Chiếc 'phao cứu sinh' mang tên ngoại ngữ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hàng loạt các trường cấp II, THPT, đại học sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế làm “tấm vé” thông hành để cộng điểm, xét tuyển thẳng. Chẳng biết từ khi nào, cứ đến mùa thi, học sinh lại nỗ lực bằng mọi giá nhằm có được một chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Chứng chỉ IELTS đang trở thành một “tấm vé thông hành” trong các kỳ thi. (Nguồn: Saigon Times)
Chứng chỉ IELTS đang trở thành một “tấm vé thông hành” trong các kỳ thi. (Nguồn: Saigon Times)

Đặc quyền của chứng chỉ tiếng Anh

Nói về chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh, IELTS là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong những năm gần đây. Đối với học sinh, đây là “kim bài” giúp các em vượt qua hàng loạt đối thủ nặng ký để đỗ vào những trường cấp III, đại học danh giá ở Việt Nam.

Năm 2023, theo thống kê của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có đến 11 nghìn hồ sơ sử dụng chứng chỉ tiếng Anh để xét tuyển vào trường. Hàng loạt các trường đại học tốp đầu ở Việt Nam như Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội,... đều có những phương thức xét tuyển kết hợp học bạ, các bài thi riêng của trường hoặc điểm thi THPT Quốc gia với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Tùy theo từng trường sẽ có mức điểm quy đổi khác nhau, nhưng điểm IELTS (hoặc những chứng chỉ tương đương khác) càng cao, thì điểm được đổi ra có thể lên đến 9-10 điểm.

Đây là một ưu thế cho những thí sinh có bằng ngoại ngữ tiếng Anh hoặc các chứng chỉ tương đương. Thứ nhất, phần lớn điểm học bạ của học sinh tại các trường THPT tương đối cao khi cộng với điểm IELTS dễ dàng lên 26-27 điểm. Thứ hai, với việc “học tài, thi phận” để đạt điểm 9-10 trong kỳ thi THPT Quốc gia không đơn giản. Vì vậy, nhờ các phương thức kết hợp xét tuyển học bạ với chứng chỉ IELTS, mà nhiều học sinh nghiễm nhiên đỗ vào các trường đại học tốp đầu ở Việt Nam.

Niên học 2024-2025, dù đã có thay đổi, nhưng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS vẫn đang được đề cao ở nhiều trường đại học. Lấy ví dụ trường Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) chỉ cần là học sinh trường chuyên, có chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên, học bạ ba năm học sinh giỏi, thí sinh hoàn toàn có cơ hội được tuyển thẳng.

Phụ huynh, nhà trường cần phải định hướng việc học ngoại ngữ cho học sinh. (Ảnh minh họa, nguồn: VNU)

Phụ huynh, nhà trường cần phải định hướng việc học ngoại ngữ cho học sinh. (Ảnh minh họa, nguồn: VNU)

Hay theo như bảng quy đổi điểm IELTS của Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP HCM, 4.5 IELTS tương đương với 8 điểm Tiếng Anh, từ 5.0 đổ lên tương đương với 9 - 10 điểm. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chỉ cần từ 5.0 đến 5.5 IELTS tương ứng với

8 - 8.5 điểm tiếng Anh thi THPT Quốc gia. Trong khi, từ 4.5 - 5.0 IELTS không khó để đạt được và mức điểm này chỉ tương đương với trình độ tiếng Anh của học sinh cấp II tại Việt Nam.

Điều đáng buồn, “cơn sốt” chứng chỉ ngoại ngữ không chỉ tồn tại ở các trường đại học, mà còn lan tới cả các trường THPT, cấp II, thậm chí tiểu học. Nơi đâu, thấy phụ huynh đầu tư cho con học tiếng Anh chuẩn quốc tế. Vào đầu năm nay, hàng loạt các trường cấp III ở nhiều tỉnh thành phố đã phê duyệt đề án quy đổi, miễn thi tiếng Anh cho những em có chứng chỉ IELTS từ 4.0 đổ lên. Ngay lập tức, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu dừng xét tuyển vào lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS để tạo sự công bằng cho tất cả các học sinh.

