Trong khi đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp tại Nhật Bản, việc quảng bá du lịch đã gây ra nhiều tranh cãi. Các chuyên gia cho biết, dịch bệnh có khả năng tồn tại trong một thời gian dài. Việc vừa phòng chống dịch bệnh đồng thời thúc đẩy phục hồi du lịch là điều hết sức khó khăn, có thể mất một quá trình lâu dài.
Kể từ đầu năm nay, số lượng người nước ngoài đến thăm Nhật Bản đã giảm mạnh do dịch bệnh và việc đi lại trong nước của công dân Nhật Bản cũng bị đình trệ. Các ngành dịch vụ và sản xuất bán lẻ, đồ lưu niệm liên quan đến du lịch đang phải đối mặt với với tình trạng khó khăn, thất nghiệp và phá sản tăng nhanh.
|
Đường phố thương mại Ginza ở Tokyo, Nhật Bản trong cảnh vắng vẻ. |
Số lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản đã giảm 58,3% trong tháng 2 và 93% trong tháng 3 so với một năm trước đó (năm 2019). Số lượng du khách nước ngoài đã giảm xuống còn 2.600 trong tháng 6, giảm 99,9% so với năm trước. Công dân Nhật Bản cũng chi tiêu ít hơn đáng kể cho du lịch trong nước, theo số liệu từ Văn phòng du lịch của Chính phủ Nhật Bản.
|
Một con phố thương mại ở Asakusa, Tokyo, Nhật Bản, ngày 21/6/2020. |
Để giúp ngành công nghiệp du lịch vượt qua cơn khủng hoảng bằng cách thúc đẩy du lịch nội địa, chính phủ Nhật Bản có kế hoạch khởi động một chiến dịch xúc tiến du lịch nội địa có tên là "Đi đến du lịch", bắt đầu từ ngày 22/7.
|
Lễ hội tuyết Sapporo ở Sapporo, Hokkaido, Nhật Bản, ngày 31/1/2020. |
Trong Chương trình trợ cấp cho du lịch nội địa ở Nhật Bản, chính phủ Nhật bản sẽ cung cấp tới một nửa chi phí cho các chuyến đi. Mỗi khách du lịch có thể nhận được trợ cấp lên tới 20.000 yên (186,8 đô la) mỗi ngày khi đi du lịch, bao gồm giảm giá 35% cho chi phí vận chuyển và ăn ở, giảm giá 15% cho chi phí ăn uống, mua sắm, tham quan và vận chuyển tại các điểm du lịch bằng cách sử dụng phiếu giảm giá.
|
Một phụ nữ đeo khẩu trang chụp ảnh Tokyo Sky Tree ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 24/5/2020. |
Trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm sút, nhiều người dân bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đối với chiến dịch quảng bá du lịch toàn quốc vì lo ngại sự di chuyển ồ ạt sẽ dẫn đến lây lan rộng rãi COVID-19. Thậm chí Thống đốc Tokyo Yuriko Koike và Thống đốc Osaka Hirofumi Yoshimura cũng đã lên tiếng phản đối.
Trước những vấn đề trên, chính phủ Nhật Bản buộc phải điều chỉnh kế hoạch và loại trừ Tokyo khỏi chiến dịch. Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura đã nói rằng cư dân Tokyo và người dân tới thủ đô đều không được tham gia vào chiến dịch quảng bá này.
Tình hình dịch COVID-19 ở những tỉnh, thành lớn ở Nhật Bản vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Giới chức y tế xác nhận nước này vừa phát hiện thêm 511 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 trong một ngày qua, trong đó, thủ đô Tokyo đã ghi nhận thêm 188 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở thành phố này lên 9.411 ca. Mặc dù đây là lần đầu tiên trong 4 ngày qua, số ca nhiễm mới ở Tokyo giảm xuống dưới mức 200 ca, song đáng chú ý, trong số các ca nhiễm mới, 118 ca không thể xác định đường lây nhiễm, 32 ca được cho là nhiễm bệnh ở các khu vui chơi, giải trí về đêm, trong khi 13 ca bị nhiễm khi ăn tối ở bên ngoài và 11 người khác từ các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng phát hiện thêm 3 người có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi xem vở kịch tại Nhà hát Moliere ở quận Shinjuku, nâng tổng số ca mắc COVID-19 liên quan tới nhà hát này lên 55 ca.
Cùng với Tokyo, số ca nhiễm mới ở tỉnh Osaka của Nhật Bản đang gia tăng đáng báo động. Tỉnh này phát hiện thêm 89 ca nhiễm mới, cao thứ hai kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở đây lên 2.420 ca. Con số cao nhất theo ngày trước đó là 92 ca vào ngày 9/4.