|
Với nhiều NĐT, khi trading, phân tích kỹ thuật là yếu tố quyết định hành động
Sau giai đoạn thăng hoa trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua năm 2022 nhiều biến động. Chỉ số VN-Index từ đỉnh cao mọi thời đại là 1.536 điểm vào đầu năm đã giảm tới 40% xuống dưới mốc 900 điểm vào ngày 16/11/2022. Sau đó, thị trường đã tăng trở lại mốc 1.000 điểm, nhưng đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm, chỉ số VN-Index vẫn giảm tới 518,49 điểm, tương ứng giảm gần 34% so với thời điểm đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên của năm tại 1.525,58 điểm (ngày 4/1/2022). Còn so với cuối năm 2021, VN-Index giảm gần 32,8%.
Cùng chỉ số chung lao dốc, thị trường cũng chứng kiến đa số nhà đầu tư rơi vào trạng thái bị âm vốn. Theo ước tính của các chuyên gia phân tích, có tới hơn 90% nhà đầu tư đã thua lỗ trong năm 2022.
Trong đó, các quỹ đầu tư ngoại cũng không tránh khỏi cơn lốc từ thị trường. Theo một thống kê, tại thời điểm 27/12/2022, một số quỹ ngoại ghi nhận tỷ suất lợi nhuận âm cao như JPMorgan Vietnam Opportunities âm 38%; quỹ ngoại lớn nhất thị trường VEIL - Dragon Capital âm 34,6%; Pyn Elite Fund âm 28,9%; VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) âm 20,83%; VLGF - SSIAM âm 18,14%…
Tuy nhiên, vẫn có nhiều lý do để nhà đầu tư “sống sót” trên thị trường chứng khoán và có thể kiếm được lợi nhuận trong giai đoạn đầy bất ổn này. Lê Trang - một trong những nhà đầu tư cá nhân ngược dòng thị trường thành công đã có những chia sẻ 3 nguyên tắc trong cuộc hành trình chiến thắng thị trường.
Nắm chắc kỹ thuật
Hiện nay, nhà đầu tư chứng khoán đang áp dụng một số phương pháp đầu tư phổ biến như dựa vào phân tích cơ bản (sức khỏe và uy tín của doanh nghiệp), dựa vào phân tích kỹ thuật (dòng tiền) hoặc dựa vào cảm giác của nhà đầu tư hay tư vấn của chuyên gia phân tích, môi giới...
“Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam phụ thuộc vào dòng tiền nhiều hơn là yếu tố cơ bản, do đó muốn trải nghiệm thị trường thực sự thì nhà đầu tư cần phải hiểu kỹ thuật để nắm được nguyên tắc điểm bán, điểm mua, cũng như những biến động liên tục của thị trường”, chị Trang nói và nhấn mạnh thêm, kiến thức phân tích cơ bản đa phần phục vụ nhà đầu tư dài hạn, còn với phương pháp trading (đầu tư ngắn hạn kiếm lời nhanh) chỉ thành công khi nắm chắc kỹ thuật.
Với 10 năm kinh nghiệm, chị Trang chưa bao giờ tìm kiếm cơ hội đầu tư dài hạn trên thị trường chứng khoán, không nghe bất kỳ lời khuyên đầu tư dài hạn nào từ chuyên gia chứng khoán. Chị nói rằng, trading mới phản ánh đúng bản chất của thị trường cổ phiếu vì nó tạo thanh khoản, nếu đa phần nhà đầu tư mua cổ phiếu rồi đóng tài khoản vài năm mới mở ra chốt lời thì công ty chứng khoán sống bằng gì và thanh khoản ở đâu ra? Đây là lý do xác định phân tích kỹ thuật là yếu tố quyết định hành động và trading là mục tiêu lớn nhất trong đầu tư.
Nói thêm về cách thức đầu tư của bản thân, chị Trang cho biết, do dựa chủ yếu vào phân tích kỹ thuật nên không đặt giới hạn cắt lỗ khi cổ phiếu giảm 7-8% như lý thuyết cơ bản, mà kiên trì phương pháp mua rải mỗi lần 1/5 lượng cổ phiếu định mua, nếu cổ phiếu chạm vùng có thể là đáy thì bắt đầu “cưa chân bàn” (trung bình giá xuống). Tuy nhiên, trading luôn mang đến những cú thót tim nên bản thân nhà đầu tư phải xác định chốt lời nhanh, hoặc sẵn sàng bỏ chạy khi thị trường “trở mặt”.
