“Chiến binh nhí” và kiểu truyền thông nham hiểm của IS

(PLO) -Một báo cáo dưới dạng sách của quỹ Quilliam (Anh) gửi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và Liên hợp quốc (LHQ) vừa được công bố dưới tiêu đề "Những chiến binh trẻ em của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS)". 
Một hình ảnh trong clip đào tạo "chiến binh nhí" của IS
Một hình ảnh trong clip đào tạo "chiến binh nhí" của IS

Bản báo cáo mô tả cách thức mà tổ chức khủng bố thực hiện để "nhồi sọ" nhiều trẻ em với mục đích biến chúng thành những chiến binh tương lai, đồng thời tước bỏ đi cơ hội tái hòa nhập xã hội của các thiếu niên này. Bên cạnh đó, các tác giả cũng lột tả âm mưu truyền thông của IS. 

“Nhồi sọ” làm “bia đỡ đạn

Bị rơi vào tình thế khó khăn tại Syria và Iraq do liên tục bị đẩy lùi bởi lực lượng người Kurd, bị tước đi khả năng tiếp cận biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, hiện nay IS đã mất rất nhiều lính cùng quyền kiểm soát tại những thành phố chính. Sự sụp đổ cận kề của IS là điều được nhiều nhà quan sát dự đoán.

Tình thế hiện nay đang đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của các chiến binh trong hàng ngũ IS, nhất là khi các chiến binh này chỉ là các thiếu nhi. 

IS không phải là tổ chức khủng bố đầu tiên sử dụng trẻ em làm bia đỡ đạn. Trong một báo cáo mới đây, Văn phòng đại diện của LHQ về trẻ em và xung đột vũ trang đưa ra danh sách 7 lực lượng và 50 tổ chức phi chính phủ đào tạo và sử dụng trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang. 

Tình trạng hiện nay trong các trại lính và các cơ sở "tẩy não" của IS tại Syria và Iraq cho thấy nguy cơ về một thế hệ thiếu niên bị bọn khủng bố nhồi nhét tư tưởng cực đoan, hận thù và có thể bị đào tạo để trở thành những cỗ máy giết người trong tương lai.

Bọn khủng bố sử dụng trẻ em vì nhiều lý do: chi phí rẻ, đối tượng trẻ em dễ dàng để "nhồi sọ" vì đầu óc chúng còn quá non nớt và chưa có nhận thức đầy đủ. Trẻ em hầu như ngay lập tức thể hiện sự trung thành và càng bắt đầu đào tạo sớm thì càng dễ định hình tính cách theo mục đích của bọn khủng bố. Báo cáo của quỹ Quilliam chỉ ra rằng đối tượng trẻ em có thể đáp ứng những nhu cầu hiện nay của IS và khi lớn lên chúng sẽ tiếp tục giữ gìn và mở rộng tư tưởng thánh chiến. 

Biểu hiện đó cho thấy thế hệ chiến binh tương lai này nguy hiểm hơn và quyết tâm hơn thế hệ trước vì chúng không chỉ quy thuận theo chủ nghĩa cực đoan mà còn bị nhồi nhét tư tưởng này từ lúc lọt lòng. Chúng biểu hiện đức tin cực đoan và sẵn sàng tử vì đạo mạnh hơn cả thế hệ hiện nay. Những đứa trẻ này chưa có mối bận tâm lo lắng nào nên rất dễ sẵn sàng thực hiện đánh bom tự sát. 

IS đã truyền thông hóa việc sử dụng trẻ em với mục đích vừa để tuyên truyền vừa đe dọa
IS đã truyền thông hóa việc sử dụng trẻ em với mục đích vừa để tuyên truyền vừa đe dọa

Kiểu truyền thông nham hiểm

Theo báo cáo, điều để phân biệt giữa IS và Boko Haram, al-Qaeda hay Taliban ở Pakistan, đó là việc truyền thông hóa việc sử dụng trẻ em với mục đích vừa để tuyên truyền vừa đe dọa phương Tây. Bằng cách trưng ra những đứa trẻ có cái nhìn vô nhân tính, mặc quần áo rằn ri, tay cầm súng trường kalachnikov, IS muốn cho thế giới biết một thế hệ chiến binh trẻ em đã sẵn sàng.

IS đã tận dụng khai thác những đứa trẻ này cho mục đích truyền thông của chúng. Trong năm 2015-2016, bộ máy tuyên truyền của tổ chức khủng bố đã công bố các hình ảnh 12 đứa trẻ đao phủ và 1 đứa trẻ tham gia một cuộc hành quyết công khai.

