Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Bài học về đoàn kết quốc tế và đối ngoại quốc phòng

(PLVN) - Chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP) là bản hùng ca bất hủ, mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử trong thế kỷ 20; có giá trị lịch sử sâu sắc và mang tầm vóc thời đại to lớn, để lại những bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó, bài học về đoàn kết quốc tế, có thể rút ra nhiều ý nghĩa trong công tác đối ngoại quốc phòng hiện nay.
Ngày 20/7/1954, đại diện các bên ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 20/7/1954, đại diện các bên ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Bài học về đoàn kết quốc tế

Trên phương diện quốc tế, Chiến dịch ĐBP có ý nghĩa rất lớn lao, đi vào lịch sử nhân loại, bởi đây là lần đầu tiên quân đội một nước từng là thuộc địa ở châu Á đánh bại đội quân hiện đại tối tân của một cường quốc châu Âu, được hỗ trợ bởi đế quốc Mỹ trong một chiến dịch quân sự lớn.

Kết cục chiến dịch này được xem là một thảm họa bất ngờ với thực dân Pháp, cũng là một đòn giáng mạnh với thế giới phương Tây; đánh bại âm mưu duy trì chế độ thuộc địa ở Đông Dương của Pháp, buộc Pháp phải đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đúng như đánh giá của nhà báo, nhà sử học phương Tây Giuyn Roi: “Điện Biên Phủ là nỗi kinh hoàng khủng khiếp, là nỗi thất bại lớn nhất của phương Tây, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ và sự cáo chung của một nền cộng hòa Pháp”.

GS. TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng ĐBP đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó, bài học về đoàn kết quốc tế là một trong những bài học quan trọng và nổi bật.

Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật đi Trung Quốc và Liên Xô, tìm cách khai thông mở đường phát triển cho cách mạng Việt Nam, tạo lập hậu phương quốc tế cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Nhờ nỗ lực bền bỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà năm 1950, Liên Xô, Trung Quốc đã chính thức công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta. Các nước XHCN anh em ở Đông Âu cũng lần lượt công nhận nước ta.

Trong thời gian chuẩn bị Chiến dịch ĐBP, các cố vấn, chuyên gia Trung Quốc đã cùng ta xem xét, đánh giá tình hình, thảo luận các phương án tác chiến. Sự chi viện, giúp đỡ Việt Nam của Liên Xô hết sức to lớn, toàn diện cả vật chất lẫn tinh thần. Việc nuôi dưỡng nguồn lực đáp ứng yêu cầu cao của chiến trường, việc đào tạo cán bộ chuẩn bị cho xây dựng đất nước sau chiến tranh mà Việt Nam đề xuất được bạn giúp đỡ tận tình, chu đáo, hết lòng, thấm nhuần chủ nghĩa quốc tế cao cả.

Đặc biệt, cần nhấn mạnh đoàn kết quốc tế trong Chiến dịch ĐBP; biểu hiện trực tiếp nhất, quan trọng nhất và hiệu quả lớn lao nhất, đó là tinh thần đoàn kết chiến đấu của Việt Nam - Campuchia - Lào, cùng trên chiến trường Đông Dương, đánh địch cùng một phương hướng chiến lược.

Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, triển khai trên cả 3 chiến trường, tạo tiền đề cho quân dân ta giành thắng lợi vang dội ở ĐBP. Cùng với thắng lợi to lớn ở Thượng Lào, Trung - Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, thắng lợi của ta ở ĐBP buộc thực dân Pháp phải chịu thua, chấm dứt chiến tranh xâm lược trên cả 3 nước. Đó là thắng lợi chung của cả 3 dân tộc anh em, cùng chung chiến hào, cùng chia sẻ ngọt bùi, “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, “giúp bạn là tự giúp mình”, tạo ra hình mẫu của đoàn kết quốc tế chống thực dân xâm lược, vì độc lập, tự do, vì sự nghiệp cách mạng chung.

Đánh giá về giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại của Chiến thắng ĐBP, PGS. TS M.Victoria (Viện Hàn lâm khoa học Ukraine) khẳng định: “Chiến thắng ĐBP là một mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Sự kiện này không chỉ giúp Việt Nam thoát khỏi áp bức của thực dân Pháp mà còn mở ra con đường để giành độc lập cho cả Đông Dương và các nước thuộc địa ở châu Phi”.

Ý nghĩa trong công tác đối ngoại quốc phòng hiện nay

Toàn cảnh Hội nghị Geneva về Đông Dương tại Thụy Sĩ (1954). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Toàn cảnh Hội nghị Geneva về Đông Dương tại Thụy Sĩ (1954).

(Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Một ngày sau Chiến thắng ĐBP, Hội nghị Geneva bàn về vấn đề Đông Dương chính thức khai mạc. Ngày 21/7/1954, Pháp và các nước tham gia Hội nghị đã ký Hiệp định Geneva đình chiến, lập lại hòa bình cho 3 nước Đông Dương: Việt Nam, Lào và Campuchia.

Lần đầu tiên, Chính phủ Pháp và mỗi nước tham gia Hội nghị Geneva cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Các bên tham chiến ngừng bắn, lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương, thực hiện tập kết, chuyển quân theo khu vực và thời gian quy định. Việt Nam sẽ thống nhất đất nước bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do vào tháng 7/1956 dưới sự kiểm soát của một Ủy ban quốc tế.

Theo Đại tá, PGS. TS Hoàng Văn Phai, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và Nhân văn quân sự (Học viện Chính trị), Chiến thắng ĐBP từ góc nhìn sức mạnh của đoàn kết quốc tế, có thể rút ra nhiều ý nghĩa trong công tác đối ngoại quốc phòng ở nước ta hiện nay.

Về lý luận, những quan điểm, tư tưởng về sức mạnh của đoàn kết quốc tế trong Chiến thắng ĐBP tiếp tục được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta phát huy trong tình hình mới. Trong đó, công tác đối ngoại quốc phòng tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung và phát triển những nội dung mới phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước, khu vực và quốc tế.

Sức mạnh của đoàn kết quốc tế trong Chiến thắng ĐBP tiếp tục được phát huy trong thực tiễn bằng những hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả của công tác đối ngoại quốc phòng. Trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau thì quốc phòng, an ninh của Việt Nam không thể tách rời của khu vực và thế giới.

Trước tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần phải có cách nhìn biện chứng về đối tượng, đối tác; trong mỗi đối tượng vẫn có mặt cần tranh thủ, hợp tác và trong mỗi đối tác vẫn có những mặt mâu thuẫn phải đấu tranh. Do đó, công tác đối ngoại quốc phòng trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng...

Mở rộng và nâng cao hiệu quả các mối quan hệ quốc phòng song phương, tích cực tham gia vào những hoạt động hợp tác quốc phòng đa phương, nhất là với các nước láng giềng, những đối tác quan trọng theo hướng đi vào thực chất và đem lại hiệu quả thiết thực. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp góp phần thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, tranh thủ hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

Đánh giá về tác động to lớn của Chiến thắng ĐBP với việc đàm phán và ký Hiệp định Geneva, PGS. TS người Mỹ C.Lentz đã nhấn mạnh: “Trận ĐBP đã làm thay đổi thế giới. Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh bại thực dân Pháp. Chiến thắng góp phần khích lệ củng cố vị thế Việt Nam trong các cuộc đàm phán ngoại giao, ký kết Hiệp định Geneva chấm dứt 8 năm chiến tranh, giải tán Liên bang Đông Dương và thừa nhận chế độ Cộng hòa dân chủ ở miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 17”.

Đọc thêm