Chiến dịch “Đả hổ, diệt ruồi” qua các con số...

(PLO) - Năm 2017, Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 96 năm thành lập và chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng 19 vào cuối năm trong bối cảnh công tác chống tham nhũng đầy gian nan, khó khăn nhưng vô cùng cần thiết. 
Nguyên Tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến Tô Thụ Lâm bị cách chức, khai trừ  Đảng do dính đến tham nhũng
Nguyên Tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến Tô Thụ Lâm bị cách chức, khai trừ Đảng do dính đến tham nhũng

Kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18 hồi năm 2012, cả nước Trung Quốc đã bị cuốn vào cuộc chiến chống tham nhũng và tham gia quá trình thanh lọc môi trường chính trị. 

“Đấu” quan tham

Theo tuyên bố của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau hơn 1 năm điều tra, cựu Tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến, ông Tô Thụ Lâm vừa bị cách chức và khai trừ khỏi Đảng. Ngoài ra, quan chức cấp cao khác, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hà Bắc, ông Dương Sùng Dũng cũng đã bị cách chức và khai trừ khỏi Đảng vào ngày 4/7 vừa qua. Đây là những quan chức cao cấp nhất bị chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” xử lý.Theo thông báo công khai của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, ông Tô Thụ Lâm đã lạm dụng quyền lực, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, chống đối hoạt động điều tra, gây thiệt hại nghiêm trọng lợi ích của nhà nước Trung Quốc.

Trước khi nhậm chức Tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến năm 2011, ông Tô Thụ Lâm là Chủ tịch và là Bí thư Chi bộ Đảng của Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (Sinopec) từ năm 2007. Trước đó, ông Tô sống và làm việc tại quê hương – tỉnh Hắc Long Giang. Trong chiến dịch chống tham nhũng hiện nay của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Tô Thụ Lâm là một trong nhiều quan chức đã bị hạ bệ. Biệt danh “con hổ vùng Đông Bắc” của ông Tô Thụ Lâm sánh ngang với ông Liệu Vĩnh Viễn - được gọi là “con hổ vùng Tây Bắc” - người từng là Chủ tịch của Sinopec từ năm 2013, cho đến khi bị thanh trừng vào năm 2015. Ông Liệu Vĩnh Viễn đã bị kết án 15 năm tù giam, và bị phạt 1,5 triệu Nhân dân tệ (khoảng 220.000 USD) vào tháng 1/2017. 

Tô Thụ Lâm và Liệu Vĩnh Viễn có được thành công là nhờ cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang. Từ năm 1988 đến năm 1998, Chu Vĩnh Khang là lãnh đạo Sinopec. Chu Vĩnh Khang từng là Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật (cơ quan kiểm soát các lực lượng công an và an ninh quốc gia) và cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Chu Vĩnh Khang là một trong những quan chức quyền lực nhất đã bị thanh trừng trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình. 

 Hai tháng trước khi bị bắt, Tô Thụ Lâm đã viết một bài báo chỉ trích ông Chu Vĩnh Khang, người đã bị thanh trừng và bị kết án tù chung thân vào năm 2014. Sau khi ông Tô Thụ Lâm bị thanh trừng, tờ Nhân dân Nhật báo có bài viết chỉ trích bản thân Tô Thụ Lâm đã phê bình các quan chức tham nhũng, trong khi chính ông ta là một trong số các quan chức tham nhũng. 

240 “hổ” và 1,14 triệu “ruồi”

Theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI), chính quyền đã ghi nhận 1,16 triệu trường hợp và tiến hành kỷ luật đối với 1,2 triệu người kể từ Đại hội 18. Dưới áp lực mạnh mẽ này, 57.000 Đảng viên đã tự nguyện thú nhận sai phạm trong năm 2016. CCDI cho biết các thanh tra viên kiểm tra kỷ luật cũng không được miễn tội khi có đến 7.900 thanh tra viên đã bị tiến hành kỷ luật kể từ Đại hội 18. 

Trong chiến dịch chống tham nhũng trên, ngay cả “những con hổ” (lãnh đạo cấp cao) đến “những con ruồi” (lãnh đạo cấp thấp) cũng không thể tránh được các án phạt và biện pháp kỷ luật. Kể từ khi Đại hội 18, ít nhất 240 quan chức cấp cao đã bị tiến hành điều tra. Bên cạnh đó, tổng cộng có 1,14 triệu Đảng viên và cán bộ ở các cấp huyện, xã, thị trấn đã bị kỷ luật, trong đó có 554.000 Đảng viên và cán bộ ở các vùng nông thôn. 

Trong thời gian này, Trung Quốc đã phát động các chiến dịch như “Lưới trời” (Sky Net) và “Săn Cáo”(Fox Hunt) để săn lùng các nghi phạm tham nhũng chạy trốn ra nước ngoài. Tính đến ngày 31/3/2017, 2.873 đối tượng đào tẩu tới hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bị bắt và đưa về Trung Quốc, trong đó có 476 đối tượng là các cựu quan chức và khoảng 40 đối tượng nằm trong danh sách Truy nã Đỏ của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol). Bên cạnh đó, khoảng 8,99 tỷ Nhân dân tệ (130 triệu USD) đã được thu hồi. 

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Hàng Châu hồi tháng 9/2016, các nhà lãnh đạo quốc tế đã ủng hộ các nguyên tắc cấp cao trong văn kiện “Hợp tác về việc truy lùng đối tượng tham nhũng và thu hồi tài sản” cũng như “Kế hoạch Hành động chống tham nhũng trong giai đoạn 2017-2018”. 

Thực thi nghiêm túc

Kể từ tháng 5/2013, các thanh tra viên của CCDI đã tiến hành 12 vòng tuần thị và thanh tra tất cả các tổ chức Đảng cấp tỉnh, các tổ chức Đảng Trung ương và cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước trọng yếu, các tổ chức tài chính Trung ương và các trường đại học dưới sự quản lý của Trung ương. Đến vòng tuần thị thứ 11, các cơ quan Trung ương cũng như các cơ quan nhà nước đã nhận được 160.000 đơn khiếu nại và nhận được thêm 110.000 đơn khiếu kiện trong các đợt thanh tra của những doanh nghiệp nhà nước. Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hồi tháng 11/2016, 92,9% dân chúng nước này cho biết họ hài lòng với kết quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tăng 17,9 điểm phần trăm so với năm 2012... 

Đọc thêm