Chiếc mặt nạ bí ẩn của phụ nữ Bandari ở Iran

(PLO) -Liên tưởng đến những bộ trang phục rộng màu đen và những chiếc mạng che kín mặt điển hình, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những người phụ nữ Hồi giáo. Nhưng phong cách của người phụ nữ Bandari trên đảo Qeshm ở Iran lại mang vẻ đặc biệt hơn và khác lạ hơn nhờ những chiếc mặt nạ đầy màu sắc xanh, đỏ... tạo nên sự cuốn hút cho nhiều du khách khi tới đây.
Những chiếc mặt nạ sặc sỡ của người Bandari.
Những chiếc mặt nạ sặc sỡ của người Bandari.

Những người phụ nữ đang được nói tới là người Badandi trên đảo Qeshm, thuộc Bandar Abbas hiện nay là thủ phủ của tỉnh Hormozgan, phía nam Iran. Được biết, đảo Qeshm là hòn đảo lớn nhất trong Vịnh Ba Tư. Hiện có khoảng 60 làng người Bandari trên đảo Qeshm và đeo mặt nạ vừa là tôn giáo vừa là nét văn hóa truyền thống độc đáo ở đây. 

Vừa là tôn giáo vừa là văn hóa

Được biết, đảo Qeshm từng là trung tâm thương mại, nơi giao thoa buôn bán của nhiều nước ở khoảng những năm 2000 TCN và đây là nơi pha trộn của nhiều nền văn hóa bao gồm châu Phi, Ả Rập, Ấn Độ và Ba Tư. Chính vì vậy mà trang phục của họ cũng rất khác so với trang phục truyền thống của người Iran. 

Thường trang phục truyền thống của Iran là chiếc áo choàng và khăn màu đen kịt điển hình, nhưng trang phục của người Bandari mang nhiều màu sắc hơn. Phụ nữ mặc váy sặc sỡ thay vì màu đen, đàn ông mặc quần áo phong cách Arab, đặc biệt là những chiếc mặt nạ (dù theo dòng Hồi giáo Sunni hay Shia) lại hoàn toàn khác biệt và có phần độc đáo hơn. 

Những người phụ nữ Bandari đeo mặt nạ từ nhiều thế kỷ này. Không chỉ ở đây, những chiếc mặt nạ này còn được tìm thấy rải rác ở một số nơi khác nữa như: Oman, Kuwait và một số vùng của bán đảo Ả Rập. Chỉ cần nhìn vào màu sắc, hình dáng của chiếc mặt nạ, người dân địa phương có thể nhận ra người đó thuộc làng nào, lứa tuổi nào, có địa vị xã hội ra sao… 

Những chiếc mặt nạ sặc sỡ của người Bandari.
Những chiếc mặt nạ sặc sỡ của người Bandari. 

Nguồn gốc của những chiếc mặt nạ này không biết từ đâu, nhưng có một số người nói rằng nó có nguồn gốc từ khi người Bồ Đào Nha tới đây xâm chiếm và thống trị vùng đất này, những cô gái xinh đẹp vì lo sợ bị những kẻ buôn nô lệ háo sắc bắt cóc nên đã phải che mặt để tránh.

Có thể nói, mặt nạ của người Bandari vừa thể hiện một phần nào đó tôn giáo và văn hóa. Việc đeo mặt nạn trở thành điều bắt buộc, nếu ai không tuân theo thì đó là được cho là sự ô nhục và bị mọi người xa lánh, ghẻ lạnh.  Ngoài ra, chiếc mặt nạ cũng trở thành đồ vật hữu ích để bảo vệ làn da và đôi mắt trước ánh nắng mặt trời chói chang và gay gắt đầy khắc nghiệt nơi Vịnh Ba Tư này. 

Nhiều kiểu dáng khác nhau

Có rất nhiều kiểu mặt nạ được người phụ nữ Bandari sử dụng, họ thường mặc một chiếc khăn trùm đầu nhiều màu sắc để che phần miệng, còn mắt và mũi sẽ sử dụng mặt nạ. Loại mặt nạ được sử dụng nhiều nhất được thiết kế theo hình chữ nhật, che kín gần như toàn bộ khuôn mặt và chỉ chừa đôi mắt… 

Ngoài ra còn có loại mặt nạ có hình ria mép, mảnh mai hơn trông giống như đồ trang trí. Chiếc mặt nạ này đã có từ thế kỷ trước nhằm làm cho phụ nữ nơi này trở nên mạnh mẽ và rắn rỏi hơn trước kẻ thù của mình, bởi hòn đảo này trước đây là vị trí chiến lược rất dễ bị xâm lấn và quân địch có thể sẽ ngần ngại vì nghĩ rằng đằng sau chiếc mặt nạ là nam giới.  Vài kiểu mặt nạ đi kèm lông thú, số khác lại làm từ vải thêu rất tỉ mỉ. Cho dù theo nhiều kiểu nhưng hầu như đa số đều phải được thiết kế để che mũi và chán.

