Chiến dịch giải cứu nghẹt thở trong lịch sử: 4 công nhân hơn 1 tháng sống dưới “địa ngục”

(PLO) - Thế giới đã chứng kiến nhiều pha giải cứu thần kỳ từ lòng đất khiến mọi người bất ngờ. Một trong số đó là vụ giải cứu 4 công nhân bị mắc kẹt 36 ngày dưới hầm mỏ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc năm 2016. Dù rất khó khăn nhưng cuối cùng những nạn nhân đều được đưa lên mặt đất an toàn trong sự tung hô của mọi người.
Cảnh cứu sống 4 công nhân sau 36 ngày sống dưới lòng đất.
Cảnh cứu sống 4 công nhân sau 36 ngày sống dưới lòng đất.

36 ngày, tức là hơn một tháng, 4 thợ mỏ tưởng như mình đã hết hy vọng, thế nhưng may mắn đã đến với họ khi có thể gửi được các tín hiệu của sự sống lên trên mặt đất. Danh tính của 4 thợ mỏ được xác định là Quản Khánh Lực, 58 tuổi; Hoa Minh Tập, 36 tuổi;  Lý Cầu Thắng, 39 tuổi và Triệu Chí Thành, 50 tuổi.

Ngày 25/12/2015, mỏ thạch cao Ngọc Vinh ở Bình Ấp, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc bất ngờ bị đổ sập khi đang có 29 công nhân làm việc. Chấn động của vụ sập mỏ tương đương với trận động đất có cường độ 4 độ Richer ngay lập tức khiến 1 người thiệt mạng. Chỉ có 11 người may mắn chạy thoát.

Những ngày sau đó đội cứu hộ nỗ lực tìm kiếm những người còn mắc kẹt trong hầm mỏ, nhưng không chắc họ có còn sống hay không bởi các đường hầm đã bị sập gần hết khiến đất đá sạt lở, nước tràn vào và khí độc rò rỉ. 

Mặc dù vậy, công tác cứu hộ cứu nạn vẫn được triển khai tối đa. Chính quyền tỉnh Sơn Đông tiếp tục đưa tới hơn 600 thiết bị, bao gồm công cụ khoan sâu dưới lòng đất, robot dò tìm, máy dò tín hiệu sự sống và cả máy bay không người lái tiến hành tìm kiếm cứu hộ. 

Để xác định được chính xác, 5 ngày sau đó, nhóm chuyên gia cứu hộ quyết định khoan một đường thông hơi từ mặt đất xuống nơi mà họ tin là có khả năng những thợ mỏ đang tập trung nếu còn sống. Từ đường thông hơi này họ đưa thiết bị dò tín hiệu xuống bên dưới và phát hiện ra được 4 thợ vẫn còn sống sót, bị kẹt dưới độ sâu hơn 210m. Còn lại 13 người khác vẫn “bặt vô âm tín”. 

Chính phủ Trung Quốc lúc ấy nói rằng họ sẽ tiếp tục tìm kiếm, tuy nhiên khả năng rất cao là những người thợ mỏ đã bị chôn vùi dưới lớp đất đá trong hầm thạch cao.

Khi xác định được nơi trú ẩn của 4 công nhân còn sống. Lực lượng cứu hộ đã khoan một lỗ thông hơi vừa để tạo oxy trong hầm, vừa để chuyển thức ăn, nước uống, đèn pin, quần áo ấm và cả điện thoại thông minh để phần nào trấn an tinh thần cho các công nhân đang mắc kẹt dưới lòng đất. 

“Nơi trú ẩn của các bạn khá an toàn”, theo Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc dẫn lời một người thuộc đội giải cứu trên mặt đất, “Đầu tiên hay uống sữa, giữ gìn sức khỏe và kiên trì đợi, sớm hay muộn chúng tôi sẽ cứu các anh ra ngoài”. 

Cũng nhờ chiếc điện thoại mà 4 con người may mắn này đã ghi lại một đoạn video khiến mọi người vô cùng xúc động. “Tôi cảm ơn các nhân viên cứu hộ rất nhiều. Biết được có người đang cứu, tôi thấy nhẹ nhõm và bớt lo sợ hơn rồi”, anh Quản Khánh Lực, 58 tuổi, một trong 4 công nhân mắc kẹt nói. 

“Tôi mong sớm được cứu thoát để trở về với gia đình. Cảm ơn mọi người vì trong giá rét vẫn cố gắng hết sức. Chúng tôi biết ơn các anh cả đời này”, anh Lý Cầu Thắng, 39 tuổi cho biết.

Vui mừng khi phát hiện ra người còn sống, chính quyền Sơn Đông phát lệnh kêu gọi cứu trợ. Theo đó, hơn 60 chuyên gia cứu hộ, địa chất và các chuyên viên khoan hầm giỏi nhất Trung Quốc, trong đó có 4 chuyên gia người Đức được đưa đến hiện trường vụ tai nạn. Hỗ trợ họ là khoảng 1.000 nhân viên cứu hộ và người dân địa phương làm việc suốt ngày đêm. 

