Minh chứng cho dự đoán thiên tài
Cuối năm 1972, trong tình thế thất bại ở cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, bất chấp sự phản đối của dư luận trong nước và quốc tế, ngày 18/12/1972, đế quốc Mỹ đã phá vỡ đàm phán tại Paris và mở chiến dịch mang mật danh “Linebacker II” đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số địa bàn lân cận.
Trước đó, từ giữa năm 1966, thực hiện chỉ thị của Bác Hồ “Máy bay B-52 Mỹ đã ném bom miền Bắc, phải tìm ra cách đánh cho được B-52. Nhiệm vụ này Bác giao cho các chú PK-KQ”. Theo lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, Quân chủng PK-KQ đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị PK-KQ vào chiến đấu ở chiến trường Khu IV để bảo vệ tuyến giao thông chiến lược và có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là nghiên cứu cách đánh máy bay B-52.
Lực lượng không quân sau nhiều lần rút kinh nghiệm, các phi công ta đã phát hiện được mục tiêu trong nhiễu, tổng hợp được quy luật hoạt động của B-52, xây dựng phương án tác chiến, nghiên cứu cách đánh và huấn luyện cho một số phi công chuyên đánh B-52. Tháng 10/1972, Quân chủng tổ chức Hội nghị bàn về cách đánh B-52. Các binh chủng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phương án đánh B-52. Tiếp đó, Quân chủng đã xây dựng kế hoạch tác chiến bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng được Bộ Tổng Tham mưu phê duyệt.
Trong chiến dịch, lực lượng PK-KQ đã xây dựng thế trận vững chắc, tập trung đánh máy bay B-52. Thế trận của chiến dịch lấy lực lượng tên lửa phòng không làm nòng cốt, tập trung đánh đối tượng chủ yếu là máy bay B-52, bố trí bảo đảm đánh địch tập trung, từ xa đến gần, đánh địch cả khi bay vào và bay ra. Lực lượng không quân đánh địch từ xa, phá vỡ đội hình tiến công của địch. Lực lượng pháo phòng không đánh máy bay chiến thuật, bảo vệ đội hình của tên lửa phòng không, bảo vệ sân bay. Thế trận chiến dịch được tạo ra đã liên kết được sức mạnh của các lực lượng tham gia, tạo nên sự hiểm hóc của thế trận chiến dịch. Mặc dù địch sử dụng rất nhiều thủ đoạn khác nhau nhưng đều bị vô hiệu hóa. Các lực lượng hỏa lực tên lửa phòng không, pháo phòng không, không quân tiêm kích đều phát huy sức mạnh bắn rơi B-52.
Bắn rơi “siêu pháo đài bay” B-52 ngay từ trận đầu
Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 12/1972, thành phố Hà Nội đã đưa gần 500 nghìn người dân và 1.200 cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện sơ tán ra khỏi nội thành, duy trì tốt chế độ trực ban, trực chiến, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm để bảo vệ vững chắc Thủ đô Hà Nội. “Ta đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho chiến dịch phòng không và tạo lập thế trận phòng không ba thứ quân vững chắc, đánh địch rộng khắp, trong đó lực lượng PK-KQ làm lực lượng nòng cốt” - Trung tướng Vũ Văn Kha, quyền Tư lệnh Quân chủng PK-KQ cho hay.
Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, trong 12 ngày đêm của chiến dịch, lực lượng vũ trang Thủ đô đã hiệp đồng chặt chẽ, kiên cường bám trận địa, tổ chức chiến đấu rộng khắp, linh hoạt, tạo lưới lửa phòng không tầm thấp dày đặc, chi viện, phối hợp cùng các đơn vị PK-KQ tiêu diệt máy bay địch ngay trên bầu trời Hà Nội, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng, đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam.
Ngay từ trận đầu ra quân, đêm 18/12/1972, bộ đội ta đã bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay” B-52, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong những trận đánh sau đó. Trong 12 ngày đêm, “vòng cung lửa” Hà Nội đã sát cánh cùng các địa phương bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52; bắt sống và tiêu diệt hàng trăm phi công Mỹ. Trong đó, quân và dân Thủ đô đã bắn rơi 30 máy bay Mỹ, bao gồm 23 chiếc B-52, góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Thất bại trên bầu trời Hà Nội, buộc đế quốc Mỹ phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng, ngừng ném bom từ Vĩ tuyến 20 trở ra và ngày 27/1/1973 ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam; mở ra thời cơ cho ta giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc.
Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc phải hứng chịu hơn 80 nghìn tấn bom đạn tàn phá, hủy diệt của đế quốc Mỹ. Đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lượt máy bay B-52, cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 10 nghìn tấn bom hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc ở Hà Nội; trong đó phá sập 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người. Sự tàn phá khủng khiếp của bom đạn trút xuống khu phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, khu tập thể An Dương, Ga Yên Viên, xã Uy Nỗ… mãi là những ký ức đau thương, bằng chứng về tội ác của đế quốc Mỹ.