Chiến lược phát triển NH Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020 được duyệt

Ngày 10/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 852/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020 xác định tín dụng chính sách xã hội là giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách cơ bản và bền vững, vì vậy cần tổ chức, triển khai thực hiện tích cực và hiệu quả chính sách này.

Ngày 10/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 852/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020 xác định tín dụng chính sách xã hội là giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách cơ bản và bền vững, vì vậy cần tổ chức, triển khai thực hiện tích cực và hiệu quả chính sách này.

 

Hỗ trợ hiệu quả hơn cho người nghèo

Chiến lược cũng nêu việc nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội để thực sự là công cụ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Các chương trình phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến tín dụng chính sách xã hội được ban hành thống nhất và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện.

Mục tiêu tổng quát được xác định là: Phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước; gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Để thực hiện mục tiêu đó, các mục tiêu cụ thể đưa ra là: 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp; Dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 10%; Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 3%/tổng dư nợ; Đơn giản hóa thủ tục và tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ; Đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ; Hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, hội nhập với hệ thống ngân hàng trong khu vực và trên thế giới; Hoàn thiện, phát huy hiệu lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm tra, kiểm soát và phân tích, cảnh báo rủi ro; Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Về định hướng hoạt động, Chiến lược xác định đối tượng phục vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội là người nghèo, các đối tượng chính sách khác theo quy định của Nhà nước và các đối tượng được các tổ chức, cá nhân ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội trực tiếp cho vay; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở các vùng khó khăn. Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như: tiết kiệm; thanh toán; chuyển tiền...

Về cơ chế tài chính, nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội chủ yếu do Nhà nước cấp, do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động và nhận ủy thác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo phương châm "Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm".

Đặc biệt, mô hình hoạt động đặc trưng của Ngân hàng Chính sách xã hội hiện tại được khẳng định hiệu quả và cần tiếp tục phát huy như sau: Hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý, điều hành ở 3 cấp: Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện theo hướng tập trung sự quản lý thống nhất ở Trung ương, tinh giản các khâu trung gian và tăng cường hoạt động tại các điểm giao dịch lưu động ở xã, phường; Củng cố tổ chức, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp; Nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác tín dụng thông qua các tổ chức chính trị - xã hội với sự tham gia chỉ đạo, giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, tăng cường vai trò của chính quyền cấp xã. Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực và hiện đại hóa hoạt động bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến.

Củng cố Tổ tiết kiệm và vay vốn

Chiến lược cũng nêu 10 giải pháp lớn để thực hiện, trong đó đáng chú ý là việc củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức, cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội; hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ; nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách và chất lượng dịch vụ ủy thác; củng cố tổ chức Tổ tiết kiệm và vay vốn, bảo đảm hài hòa giữa việc tổ chức Tổ tiết kiệm và vay vốn theo tổ chức hội và theo địa bàn dân cư, tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhận dịch vụ ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội và quá trình sử dụng vốn của người vay...

Quyết định cũng phân công trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện, trong đó các Bộ, ngành, chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị, tổ chức có liên quan có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược.

PV

Đọc thêm