Chiến thắng đập tan “cánh cửa thép”, tiến về Sài Gòn

Trong các chiến dịch lớn “thu non sông về một mối”, chiến dịch Xuân Lộc là đòn tiến công của quân chủ lực vào khu vực trọng yếu trong tuyến phòng thủ Biên Hòa-Xuân Lộc-Bà Rịa-Vũng Tàu của địch. Đây là vị trí có tầm quan trọng chiến lược, được mệnh danh là “cánh cửa thép” bảo vệ “thủ phủ” của chính quyền Sài Gòn. Đối với địch, “mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”…

Trong các chiến dịch lớn “thu non sông về một mối”, chiến dịch Xuân Lộc là đòn tiến công của quân chủ lực vào khu vực trọng yếu trong tuyến phòng thủ Biên Hòa-Xuân Lộc-Bà Rịa-Vũng Tàu của địch. Đây là vị trí có tầm quan trọng chiến lược, được mệnh danh là “cánh cửa thép” bảo vệ “thủ phủ” của chính quyền Sài Gòn. Đối với địch, “mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”…

Bộ đội tiến công giải phóng sân bay Xuân Lộc
Bộ đội tiến công giải phóng sân bay Xuân Lộc

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng…” của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Miền đã quyết định mở cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc nhằm tiêu diệt lực lượng địch phòng giữ phía Đông Sài Gòn, phá âm mưu phòng ngự từ xa, phá thế phòng ngự bảo vệ Sài Gòn của địch; cắt đứt giao thông, cô lập Sài Gòn, tạo thế có lợi mở đường cho các lực lượng của Bộ, Miền và lực lượng vũ trang địa phương trên hướng Đông nhanh chóng tiến vào giải phóng Sài Gòn-Gia Định. 

Nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc được giao cho Quân đoàn 4 (thiếu Sư đoàn 9), được phối thuộc Sư đoàn bộ binh 6 (Quân khu 7), hai tiểu đoàn xe tăng, trung đoàn pháo binh và hai tiểu đoàn bộ đội địa phương, cuối chiến dịch được tăng cường Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325) và một đại đội xe tăng.

Trải qua 11 ngày đêm chiến đấu gay go, quyết liệt, với tinh thần dũng cảm, ngoan cường, ta đã đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 18, Lữ đoàn dù 1; tiêu diệt Chiến đoàn 52 (Sư đoàn 18), đánh thiệt hại Sư đoàn 5 và Lữ đoàn 3 thiết giáp, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, thu 48 ô tô, 1.499 súng các loại; phá hủy 42 xe tăng, xe thiết giáp, 16 ô tô; giải phóng thị xã Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh.

Chiến thắng Xuân Lộc đã đập tan “cánh cửa thép” ở cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở xung quanh Sài Gòn; làm suy sụp tinh thần kháng cự của binh lính quân đội Việt Nam cộng hòa; tạo ra thế và lực mới để quân và dân ta bước vào trận quyết chiến chiến lược lịch sử.

Chiến thắng Xuân Lộc đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu, góp phần phát triển nghệ thuật chiến dịch của chiến tranh cách mạng Việt Nam, trong đó có nghệ thuật phát triển thắng lợi của chiến dịch trước đối với chiến dịch sau. Chiến thắng Xuân Lộc nhìn từ góc độ giá trị tinh thần đối với quân và dân ta trước khi bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thể hiện ở trên nhiều phương diện.

Trước hết, chiến thắng Xuân Lộc đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin của quân và dân ta vào sự lãnh đạo tài tình của Đảng, thắng lợi của chiến tranh giải phóng, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; thể hiện rõ tài thao lược của Đảng ta trong chiến tranh giải phóng. Đó là quá trình tìm tòi, nghiên cứu, bám sát thực tiễn khách quan, phân tích đúng tình thế và thời cơ cách mạng, sớm phát hiện và giải quyết các vấn đề để kết thúc chiến tranh một cách đúng lúc… 

Thắng lợi của chiến dịch Xuân Lộc không những khẳng định đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng, mà còn củng cố, phát huy nhân tố chính trị-tinh thần của toàn quân, toàn dân ta tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Thứ hai, chiến thắng Xuân Lộc đã góp phần động viên cổ vũ quân và dân ta phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết tâm vượt qua mọi thử thách, kiên quyết tiến công tiêu diệt nhanh, gọn quân địch, giành toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