Tháng 9/2016, tờ "Daily Mail" đăng trên trang mạng 1 clip về một cậu bé 12 tuổi tóc vàng, rất có thể là người châu Âu, đang thực hiện việc hành quyết một con tin. Vài tháng trước đó, IS đã phát đi 2 clip khác miêu tả cảnh 2 thiếu niên khoảng 13-14 tuổi hành quyết 2 phạm nhân người Syria. Một trong số 2 thiếu niên có mặt trong clip sau đó được xác định là người Pháp. 

Thế lực chóp bu của IS cho rằng chúng có thể giành chiến thắng trên mặt trận tâm lý khi phát đi các clip trẻ em thực hiện các hành động bạo lực vi phạm tất cả luật pháp quốc tế để thu hút sự chú ý của toàn thể thế giới về "Vương quốc" của chúng với mức độ tàn bạo ngày càng gia tăng. 1/3 các hình ảnh và clip được phát đi là do các tổ chức báo chí tại Syria và Iraq đặt dưới sự kiểm soát của IS. 

Theo báo cáo, IS có hẳn một chiến lược nội bộ về tuyển dụng trẻ em cho các mục đích ghê tởm của chúng. Cách thức đào tạo của IS rất gần với phương pháp của chế độ phát xít Đức trước đây. Đức quốc xã đã từng lựa chọn lớp thanh niên Đức như chất xúc tác để đoạn tuyệt với chính sách thời đó và tước bỏ đi tương lai của cộng đồng quốc gia mới. 

Bọn khủng bố nhồi nhét tư tưởng cực đoan, hận thù vào những đứa trẻ ngây thơ như thế này
Bọn khủng bố nhồi nhét tư tưởng cực đoan, hận thù vào những đứa trẻ ngây thơ như thế này

Tác giả của báo cáo đã nghiên cứu nghiêm túc và sâu sắc về vấn đề này, từ đó mô tả chi tiết phương thức IS đang sử dụng để đào tạo một thế hệ chiến binh cho trung hạn. Tại Syria, rất nhiều trẻ em từ 5 đến 10 tuổi đã bị IS bắt đưa đến học trong các trại tôn giáo, và khoảng 10 đến 15 tuổi thì bị đưa đi đào tạo trong các trại lính. IS chú ý đặc biệt đến trẻ bơ vơ không nơi nương tựa để tránh việc một ngày nào đó chúng có thể tìm lại nguồn gốc của mình. 

Nguy hiểm

Hệ thống giáo dục tại các vùng IS kiểm soát được xem là yếu tố then chốt trong việc tuyển dụng và nhồi nhét tư tưởng cực đoan. Trong các trường học, bọn khủng bố đang cố gắng "nhét" vào đầu trẻ em những giá trị giáo dục bạo lực và độc tài khi khuyến khích trẻ em làm gián điệp ngay trong gia đình và với bạn bè.

Các môn học như vẽ, nhạc, lịch sử, di sản, triết học và khoa học xã hội bị loại bỏ hết và được thay thế bằng việc học Kinh Koran, đạo một thần, kỷ luật, cuộc sống của Mahomet. Còn về địa lý, nội dung kiến thức chỉ đơn giản là biết tên các châu lục. Sau khi kết thúc học tiếng Arập và Kinh Koran, các thiếu niên sẽ đi vào luyện tập thể dục và quân sự, học bắn súng và đánh nhau bằng tay không để trở thành tình báo, lính chiến và đao phủ. 

Chấn thương, lệch lạc, vô cảm, biến đổi phát triển tâm sinh lý, sử dụng ma túy... là các hậu quả và tác động của việc "nhồi sọ" trẻ em ngày càng tăng của IS. Tổ chức này khuyến khích trẻ em tham gia các hoạt động tàn bạo và ghê rợn kiểu như chặt đầu con tin để chơi bóng đá. Lòng tự trọng của những đứa trẻ này bị phá hủy và việc nhồi nhét tư tưởng bạo lực là để khi lớn lên chúng không còn lựa chọn nào khác ngoài trở thành chiến binh phục vụ thánh chiến. 

Hầu hết những đứa trẻ đều dưới 10 tuổi
Hầu hết những đứa trẻ đều dưới 10 tuổi

Tình trạng nhồi nhét bạo lực cực đoan đối với trẻ em còn gây tác hại vô cùng lớn đối với sự phát triển kinh tế của các khu vực bị ảnh hưởng vì một khi được đưa trở lại cuộc sống bình thường, những đứa trẻ bị tẩy não sẽ không có khả năng làm kinh tế hay tự lo cuộc sống của mình. Kiến thức của chúng rất hạn chế và điều này làm bản thân chúng cảm thấy bị kỳ thị.

Lúc đó, xã hội sẽ phải tìm cách giải quyết chấn thương tâm lý cho các cá nhân này để họ có thể hòa nhập được với cộng đồng. Đây là một thách thức vô cùng khó khăn và phức tạp đặt ra cho xã hội văn minh.../.