“Tự điều tra” vụ chị gái mất tích
Năm 2000, Vòng A Sầu (SN 1972, người Việt gốc Hoa) kết hôn với chị Lê Thị Hồng Phượng (SN 1977), cùng định cư tại thôn 5 (xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông). Trong thời gian chung sống, cả hai có với nhau ba con gái.
Do A Sầu có tính “siêng ăn, nhác làm”, lại hay rượu chè, bài bạc nên vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, đến năm 2007 thì ly hôn, đàn con ở với mẹ.
A Sầu càng ăn chơi, bao nhiêu tài sản được chia sau ly hôn đều bán hết để nướng vào cờ bạc, rượu chè. Đến khi trắng tay, A Sầu mò về nhà vợ cũ nài nỉ, tỏ ra hối lỗi xin ở chung.
Nghĩ đến ba đứa con thơ và tình nghĩa vợ chồng lúc trước, chị Phượng chấp nhận, nhưng yêu cầu A Sầu phải biết tu chí làm ăn. Thời gian mới quay trở lại, A Sầu vẫn hăng hái lên nương rẫy, chăm lo làm việc, chỉ được một thời gian lại lao vào cá độ bóng đá dẫn tới nợ nần chồng chất.
Nhiều lần thua độ, A Sầu bí thế, về nhà ép vợ bán rẫy cà phê để có tiền trả nợ. Bực dọc vì chồng cũ ham chơi, chị Phượng nhất quyết phản đối. Chiều 16/7/2000, A Sầu ngồi nhậu ở quán ven đường, nghe phong thanh vợ cũ có “bồ” nên nảy sinh ghen tuông.
Khi về nhà, A Sầu cho các con tiền để cả ba đi mua bánh, còn mình ở nhà ép vợ bán rẫy, lôi chuyện “bồ bịch” ra để trách móc. Cãi cọ một hồi, A Sầu vác gậy vung vào đầu vợ đến chết, sau đó cắt đầu vợ ném xuống giếng làng (cách nhà khoảng 2km).
Phần thi thể còn lại, hung thủ đem bỏ vào bao tải, vượt hơn 15km vứt xuống giếng nước trong rẫy của em gái vợ là chị Lê Thị Hồng Phương (SN 1980, ngụ thôn Tân Lập, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp).
Sau khi gây án, Sầu trở lại nhà tắm rửa, xoá hết mọi dấu vết rồi đi ngủ. Ngày hôm sau, em gái út của nạn nhân ở Đồng Nai gọi điện hỏi thăm chị nhưng không ai bắt máy.
Linh tính có chuyện chẳng lành, người em tiếp tục gọi cho chị Phương để hỏi thăm. Chị này đang chuẩn bị chạy ra nhà chị gái thì A Sầu tới, làm vẻ hốt hoảng hỏi thăm tin tức vợ mình. Người em nói không biết, A Sầu kể: Chiều hôm qua thấy vợ mình mang theo đồ đạc, đi qua suối với một người đàn ông khác. Thấy anh rể có biểu hiện lạ, người em liền lấy xe chạy ra nhà chị gái. Sợ chưa xoá hết dấu vết, A Sầu lật đật quay xe chạy về nhà trước để kiểm tra thêm lần nữa.
Đến nhà, người em mò mẫm quan sát khắp nơi nhưng không phát hiện ra dấu vết nào bất thường. Đến sáng 18/7, các con nạn nhân ra vườn chơi phát hiện chiếc lá mít dính máu.
Khi nghe tin, chị Phương đinh ninh chị mình đã bị giết nên tìm cách dụ anh rể ra khỏi nhà để tìm thêm chứng cứ. Chị dặn chồng tìm cách bám sát A Sầu, đề phòng trường hợp A Sầu bỏ trốn.