“Trong suốt 30 năm làm công việc giải cứu người, đây là lần giải cứu nguy hiểm nhất và khó khăn nhất”, ông Du Bingjian, một chuyên gia về thảm họa đã được điều đến để giúp đỡ.

Những ngày sau đó, chính quyền lên kế hoạch cho khoan một đường ống lớn xuyên qua các tầng đá vôi, sa thạch và thạch cao để đưa người ra. Kỹ thuật này mới lần đầu tiên được áp dụng ở Trung Quốc. 

Trước đó, kỹ thuật tương tự đã được lực lượng cứu hộ ở Chile áp dụng, giải cứu thành công 33 thợ mỏ bị mắc kẹt dưới lòng đất 69 ngày, hồi năm 2010. Theo Tân Hoa xã, nếu tính cả lần giải cứu được 4 thợ mỏ hôm qua, đây mới là lần thứ 3 kỹ thuật nói trên được áp dụng.

Quá trình khoan không dễ dàng vì mũi khoan phải đi qua nhiều tầng địa chất khác nhau. Công việc càng trở nên nguy hiểm khi các cấu trúc bên trong liên tục nứt gãy, nhiều tảng đá rất nặng rơi xuống khiến hầm biến dạng nghiêm trọng và gần như chặn đường đi dưới đáy mỏ. Nhiều con đường xuống hầm mà nhân viên cứu hộ đã đào và khôi phục nhiều lần nhưng lại bị phá hủy do các mảnh vỡ đất đá rơi xuống. Thậm chí đội cứu hộ còn phải đối mặt với khó khăn như rò rỉ nước và khí độc carbon monoxide. 

Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời quan chức tỉnh Sơn Đông, ông Trần Thuật Bình thời điểm đó cho biết, “Có những lúc việc cứu hộ gần như bế tắc hoàn toàn khi các chuyên gia phát hiện đường ống thông hơi dùng để tiếp cận khu hầm khai thác đã bị khối lượng đất đá khổng lồ nặng hàng chục tấn lấp kín”. 

Song song với quá trình khoan đường ống, lực lượng cứu hộ tiếp tục gửi nhu yếu phẩm cho bốn thợ mỏ trên, đồng thời tìm cách truyền tín hiệu động viên họ vững tâm. Ngoài ra, lực lượng cứu hộ đã cho thiết kế cấp tốc một lồng cứu hộ hình trụ, rộng khoảng 50cm và cao khoảng 3m để đưa xuống theo giếng thông hơi chờ cứu người một khi tiếp cận được họ. 

Ngày 23/1/2016, mũi khoan đã chạm đến đường hầm dẫn đến nơi bốn thợ mỏ bị mắc kẹt. Tuy nhiên, vì điều kiện địa chất khu vực sập hầm tiếp tục rung lắc nên phải đến đêm 29/1 công cuộc giải cứu mới được bắt đầu.

Cứ khoảng 30 phút, lực lượng cứu hộ đưa được một thợ mỏ an toàn lên mặt đất. Thợ mỏ đầu tiên được đưa lên khỏi mặt đất lúc 9h20’ sáng ngày 29/1 (theo giờ địa phương) trong khi người cuối cùng được giải cứu vào lúc 10h50’. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát cảnh các thợ mỏ được đưa lên mặt đất. Cảnh quay cho thấy 4 người đàn ông ngồi cạnh nhau. Một trong số họ nói: “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm và an toàn. Chúng tôi sẽ mãi nhớ các bạn (những người cứu hộ), theo CCTV.

Truyền thông địa phương cho biết, tất cả 4 người này sau khi được đưa lên bằng khoang từ lòng đất đều được bịt mắt để bảo vệ đôi mắt của họ trước nguy cơ nhạy cảm với ánh sáng vì sống quá lâu trong bóng đêm, sau đó được cấp cứu tại một bệnh viện trong vùng. Theo nhân viên y tế tại hiện trường, các thợ mỏ có thể gặp vấn đề về tim hoặc não do cơ thể kiệt sức sau khi được nâng lên mặt đất.

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, ông Ma Congbo - Chủ tịch Công ty Yurong Commerce and Trade đã nhảy xuống một giếng nước trong khu mỏ tự sát. Bốn viên chức bao gồm bí thư, chủ tịch và hai phó chủ tịch huyện Bình Ấp đã bị sa thải vào ngày 29/12 vì tắc trách trong việc giám sát an toàn của mỏ này, một ngày trước khi tìm thấy những người sống sót.

Trung Quốc là quốc gia xảy ra nhiều tai nạn hầm mỏ nhất thế giới. Khoảng 15 năm trước đó, con số thợ mỏ thiệt mạng lên đến 7.000 người. Chỉ tính riêng năm 2015 có 931 người thiệt mạng trong các tai nạn kiểu này. Số người chết nhiều, nhưng số vụ giải cứu lại rất hi hữu, do vậy vụ giải cứu trở thành kỳ tích trong lịch sử Trung Quốc. Giây phút đưa 4 công nhân ra khỏi lòng đất như vỡ òa cả khu mỏ, vậy là quá trình giải cứu đã diễn ra thành công mỹ mãn sau 36 ngày vật lộn với vô vàn khó khăn. 

Đọc thêm