Tuy nhiên, vẫn còn các trường tư thục, thậm chí trường chuyên dành sự ưu ái cho chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Như Trường THPT Chuyên KHXH&NV (Hà Nội) một trong những ưu tiên khi xét tuyển các thí sinh bằng điểm nhau đó là có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS hoặc giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố.

Với những ưu thế nổi trội của các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, hiện nay tỷ lệ thí sinh thi IELTS, TOEIC,... ngày càng cao. Dữ liệu thống kê của ban tổ chức kỳ thi IELTS trong năm 2022 cho thấy thành tích IELTS của Việt Nam hiện đang xếp thứ 23 trong số 40 quốc gia khảo sát. Độ tuổi người tham dự kỳ thi đang ngày càng trẻ hóa hơn so với trước. Nhưng một điều đáng buồn, đi kèm với “phong trào” thi chứng chỉ ngoại ngữ, nhiều em học đã sinh bỏ bê học tập những môn như Toán học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý,... Việc “nhất bên trọng, nhất bên khinh” khiến cho học sinh học lệch, thiếu hụt kiến thức nền tảng.

Mặc dù, số lượng học sinh Việt Nam thi chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEIC, TOEFL,... đang tăng cao, nhưng khả năng vận dụng Tiếng Anh nói riêng và các ngoại ngữ khác của người dân vẫn còn yếu. Bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Giám đốc Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết có nhiều người dù đạt điểm số ngữ pháp cao nhưng không nói được tiếng Anh. Học sinh học tiếng Anh nhưng chưa có nhiều môi trường để giao tiếp, thực hành. Vốn dĩ, tiếng Anh không thể học nhồi nhét mà cần thực hành dần dần để tốt lên, do đó, động lực của bản thân là điều quan trọng.

Một ngoại ngữ chưa đủ

Nhiều gia đình đã bắt đầu cho học sinh học 2 ngoại ngữ, nâng cao khả năng đỗ vào các trường tốp đầu. (Ảnh minh họa, nguồn: Báo Thừa Thiên Huế)

Nhiều gia đình đã bắt đầu cho học sinh học 2 ngoại ngữ, nâng cao khả năng đỗ vào các trường tốp đầu. (Ảnh minh họa, nguồn: Báo Thừa Thiên Huế)

Theo chương trình phổ thông mới (chương trình 2018), Ngoại ngữ là môn bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Ngoài tiếng Anh, trong danh mục môn Ngoại ngữ còn có tiếng Trung, Đức, Nhật, Hàn, Pháp, Nga. Tại nhiều trường, học sinh đã bắt đầu được chọn thêm một ngôn ngữ nữa ngoài tiếng Anh. Việc học hai ngôn ngữ nước ngoài vừa đem lại những cơ hội, đồng thời tạo ra rất nhiều thách thức cho học sinh.

Với một số phụ huynh “cầm đèn chạy trước ô tô”, họ đã đầu tư cho con học hai ngoại ngữ từ khi còn bé. Chị T.N.L (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, giáo dục sẽ có nhiều chuyển biến trong những năm sắp tới, để chuẩn bị trước kỳ thi trong tương lai cho con của mình, ngoài Tiếng Anh, chị L đã cho con học thêm Tiếng Nhật và Tiếng Pháp: “Vài năm trở lại đây, có rất nhiều trường cấp III, đại học ưu tiên tuyển sinh chứng chỉ IELTS. Học sinh hiện nay ngày càng giỏi Tiếng Anh, tỷ lệ cạnh tranh rất cao. Vì vậy, trong tương lai khoảng 10 năm nữa, theo suy nghĩ cá nhân của tôi các trường cấp III, đại học sẽ ưu tiên chứng chỉ của nhiều ngôn ngữ khác nhau. Lúc đó, Tiếng Nhật, Tiếng Pháp của con tôi sẽ có đất dụng võ”. Chị L thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Thực tế, hiện nay, nhiều phụ huynh cho rằng việc học tiếng Anh chỉ để “xóa mù chữ”, là kiến thức, kỹ năng cơ bản của các cá nhân. Vì vậy, không ít học sinh lên cấp II đã đạt chứng chỉ IELTS từ 7.0 đổ lên, tương đương trình độ tiếng Anh của du học sinh. Một số trường tư thục cấp I, cấp II đã ưu tiên tuyển sinh các em có chứng chỉ TOEIC, IELTS,... vào trường học.

