“Vũ khí” mới
Kiểm lâm tại khu rừng rậm rạp ở trung Ấn Độ suốt 6 tháng qua đã dùng hết mọi nguồn lực có thể: cử hàng trăm binh lính lùng sục khu rừng, dùng máy ủi dọn đường, thuê các tay súng thiện xa, xe jeep chuyên dụng, bẫy máy ảnh, máy bay ghi dấu hiệu nhiệt độ và thậm chí là năm con voi Ấn Độ với hy vọng bao vây con hổ để các bác sĩ thú y có thể bắn tiêu gây mê nó. Nhưng họ đã thất bại.
Các nhân viên kiểm lâm đã có kế hoạch triển khai vũ khí mới, một chai nước hoa Calvin Klein Obsession. "Tôi biết là nghe thật nực cười", Sunil Limaye, một trong những cán bộ lâm nghiệp cao cấp chỉ đạo cuộc săn lùng hổ trả lời. "Nhưng biết làm gì bây giờ?"
Loại nước hoa nam giới này có thành phần là civetone, một hợp chất có nguồn gốc từ các tuyến mùi của cầy hương, hiện nay đã có thể được tổng hợp nhân tạo. Nước hoa Obsession được quảng cáo là làm cho phụ nữ không thể cưỡng lại. Không những thế, nhờ có chứa hợp chất civetone, khoa học chứng minh nó có thể khiến các loài thú họ mèo “phát cuồng”. Chúng lăn lộn quanh mẫu nước hoa, hít thật sâu và nằm tận hưởng mùi nước hoa thật lâu.
"Dù trong đó có thành phần gì thì nó cũng làm loài mèo thích thú", một chuyên gia về mèo ở Úc trả lời phỏng vấn tờ Scientific American. "Nước hoa Obsession cứ như đưa chúng lên trên chín tầng mây."
Kế hoạch dùng nước hoa có thể được coi là ý tưởng sáng tạo hoặc thể hiện sự tuyệt vọng vì lâm vào ngõ cụt. Nhưng Ấn Độ sẽ cần một số ý tưởng mới vì lượng hổ ở nước họ ngày càng tăng lên.
Nài tượng và voi tham gia chiến dịch săn hổ ở miền Trung Ấn Độ. |
Trong thập kỷ qua, Ấn Độ đã có tới 2.500 con hổ, lượng hổ lớn nhất thế giới. Không chỉ thế, đất nước này có 1.3 tỉ người, chỉ đứng sau TQ. Một lượng lớn người và hổ đang bị ép lại với nhau trong một khu vực có diện tích có giới hạn.
Loài hổ đang tràn ra khỏi các khu bảo tồn chuyên dụng, đi lang thang quanh các khoảng rừng mỏng và các trang trại. Bao quanh chúng là các làng, đường cao tốc, các khu công nghiệp và thị trấn, hổ càng ngày càng dễ gặp người.
Đó là điều đã xảy ra với con hổ được các quan chức quản lý động vật hoang dã gọi là T-1. Nó sống trong một khu rừng bị phân mảnh gần thị trấn Pandharkawada, ở giữa Ấn Độ. Nó đã cắp đi nhiều người dân và ăn thịt họ cùng với hai con của nó.
Dân làng hoảng sợ đến mức tránh xa đồng ruộng và khóa chặt cửa vào ban đêm, điều mà trước đây họ chưa từng phải làm. Các chuyên gia về hổ ở Ấn Độ nói rằng đây là vụ hổ ăn thịt người nghiêm trọng nhất trong thời gian gần đây. Vụ án đã được đưa đến tận tòa án tối cao.
Người dân sợ hãi vì hổ ăn thịt người hoành hành. |
Tháng trước, sau một cuộc tranh cãi nảy lữa về số phận của T-1giữa các nhà chức trách và các nhà hoạt động vì động vật hoang dã, các thẩm phán của Tòa án Tối cao đã đưa ra phán quyết: các kiểm lâm viên phải cố gắng hết sức để bắt sống T-1 và chuyển nó đến trung tâm tị nạn hoặc sở thú. Chỉ khi mọi nỗ lực bắt sống thất bại mới được giết T-1.
Cuộc săn kéo dài
Mỗi buổi sáng, hàng chục nhân viên kiểm lâm và cảnh sát ra khỏi những túp lều trong khu trại, mang theo khẩu AK-47, súng gây mê, thiết bị định vị, nước và đồ ăn. Họ kiểm tra hơn 100 camera được cài đặt, tìm kiếm lông hổ và dấu vết.
Khi hoàng hôn xuống, họ trở về khu trại, người đẫm mồ hôi và kiệt sức. Báo cáo xếp chồng lên nhau trên một chiếc bàn nhựa. Câu trả lời đều giống nhau: Không phát hiện.
