Vụ ám sát nhà báo Markov xảy ra vào một tối tháng 9/1978, nhưng đến nay, tung tích kẻ hành thích vẫn “bặt vô âm tín”. Dù có nhiều giả thuyết về xoay quanh vụ việc, song cơ quan điều tra vẫn chưa thể đưa ra một kết luận chính xác nào, đưa vụ ám sát Markov vào danh sách những vụ ám sát bí ẩn nhất của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
“Chiếc ô giết người”
Tối ngày 7/9/1978, Georgi Markov đang đứng chờ xe buýt tại cầu Waterloo để đến trụ sở là hãng tin BBC. Đột nhiên, một người đàn ông lạ mặt vượt lên từ phía sau và va vào Markov, cùng lúc, ông cảm thấy hơi nhói một chút ở bắp đùi. Người lạ mặt chỉ nói nhanh “Xin lỗi” sau đó chui vào taxi đi mất.
Markov không nghĩ ngợi gì nhiều vì cho rằng đó chỉ là một sự cố nho nhỏ và tiếp tục hành trình của mình. Ba ngày sau, Markov lên cơn sốt rất cao không rõ nguyên nhân và phải vào bệnh viện.
Ở đây, ông có nói với đội ngũ bác sĩ rằng ông tin mình bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga (KGB) đầu độc. Dù bác sĩ phụ trách trường hợp Markov là Bernard Riley đã cố gắng cứu chữa, song Georgi Markov đã không thể qua khỏi và tử vong vào ngày 11/9/1978.
Công tác khám nghiệm tử thi sau đó đưa ra kết luận rằng Markov tử vong do bị đầu độc bởi chất ricin tẩm trên một vật nhỏ như đầu kim găm vào bắp đùi. Các nhà điều tra đã lập tức vào cuộc sau đó, nhưng không một manh mối nào được tìm ra ngoài chiếc ô mà thủ phạm để lại hiện trường.
Với vụ giết người đúng kiểu James Bond là một chiếc ô, người ta đồn đoán về sự liên can của KGB – cơ quan vốn nổi tiếng về khả năng chế tạo các vũ khí giết người ngụy trang. Và mối nghi ngờ đổ dồn vào Liên Xô, khi mà năm 1969, Georgi Markov xin ra khỏi Đảng Cộng sản vì những bất đồng chính kiến với chính phủ.
Những năm sau đó, Markov trở thành một trong những nhà phê bình có ảnh hưởng nhất ở châu Âu. Mục tiêu trong các bài phê bình của ông thường là đất nước Liên Xô. Chương trình phát sóng hàng tuần trên Đài Châu Âu Tự do và BBC thường vạch ra những vụ việc mà ông cho là vi phạm nhân quyền cũng như cuộc sống khó khăn của người dân nước này.
Hé lộ kẻ tình nghi
Vụ điều tra của Georgi Markov rơi vào bế tắc suốt hơn 20 năm, khi các nhà điều tra không thể lần ra manh mối của thủ phạm. Mãi đến năm 1993, các nguồn tin của Cơ quan tình báo Anh MI6 cho biết có thể có sự liên quan của Cơ quan tình báo Bungary trong vụ việc này.
Lật giở lại vụ án, Anh cử các nhà điều tra tới Bungary trong vòng 2 tuần để phỏng vấn khoảng 40 nhân chứng cũng như tìm cách tiếp cận với các tài liệu từ phía Bungary.
Các tài liệu mật bị rò rỉ của tình báo Bulgary hé lộ tên người đàn ông đã thực hiện phi vụ thủ tiêu này là Francesco Giullino, một người gốc Italy làm việc cho Cơ quan tình báo Bungary (DS) dưới vỏ bọc một doanh nhân Đan Mạch.
Biệt danh của điệp viên này là Piccadilly. Các tài liệu thu thập được cho thấy DS đã cử Piccadilly tới London 3 lần trong thời gian từ năm 1977 đến năm 1978 để “vô hiệu hóa” Markov cùng các luận điệu chỉ trích.
Các tài liệu của DS cũng cho thấy Giullio là điệp viên duy nhất của nước này có mặt tại London thời điểm Markov bị sát hại. Năm 1978, Gullino cũng nhận lệnh của DS chuyển đến sống ở Copenhagen và bắt đầu công việc kinh doanh đồ cổ.
Cũng trong năm này, ông được Cơ quan tình báo Bungary trả hàng nghìn bảng Anh. Trong khoảng thời gian chế độ Cộng sản ở Bungary sụp đổ vào năm 1990, ông đã nhận tổng cộng khoảng 30.000 bảng.