Giảng viên Đặng Minh Tuấn, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ việc học ngoại ngữ chỉ để lấy chứng chỉ không những tạo gánh nặng tài chính cho các gia đình, mà còn có thể dẫn đến tình trạng học “tủ”, học lệch, với mục tiêu chính là đạt điểm cao trong kỳ thi thay vì nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ thực tế. Vì vậy, phụ huynh nên định hướng các con dùng ngoại ngữ thành một phương tiện để học tập, trao đổi và tiếp thu tri thức của thế giới.

Tại kỳ thi vào cấp III vào các trường chuyên, đã có không ít thí sinh thành thạo cả hai ngôn ngữ để tăng cơ hội đỗ vào những trường đại học tốp đầu. Em Nguyễn Nhật Linh (Nghĩa Tân, Hà Nội), năm nay thi THPT Quốc gia cho biết, em đã có hơn 5 năm học Tiếng Trung Quốc. Nhật Linh chia sẻ: “Bắt đầu từ năm lớp 8 gia đình đã định hướng cho em học song song cả hai ngôn ngữ. Năm cấp III, em thi vào trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, đăng ký lớp chuyên tiếng Trung. Em thi bằng ngôn ngữ Trung Quốc nên may mắn đỗ vào lớp chuyên. Hiện tại, em sử dụng chứng chỉ HSK để miễn thi ngoại ngữ và xét tuyển vào một số trường đại học. Nhờ thành thạo một ngôn ngữ thứ 2, em dành được nhiều thuận lợi trong các kỳ thi hơn so với các thí sinh chỉ học Tiếng Anh”.

Cô Trần Thái Thị Tú Anh ( giáo viên dạy tiếng Hàn, Trung tâm Hankang), cho biết, độ tuổi học tiếng Hàn ngày càng được trẻ hóa đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, TP Đà Nẵng,... Cô chia sẻ: “Tôi đã từng nhận dạy những học sinh lớp 8, lớp 9 có khả năng vận dụng tiếng Hàn bằng với trình độ sinh viên năm 2 của Trường Đại học Ngoại ngữ. Đặc biệt, các em không chỉ giỏi tiếng Hàn, mà còn rất xuất sắc về tiếng Anh và nhiều bộ môn khác”. Cô Tú Anh chia sẻ, hiện nay, xu hướng phụ huynh cho con học ít nhất hai ngoại ngữ đang ngày càng trở nên phổ biến. Một số ngôn ngữ được phụ huynh lựa chọn nhiều là tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Thái Lan.

Phải nói rằng, việc học các ngôn ngữ, thi chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài hiện đang là xu thế của nhiều học sinh Việt Nam. Trong tương lai, để vào được các trường tốp đầu, có lẽ, học sinh phải tham gia “cuộc chiến” gay cấn của nhiều thứ tiếng khác nhau. Tuy nhiên, phụ huynh, học sinh cần lưu ý, học ngoại ngữ không xấu, nó chỉ “biến chất” khi trở thành công cụ phục vụ cho căn bệnh thành tích đã tồn tại từ rất lâu ở Việt Nam.

Báo cáo Ngôn ngữ Duolingo 2023 cho thấy người Việt ngày càng hứng thú học các ngôn ngữ Châu Á. Tại Việt Nam có hơn 60% số người học tiếng Anh đang học trên ứng dụng Duolingo. “Giáo dục” là động lực học tập chính của 50% số người học tiếng Anh tại Việt Nam. Tiếng Trung, Tiếng Hàn và Tiếng Nhật tiếp tục là những ngôn ngữ phổ biến sau Tiếng Anh được học tại Việt Nam. Hiện có 31% người học tại Việt Nam đang học tiếng Trung trên ứng dụng Duolingo; con số này là 32% đối với tiếng Hàn và 26% đối với tiếng Nhật.

Đọc thêm