Trong vài tháng qua, T-1 chỉ bị nhìn thấy vài lần, chỉ trong vài giây. Các kiểm lâm đã phải hy sinh rất nhiều ngựa để dụ nó. Con hổ nhanh chóng giết chúng và ăn thịt, rồi nhanh chân biến mất. Đầu năm nay, các nhân viên kiểm lâm bắn trúng nó một lần nhưng phi tiêu không có tác dụng và nó đã kịp thời trốn thoát.
Các quan chức lâm nghiệp cho biết chiến lược bây giờ là xác định vị trí T-1 và cố gắng bắn thuốc mê nó, nhưng nếu nó ở quá xa thì một xạ thủ sẽ kết liễu nó. Sau đó họ sẽ cố gây mê hai con hổ con.
Thợ săn hàng đầu Ấn Độ cũng được thuê để săn hổ. Khan đang theo dõi con hổ. Ông hy vọng sẽ chỉ cần dùng súng gây mê còn bắn chết chỉ là phương án bất đắc dĩ.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động lo sợ rằng Khan, người nổi tiếng vì đã giết hàng trăm con vật, sẽ không để con hổ sống sót. Khan tin rằng con hổ có tội và nó giết người vì thiếu con mồi như hươu hay lợn rừng. "Con hổ có hai con 10 tháng tuổi, chúng cũng ăn thịt người", ông nói.
Cuộc săn hổ đã kéo dài nhiều tháng nhưng không thu được kết quả. |
"Việc gây mê rất khó khăn", Nawab Shafat Ali Khan, một trong những thợ săn nổi tiếng nhất Ấn Độ, người từng tiêu diệt hàng chục con voi và hổ, nói. "Nó đã biết cách thoát thân sau những lần bắt hụt. Chúng ta đã làm nó khôn lên".
Thợ săn nhận xét việc hổ ăn thịt người là bất thường. Nhưng vì khu vực xung quanh Pandharkawada ít con mồi như hươu nên hổ có thể dần trở nên thích ăn thịt người. Ông cảnh báo T-1 giờ đã biết việc giết người rất dễ dàng và nó đã "phát điên".
Cuộc săn lùng càng kéo dài thì sự chán nản và nguy hiểm ngày càng tăng. Tuần trước, một trong những con voi của đội tìm kiếm đã giật đứt xích vào giữa đêm và chạy khỏi khu trại của kiểm lâm. Con voi sáng hôm sau giết một phụ nữ và khiến một người đàn ông bị thương trước khi bị khống chế.
"Không ai cứu cô ấy", Nageshwar Chandekar, bạn của nạn nhân nói. "Mọi người đều quá sợ hãi".
"Đó là giọt nước tràn ly", A.K. Mishra, quan chức phụ trách động vật hoang dã trong khu vực, nói. "Quá nhiều mạng sống đã bị mất và cuộc săn lùng không thể kéo dài vô thời hạn".
Chiến lược hiện giờ là xác định vị trí của T-1 và cố gắng gây mê, nhưng nếu nó ở quá xa thì các tay súng sẽ kết liễu nó. Các kiểm lâm có kế hoạch phun nước hoa gần nơi lắp đặt camera nhằm thu hút T-1 đến nơi họ có thể bao vây.
"Đó là một trò chơi thử thách sự kiên nhẫn” ông Limaye, cán bộ lâm nghiệp cho biết. "Hiện tại, đến lượt chúng ta chờ đợi.”
Tòa án tối cao Ấn Độ tháng 9/2018 đã bác bỏ đơn yêu cầu ngăn chặn kiểm lâm giết một con hổ ăn thịt người tại bang Maharashtra, miền tây đất nước. Giới chức ngành kiểm lâm nói rằng con hổ phải chịu trách nhiệm vì đã tấn công và giết chết 5 người, trong khi các nhà bảo vệ động vật khẳng định nó không phải chịu trách nhiệm.
Do nạn phá rừng, hổ thường xuyên xung đột với dân làng Ấn Độ sống gần các khu bảo tồn. Số lượng hổ tại Ấn Độ vốn suy giảm trong nhiều năm đang tăng trở lại từ năm 2006 sau nhiều nỗ lực bảo tồn.
Hổ ở Ấn Độ được bảo vệ nghiêm ngặt bởi luật bảo tồn. Tuy nhiên, số lượng hổ tăng trong những năm gần đây và môi trường sống ngày càng bị thu hẹp khiến chúng có các cuộc đụng độ với con người. Ấn Độ là quê hương của 60% số lượng hổ trên thế giới. Một cuộc điều tra năm 2014 cho thấy số lượng hổ đã tăng từ 1.706 con năm 2011 lên 2.226 con, tương đương 30%.
Đây không phải lần đầu hổ bị giết vì tấn công người tại Ấn Độ. Năm 2017, một tòa án ở Maharashtra đã ra lệnh bắn chết một con hổ vì đã giết chết 4 người, dù các nhà hoạt động kêu gọi nên đưa nó tới địa điểm khác có môi trường yên tĩnh.