Bảo vệ môi trường không dừng lại ở 'tuyên ngôn chính sách'

(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, những vấn đề được trao đổi giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức cần được cụ thể hóa trong từng điều, khoản, mục, không dừng ở “tuyên ngôn chính sách”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: VGP)

Ngày 6/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (dự thảo Nghị định).

Tập trung cắt giảm thủ tục hành chính

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, dự thảo Nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Theo đó, Bộ TN&MT chỉ tập trung giải quyết TTHC về môi trường cho các đối tượng: thực hiện trên địa bàn liên tỉnh; có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước mặt liên tỉnh; thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; các loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn (ngoài các đối tượng đã thực hiện phân cấp). Dự kiến có khoảng 55,96% hồ sơ sẽ được phân cấp cho UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; có khoảng 11,05% đối tượng được cắt giảm TTHC về thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Dự thảo Nghị định cũng đã rà soát, cập nhật, sửa đổi danh mục quy hoạch phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; làm rõ hơn về yếu tố nhạy cảm về môi trường; cụ thể hóa một số quy định trong đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường để bảo đảm rõ ràng, minh bạch; sửa đổi một số quy định về trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; về quản lý chất thải, nguồn chi sự nghiệp bảo vệ môi trường; quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra; quy chế quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn…

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, tiếp tục làm rõ một số nhóm vấn đề còn ý kiến khác nhau như miễn thuế xuất khẩu sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải; miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật tư chuyên dùng nhập khẩu để sử dụng trong các dự án, cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung và dịch vụ xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; thu phí xử lý chất thải đối với hàng hóa, thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất đối với doanh nghiệp; danh mục, tỷ lệ phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; quy định chi sự nghiệp môi trường cho các hoạt động bảo vệ môi trường có tính chất đầu tư…

Thiết kế cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường “từ sớm, từ xa”

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, những vấn đề được trao đổi giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức cần được cụ thể hóa trong từng điều, khoản, mục, không dừng ở “tuyên ngôn chính sách”. Cùng với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, Phó Thủ tướng cho rằng cần có các quy định gắn với trách nhiệm, thẩm quyền của cấp xã, phường; rà soát lại các phụ lục chi tiết, tiêu chí định lượng rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, theo hướng quản lý theo mục tiêu, tính chất, mức độ tác động, tính chất nguồn gây ô nhiễm môi trường chứ không chỉ là quy mô, phạm vi dự án.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TN&MT tiếp tục bám sát Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật chuyên ngành; đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; tiếp tục đánh giá tác động của những chính sách bảo vệ môi trường, khuyến khích tái chế đối với doanh nghiệp; nghiên cứu, dự báo những lĩnh vực, loại chất thải mới phát sinh để tính toán, thiết kế cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường “từ sớm, từ xa”.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về kiến nghị tích hợp nhiều công trình, dự án trên cùng một địa bàn khi cấp giấy phép môi trường; đánh giá tác động môi trường của các dự án sử dụng đất chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng lúa; yêu cầu về đánh giá tác động môi trường từ giai đoạn chuẩn bị dự án xin chủ trương đầu tư; cơ chế sử dụng nguồn kinh phí bảo vệ môi trường, xử lý chất thải do doanh nghiệp đóng góp…

Đề xuất tăng chế tài xử phạt hành chính

Liên quan đến việc bảo vệ môi trường, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng đang là nội dung thu hút sự chú ý dư luận thời gian qua, bởi dự thảo đề xuất thêm nhiều nội dung mới, thắt chặt các quy định đã có nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đủ tính răn đe, đồng bộ và thống nhất với hệ thống pháp luật môi trường hiện hành.

Dự thảo Nghị định đã được Bộ TN&MT xây dựng hoàn thành và đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý. Một trong những nội dung chính của dự thảo Nghị định sửa đổi là việc tăng cường chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến bảo vệ môi trường. Cụ thể, đối với những dự án đã triển khai xây dựng hoặc hoạt động mà chưa có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), mức xử phạt sẽ được tăng lên nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp cố tình vi phạm. Ngoài ra, để bảo đảm tính răn đe và ngăn chặn việc tái diễn vi phạm, các biện pháp xử lý như đình chỉ hoạt động hoặc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường cũng được điều chỉnh.

Việc tăng cường chế tài và nâng cao trách nhiệm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là một biện pháp pháp lý nhưng cũng mang ý nghĩa chiến lược trong việc xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững. Trong bối cảnh toàn cầu đang tập trung vào các giải pháp giảm phát thải và bảo vệ tài nguyên, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế này. Việc sửa đổi Nghị định 45/2022/NĐ-CP là một trong những động thái cần thiết, cấp bách, giúp cải thiện mục tiêu xử lý vi phạm, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi tư duy và cách tiếp cận trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đỗ Trang

Đọc thêm