Chiến dịch “Con rồng Mekong”: Sáng kiến được đưa vào tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc Bài 3: UNODC đánh giá cao vai trò của Hải quan Việt Nam

(PLVN) -Nhân dịp tham dự Hội nghị tổng kết Chiến dịch “Con rồng Mekong” giai đoạn 5 (tổ chức tại Hà Nội vừa qua), bà Jenna Dawson Faber, Điều phối viên khu vực của UNODC (Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc) đã trao đổi với báo chí về vai trò của Hải quan Việt Nam trong thực hiện Chiến dịch “Con rồng Mekong”.
Quang cảnh Hội nghị tổng kết Chiến dịch “Con rồng Mekong” giai đoạn V. (Ảnh: PV).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính về việc triển khai Chiến dịch “Con rồng Mekong”, Tổng cục Hải quan phối hợp với UNODC tổ chức Hội nghị tổng kết kết quả triển khai Chiến dịch “Con rồng Mekong” giai đoạn V (OMD V) tại Hà Nội, Việt Nam. Tổng cục Hải quan giao Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với UNODC, Văn phòng liên lạc tình báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RILO AP) đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá những thành tựu đạt được, những thách thức, khó khăn trong quá trình hoạt động của OMD V, đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia trong công tác thực thi Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và ma túy; thảo luận về kế hoạch, phương thức hoạt động và cách thức triển khai giai đoạn tiếp theo của Chiến dịch.

Tham dự Hội nghị có các đại biểu quốc tế đến từ 20 cơ quan Hải quan và các cơ quan thực thi pháp luật và tổ chức quốc tế gồm 16 nước thành viên là đầu mối OMD V và đại diện 4 cơ quan, tổ chức thực thi pháp luật; các đại biểu thuộc các cơ quan của Việt Nam bao gồm: đại biểu thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thuộc Bộ Công an, đại biểu thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu và một số đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan.

Trao đổi với báo chí nhân dịp tham dự Hội nghị, bà Jenna Dawson Faber, Điều phối viên khu vực của UNODC đã đánh giá cao vai trò của Hải quan Việt Nam trong thực hiện Chiến dịch “Con rồng Mekong”. Bà Faber chia sẻ, UNODC cho rằng Chiến dịch “Con rồng Mekong” là một sáng kiến quan trọng trong phòng chống tội phạm quốc tế về ma túy và động, thực vật hoang dã. Chiến dịch này là ví dụ cho cách tiếp cận hợp tác liên quốc gia, điều rất cần thiết cho việc ngăn chặn các mạng lưới tội phạm có tổ chức liên khu vực về ma túy, tiền chất và hàng hóa thuộc Công ước CITES.

Bằng việc kết nối hải quan với các cơ quan thực thi pháp luật trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chiến dịch “Con rồng Mekong” giai đoạn 5 (triển khai từ ngày 15/4/2023 đến ngày 16/11/2023) giúp tăng cường năng lực phát hiện, điều tra và các hoạt động tố tụng sau bắt giữ các loại tội phạm này. Chiến dịch tập trung vào hoạt động trao đổi thông tin tình báo, thiết lập rủi ro và trao đổi, hợp tác trong các vụ việc nghi vấn cụ thể để tăng cường hiệu quả của mỗi quốc gia trong việc nhận diện các hoạt động tội phạm phức tạp và có tổ chức.

Để tiếp tục triển khai Chiến dịch một cách hiệu quả, theo bà Faber, thời gian tới UNODC dự định đưa ra các hỗ trợ toàn diện tới các nước thành viên để triển khai Chiến dịch “Con rồng Mekong” một cách hiệu quả. Các hỗ trợ bao gồm hỗ trợ kỹ thật, hội thảo nâng cao năng lực, các hội thảo tập huấn được thiết kế dành riêng theo nhu cầu. UNODC cũng sẽ hỗ trợ thiết lập hồ sơ, tiêu chí rủi ro, điều phối hoạt động chia sẻ thông tin tình báo và hỗ trợ các hoạt động điều tra chung sau bắt giữ.

Thêm vào đó, thông qua mạng lưới liên lạc và các chuyên gia của mình, UNODC sẽ tham mưu nhằm tăng cường khung pháp lý và thủ tục giữa các quốc gia thành viên, hỗ trợ thực thi hiệu quả và các hoạt động điều tra sau bắt giữ. Những hỗ trợ này thể hiện cam kết của UNODC trong việc tăng cường năng lực thực thi của các quốc gia thành viên trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và hàng hóa thuộc danh mục Công ước CITES.

Vai trò của Hải quan Việt Nam trong việc điều phối giữa các quốc gia thành viên cung cấp nền tảng trao đổi thông tin và thông tin tình báo, đi đầu trong việc thực hiện và lên kế hoạch thực thi rất quý báu. Nỗ lực của Hải quan Việt Nam trong việc kết nối các nước thành viên và các cơ quan quốc tế và khu vực cho thấy tầm quan trọng của hoạt động hợp tác và nỗ lực chung trong đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia. Vai trò lãnh đạo của Hải quan Việt Nam không chỉ tăng tính hiệu quả của chiến dịch mà còn tạo tiền đề cho hoạt động hợp tác quốc tế chống lại các mạng lưới tội phạm toàn cầu trong tương lai.

Về vai trò của Hải quan Việt Nam trong việc đưa ra sáng kiến và kết quả tổ chức thực hiện Chiến dịch “Con rồng Mekong”, bà Faber nhấn mạnh, UNODC đánh giá rất cao vai trò chủ động, tích cực trong việc đưa ra sáng kiến và hỗ trợ Chiến dịch “Con rồng Mekong” của Hải quan Việt Nam. Hải quan Việt Nam cho thấy khả năng lãnh đạo, cam kết rất cao đối với chiến dịch rất quan trọng và dài hơi này.

Bà Jenna Dawson Faber. (Ảnh: Thái Bình)

Đọc thêm