Tránh FOMO
Nguyên tắc khi trading thì “tiền mặt là vua”, bảo toàn tài sản trước rồi mới nghĩ đến kiếm lời.
FOMO là hội chứng mà rất nhiều nhà đầu tư cá nhân mắc phải, nhất là nhà đầu tư mới. Chính tâm lý sợ bị bỏ lại phía sau, nếu không mua thì mất cơ hội kiếm lời, không bán thì mất cơ hội cắt lỗ khiến nhiều người bỏ qua các cảnh báo rủi ro mà lao vào mua đỉnh, bán đáy.
Chị Trang đã chia sẻ 3 điều cần làm để bỏ được thói quen FOMO. Thứ nhất là xác định từ đầu mức kỳ vọng hợp lý và khẩu vị rủi ro của mình. Nguyên tắc này giúp nhà đầu tư xác định giới hạn để chốt lời hoặc cắt lỗ một cách kỷ luật để không lãng phí thời gian và dao động tâm lý, đồng thời đánh mất cơ hội từ những cổ phiếu khác.
Thứ hai là cẩn trọng trước những lời khuyên hoặc hô hào. Những người hô hào trong các room hoặc hội nhóm đa phần có động cơ kinh tế, còn việc phím hàng của môi giới có thể dẫn đến việc một số mã rơi vào vùng quá mua và trở nên “ì ạch” do bị ôm hàng quá nhiều, sẽ chậm tăng giá.
Thứ ba là nếu chưa chắc chắn thì hãy tìm kiếm một broker để hỏi ý kiến trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Việc này có thể giúp bạn suy nghĩ thấu đáo hơn.
Trên thị trường chứng khoán luôn có những “đội lái” và thực tế đã chứng minh những nhà đầu tư non kiến thức, thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật và lại FOMO thì rất dễ bị thua lỗ lớn.
Giữ NAV trước, kiếm lời sau
Nguyên tắc khi trading của chị Lê Trang là “tiền mặt là vua”, bảo toàn tài sản trước rồi mới nghĩ đến kiếm lời.
Vào thời điểm đầu quý II/2022, khi VN-Index giảm về vùng 1.300 - 1.400 điểm, đa phần các chuyên gia chứng khoán vẫn dự đoán chỉ số về cuối năm sẽ đạt 1.600 - 1.800 điểm, nhưng với kinh nghiệm đầu tư lâu năm và phân tích các biến cố của thị trường sẽ tác động đến dòng tiền, chị Trang đã bán toàn bộ danh mục để rút tiền về.
Sau đó, nhà đầu tư cá nhân này đã duy trì danh mục luôn có 30-50% tiền mặt trong suốt nửa cuối năm và kiên trì chiến lược giải ngân mỗi nhịp điều chỉnh với tỷ lệ 1/5 lượng định mua và tăng dần lên.
“Trong đầu tư chứng khoán, phải luôn giữ một tỷ lệ tiền mặt nhất định, hạn chế ‘all in’, nhất là trong giai đoạn downtrend vì giai đoạn này thị trường hay có những cú sập bất ngờ. Chỉ dốc tiền mua duy nhất một cổ phiếu khi dấu hiệu uptrend đã rõ ràng”, chị Trang nhấn mạnh.
Ngoài ra, trên thị trường chứng khoán luôn có những “đội lái” với những chiêu “làm xiếc” cổ phiếu, như sẵn sàng kéo sàn từ 5-10 phiên liên tục, tạo biến động mạnh với nhịp tăng nhanh, giảm nhanh khiến nhà đầu tư không kịp trở tay, hoặc làm cho cổ phiếu đi ngang cả tháng trong biên độ hẹp để khiến nhà đầu tư mất kiên nhẫn và rớt hàng. Trong những trường hợp này, không chỉ cần nắm được kỹ thuật, tránh FOMO, mà cần phải có tiền mặt dồi dào để có thể tham gia bắt đáy mỗi lần thị trường rơi hoặc chờ cơ hội trung bình giá.
Hoàng Yến (ghi)