Ngoài nguồn tin của các nhà điều tra Anh, thông tin của các nhà báo chuyên về lĩnh vực điều tra cũng hé lộ sự liên quan của Francesco Giullino.
Cơ chế làm việc của “Chiếc ô giết người” |
Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Bungary vào đầu những năm 1990, các hãng tin Bungary nhiều lần ám chỉ tới sự liên quan của giới lãnh đạo cấp cao trong vụ việc này, trong đó có chi tiết vụ tấn công diễn ra vào ngày 7/9 – trùng với ngày sinh nhật của lãnh đạo Đảng Cộng sản Bungary Todor Zhivkov.
Zhivkov khi đó là nhà lãnh đạo giữ quyền lãnh đạo lâu nhất ở một nước Đông Âu. Đến năm 1989, ông bị buộc phải từ chức khi làn sóng cách mạng dân chủ quét qua Đông Âu, trong đó có Bungary.
Nhưng trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên vào năm 1990, Đảng Xã hội Bungary vẫn giành thắng lợi, đồng nghĩa với việc các đồng minh trước đây của Zhivkov chiếm được vị trí lãnh đạo của cơ quan mật vụ. Bởi vậy, cơ quan này chẳng có lý do gì để tiến hành điều tra về vụ việc của Markov.
Trong cuốn sách “Hạ thủ một kẻ giang hồ” xuất bản năm 2005, nhà báo Bungary Hristo Hristov cũng cung cấp những thông tin có được từ hơn 100 tài liệu mật của Cơ quan tình báo quốc gia.
Theo đó, KGB đã dàn dựng vụ ám sát Markov với sự tham gia của điệp viên Bungary có biệt danh Piccadilly. Các phương tiện truyền thông Bungary cũng đưa tin, ít nhất hai âm mưu nhằm giết chết Markov đã được tiến hành trước đó nhưng đều thất bại, và đến lần thứ 3 mới thành công.
Bungary “đóng”, Anh “mở”
Ngày 5/2/1993, Giullino đã bị các nhà điều tra Anh và Đan Mạch thẩm vấn trong vòng 11 tiếng đồng hồ sau những dấu hiệu cho thấy sự liên can của ông trong vụ việc. Trong cuộc thẩm vấn đó, Giullio thừa nhận là gián điệp của Bungary, song bác bỏ bất cứ sự liên quan nào đến cái chết của Markov. Vì Đan Mạch không có bằng chứng nào xác thực hơn, Giullino đã được thả.
Đến năm 2008, Anh lại mở lại vụ án này với sự phối hợp từ phía các nhà điều tra Bungary. Nhưng đến ngày 11/9/2013, Bungary thông báo chính thức khép lại vụ án do thời hạn điều tra đối với tội danh giết người theo luật pháp Bungary đã kết thúc.
Trong khi đó, Sở Cảnh sát London cho biết vẫn tiếp tục để vụ án này dưới dạng hồ sơ mở bởi Anh không có quy định về thời hạn điều tra tối đa. Ông Sotir Tsatsarov, Trưởng Văn phòng Công tố viên của Bungary ở Sofia cho biết Văn phòng Công tố viên sẵn sàng hỗ trợ Anh tìm ra bằng chứng mới liên quan đến vụ việc.
Hiện các nhà điều tra Anh đang tìm cách để thẩm vấn quan chức cấp cao trong cơ quan tình báo Bungary khi đó là Vladimir Todorov, người đã bị phạt 10 tháng tù giam hồi năm 1991 do đã cho phép hủy một số tài liệu mật liên quan đến vụ việc của Markov.
Dù đã xuất hiện tên của kẻ tình nghi là điệp viên Piccadilly, nhưng gần 40 năm sau vụ ám sát, bí ẩn về người chủ mưu trong vụ ám sát nhà báo BBC vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Có thể người ta thấy bóng dáng của sự hợp tác giữa tình báo Liên Xô và tình báo Bungary, có thể người ta nhận ra sự tương đồng giữa cái chết của Markov với cái chết của Alexander Livitnenko, người đã bị sát hại tháng 11/2006 sau khi uống một tách trà có chưa chất phóng xạ polonium-210, song mọi giả thuyết vẫn chỉ là giả thuyết.
Một khi các nhà điều tra Anh không tìm ra chứng cứ xác thực, vụ ám sát Markov vẫn mãi là một trong những vụ án nổi tiếng nhất, bí ẩn nhất của lịch sử Chiến tranh Lạnh.../.