Nguyên liệu làm ra mặt nạ cũng rất đa dạng, từ da cho tới vải thêu. Màu sắc cũng nói lên lứa tuổi của người phụ nữ đó, màu đen thường được những cô bé tầm 9 tuổi trong làng sử dụng. Màu cam giành riêng cho những cô dâu trong ngày cưới. Màu đỏ được những người phụ nữ đã có chồng con lựa chọn… 

Thường phải mất 2 ngày để làm xong một chiếc mặt nạ, dựa vào kích thước khuôn mặt, khoảng trống cho mắt phải phù hợp để không gây cảm giác vướng víu, khó chịu… bên ngoài được thêu tay bởi nhiều họa tiết khác nhau với nhiều màu sắc để khiến chiếc mặt nạ trở nên đẹp và độc đáo. Nhiều chiếc mặt nạ còn được đính đồ lấp lánh, đồ trang sức bằng vàng và thường được sử dụng trong đám cưới, lễ hội hoặc nghi lễ quan trọng nào đó…

Những chiếc mặt nạ sặc sỡ của người Bandari.
Những chiếc mặt nạ sặc sỡ của người Bandari. 

Không được sử dụng phổ biến nữa!

Giờ đây, những chiếc mặt này không được những người ưa chuộng mà chỉ những người phụ nữ trung niên thế hệ trước sử dụng. Đối với những người phụ nữ trung tuổi, đó là cách để họ che đi nếp nhăn và khuyết điểm trên khuôn mặt, họ cảm thấy xấu hổ khi khi để người khác nhìn thấy vẻ ngoái xấu xí của mình.

Bà Ameneh,  một trong ba người thợ may chuyên nghiệp trên đảo Qeshm nói rằng cô không bao giờ đi ra ngoài hay tiếp xúc với người lạ mà tháo mặt nạ của mình. “Từ khi còn nhỏ tôi đã được ba mẹ bắt phải đeo mặt nạ. Nhưng giờ đây đó không phải là điều bắt buộc mà là lựa chọn của tôi. Tôi sẽ không bao giờ ra ngoài đường mà không mang mặt nạ. Tôi cảm thấy xấu hổi nếu như ai đó nhìn thấy khuôn mặt thật của mình”.

Những người đàn ông ở đây có quan điểm rất rõ ràng, “Tôi thích vợ tôi đeo mặt nạ, nó không chỉ khiến cho vợ tôi đẹp hơn mà còn thể hiện nét văn hóa truyền thống của chúng tôi”, chồng của bà Ameneh nói. 

Cô con gái của cặp vợ chồng Maryam, hồi 10 tuổi cô chỉ thường đeo những chiếc mặt nạ nhỏ xinh khi đi dự đám cưới, nhưng khi cô bé bắt đầu lớn hơn thì việc đeo mặt nạ cũng trở nên thường xuyên hơn. “Tôi thích đeo mặt nạ. Tôi có thể đi bất cứ đâu và cảm thấy thoái mái, tự tin hơn khi đeo mặt nạ”. 

Cô Zinat là một trong những người phụ nữ đặc biệt ở đây, bởi cô là người đầu tiên không theo truyền thống đeo mặt nạ. Khi còn trẻ, cô học một trường y ở thành phố Bandar Abbas. “Trường cấm đeo mặt nạ khi đến lớp. Tôi cũng đã cảm thấy rất trống trải và xấu hổ khi không được đeo mặt nạ. Nhưng tôi không có sự lựa chọn nào khác”, Zinat nói. Theo thời gian cô quen dần với việc thay đổi này và quyết định không đeo mặt nạ.

Nhưng khi cô trở về quê hương và trở thành một bác sĩ, chuyên chăm sóc cho trẻ sơ sinh và người nghiện thuốc phiện. Cô đã bị người dân trong làng phản đối và tẩy chay. Suốt 10 năm cô bị xa lánh và những người đàn ông chỉ cho phép vợ của họ đến gặp cô khi họ bị ốm.

Tuy nhiên, may mắn khi thời gian trôi qua, giờ đây cô dần nhận được sự chấp nhận từ mọi người và trở thành người phụ nữ đầu tiền chiến thắng quan niệm về sự ô nhục khi không đeo mặt nạ. Cô hiện đang là một chính trị gia địa phương và vận động cho quyền của phụ nữ. 

Mặc dù các cô gái trẻ Bandari không thường xuyên đeo mặt nạ, nhưng họ cũng không thích khi người khác chụp ảnh họ. Do đó, nếu muốn nói chuyện hay chụp ảnh trước hết phải xin phép những người phụ nữ này trước, đối với họ ăn cắp hình ảnh là một sự xúc phạm lớn.

Những chiếc mặt nạ sặc sỡ của người Bandari.
Những chiếc mặt nạ sặc sỡ của người Bandari. 

“Chúng tôi không thích bị chụp ảnh và trở thành thú vui cho người khác, những người không hiểu về văn hóa của chúng tôi”, một phụ nữ Bandari nói. Trong nền văn hóa mang tính bảo thủ này, phụ nữ không được nói chuyện với người lạ, đặc biệt là nam giới, và làm thế mà không đeo mặt nạ lại càng không phù hợp và là điều tuyệt đối cấm kỵ. 

Vì đeo mặt nạ nên cộng đồng Bandari khá khép kín và bí ẩn; tuy nhiên, khi đã cảm thấy tin tưởng người nào đó, nhiều phụ nữ Bandari thấy hạnh phúc khi được chụp hình, sẵn sàng chia sẻ về nét văn hóa và lối sống độc đáo của họ..../.