Thực tế cho thấy, ngay từ đầu tháng 4-1975, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đều liên tiếp có những hoạt động chính trị-quân sự tác động trực tiếp đến trạng thái tâm lý và tư tưởng của bộ đội ta. Mỹ đã lập cầu hàng không khẩn cấp chở vũ khí chi viện cho quân đội Sài Gòn. Được Mỹ hà hơi tiếp sức, chính quyền Sài Gòn đã lập phòng tuyến ngăn chặn quân ta từ xa với binh lực khá mạnh nhằm khống chế các trục đường chính dẫn vào nội đô Sài Gòn; trong đó trên hướng Đông là trung tâm đề kháng kiên cố Xuân Lộc.

Với hệ thống phòng ngự đã chốt chặn quanh Sài Gòn, cả Mỹ và Việt Nam cộng hòa đều hy vọng vào khả năng kéo dài cuộc chiến để thương lượng với ta. Đặc biệt, trong tình thế tuyệt vọng, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn được Mỹ cho phép đã sử dụng máy bay C-130 ném 2 quả bom CBU-55 (loại bom có sức hủy diệt lớn, thế giới cấm sử dụng) để ngăn chặn ta tiến công, gây cho ta nhiều thiệt hại. Nhưng hành động của chúng không những không thay đổi được tình thế mà càng làm tăng thêm ý chí căm thù giặc và củng cố thêm quyết tâm chiến đấu, không sợ hy sinh gian khổ của quân và dân ta.

Chiến thắng Xuân Lộc đã cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta thi đua giết giặc lập công, thực hiện đột kích dũng mãnh, thọc sâu táo bạo, giáng đòn quyết định vào sào huyệt cuối cùng của địch. Trên khắp mọi miền của đất nước, từ nông thôn đến thành thị, từ biên giới đến hải đảo, từ hậu phương đến chiến trường, đều khẩn trương dốc lòng, dốc sức người, sức của cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Thứ ba, chiến thắng Xuân Lộc đã làm cho “hy vọng” cuối cùng của đế quốc Mỹ cứu chính quyền Sài Gòn trở nên tuyệt vọng; trạng thái chính trị-tinh thần, tâm lý của quân đội Sài Gòn nhanh chóng sụp đổ, tạo điều kiện cho chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi.  Trong hồi ký "Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng", Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết: "Chiến thắng Xuân Lộc làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn, làm cho tinh thần quân địch càng thêm suy sụp. Tin chiến thắng đã làm nức lòng nhân dân cả nước"… 

Đối với chính quyền và quân đội Sài Gòn, “sự kiện Xuân Lộc” đã tạo ra áp lực mạnh mẽ, làm cho nội bộ vốn đã lục đục nay càng lục đục và suy yếu thêm. Trước áp lực của tình hình và sức ép của người Mỹ, sáng ngày 21/4/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu buộc phải tuyên bố từ chức. Thắng lợi của chiến dịch Xuân Lộc là đòn quyết định đánh sập toàn bộ ý chí kháng cự của địch và làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ xung quanh Sài Gòn. Mặc dù sau chiến dịch Xuân Lộc, quân số và vũ khí trang bị của địch còn tương đối mạnh; nhưng tinh thần chiến đấu thì đã suy sụp hoàn toàn nên không thể chống đỡ nổi cuộc tổng công kích mạnh như vũ bão của quân và dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

Chiến thắng Xuân Lộc đã đi vào lịch sử, những bài học kinh nghiệm và giá trị tinh thần của nó vẫn còn nguyên vẹn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Hiện nay, đất nước ta đang hoà bình, tập trung cho phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, song các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu “diễn biến hoà bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.

Trước tình hình đó, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN và những thành quả của chiến thắng Xuân Lộc nói riêng, của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 và của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc nói chung mà chúng ta đã phải đổ biết bao xương máu mới có được, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn Quân ta phải thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, xây dựng nhân tố chính trị-tinh thần, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Trong xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại cần đặc biệt coi trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, nâng cao hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị, bảo đảm cho Quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, là lực lượng chính trị tin cậy, công cụ bạo lực chủ yếu trong bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(Trích ghi tham luận nhân kỷ niệm 37 năm chiến thắng Xuân Lộc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước)

Ngô Xuân Lịch - Thượng tướng, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN

Đọc thêm