Chị Phương, người âm thầm tự điều tra phát hiện vụ chị gái bị sát hại |
Sau một hồi quan sát, người em tiếp tục tìm được nhiều chiếc lá dính máu. Vào hiên, chị lại thấy hàng gạch trước nhà có điểm bất thường nên lật lên xem xét và phát hiện thêm nhiều vết máu dưới gạch. Em gái nạn nhân lập tức báo tin cho Công an xã Quảng Tín và Công an huyện Đắk R’Lấp. Cảnh sát phối hợp cùng người dân toả ra tìm kiếm khắp những khu vực lân cận, phát hiện thêm áo quần của nạn nhân có dính máu, bị giấu trên cây.
“Cách ly” đàn trẻ khỏi vùng đất cũ
Ngay trong chiều 18/7, Công an huyện Đắk R’lấp đã triệu tập Vòng A Sầu về trụ sở lấy lời khai. Trước những vệt máu trong nhà và chứng cứ thu thập được, A Sầu đã cúi đầu nhận tội, dẫn cơ quan chức năng đến hai điểm phi tang xác để trục vớt thi thể nạn nhân.
Sau khi điều tra, thu thập đầy đủ chứng cứ phạm tội của đối tượng, Công an tỉnh Đắk Nông đã chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp để truy tố A Sầu về hành vi giết người. Ngày 5/7/2011, TAND tỉnh Đăk Nông mở phiên sơ thẩm, tuyên phạt A Sầu mức án tử hình.
Một ngày mưa trung tuần tháng 8/2015, PL&TĐ có dịp ghé lại nơi xảy ra vụ án để hỏi thăm tình hình ba con nhỏ của A Sầu. Tiếp phóng viên trong căn nhà mới dựng ở mảnh vườn từng xảy ra thảm án, chị Phương (em gái nạn nhân, chính là người tự điều tra vụ mất tích của nạn nhân) vẫn chưa nguôi nỗi buồn.
Chị cho biết các cháu đều đã được ông bà ngoại đón về Đồng Nai nuôi nấng. Gia đình chị quê gốc ở tỉnh Thanh Hoá, vào huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) lập nghiệp từ nhỏ. Do nhà đông người, ruộng đất ít nên cuộc sống tại vùng đất mới gặp không ít khó khăn. Khi lớn lên, chị và chị gái cùng nhau đến địa bàn này kiếm kế sinh nhai rồi lập gia đình.
Sau vụ án, cha mẹ nạn nhân tức tốc đón xe từ Đồng Nai lên lo hậu sự, đưa ba cháu nhỏ về nhà, vắt kiệt sức già làm lụng, nuôi dưỡng cho các cháu ăn học nên người. Lúc đó, con lớn của A Sầu chưa đầy 7 tuổi, con nhỏ mới lên 3.
“Hiện cháu lớn đã học hết lớp 9, cháu nhỏ chuẩn bị vào lớp 5. Cha mẹ tôi đã gần 70 tuổi, những tưởng họ sẽ được hưởng niềm vui bên con cháu khi về già, ai ngờ đến tuổi xế chiều vẫn phải lăn lội sớm tối giữa đồng để lo cho ba cháu nhỏ. Lúc xảy ra chuyện, tôi bàn với chồng, tính nhận nuôi một cháu. Tuy nhiên cha mẹ không đồng ý, muốn đưa cả 3 cháu về nuôi cho có chị, có em. Hơn thế, ở đây là vùng sâu, điều kiện đi lại, học hành còn rất nhiều khó khăn”, chị Phương chia sẻ.
Người dì cho hay, buồn nhất là chuyện từ sau ngày xảy ra vụ án mất cả mẹ lẫn cha, đàn trẻ trở nên ít nói cười, sống khép kín, lầm lũi, rất hiếm khi trò chuyện với bạn bè cùng trang lứa:
“Mấy lần xuống thăm các cháu, tôi thấy tụi nhỏ đều lầm lì ít nói. Ngoài những giờ đến lớp, các cháu đều đi chung, chơi chung với nhau chứ hiếm khi chơi với các bạn khác. Có lẽ các cháu mặc cảm về hoàn cảnh bản thân, chịu cú sốc quá lớn từ cha mẹ”./.