Trong chiến dịch vận động tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gay gắt chỉ trích Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ và hứa hẹn sẽ trở nên cứng rắn với nước này trong vấn đề thương mại. Tuy nhiên, sau khi đắc cử, ông Trump đã đổi giọng, tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Bắc Kinh để cải thiện quan hệ kinh tế giữa 2 nước. Ông cũng đã gạt các cuộc điều tra có khả năng khiêu khích sang 1 bên.
Theo ông Louis Kuijs - nhà kinh tế học về châu Á của công ty tư vấn Oxford Economics, dù đưa ra những ngôn ngữ mạnh bạo nhưng chính quyền Mỹ dưới thời ông Trump đã hạn chế đáng kể việc sử dụng các biện pháp tiết giảm hàng hóa nhập từ Trung Quốc.
Song, các chuyên gia dự đoán mọi việc sẽ trở nên không mấy dễ chịu trong năm 2018. Họ cho rằng sự kiên nhẫn của ông Trump dường như đang cạn kiệt, đặc biệt là với ý tưởng cắt giảm một số dịch vụ thương mại với Trung Quốc với hy vọng Bắc Kinh sẽ gây áp lực lên Triều Tiên nhằm cắt giảm chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Theo hướng đó, ông Trump và các nhân sự phụ trách thương mại của ông trong vài tháng tới dự kiến sẽ công bố kết quả một số cuộc điều tra lớn về các vấn đề như thép và quyền sở hữu trí tuệ. Các kết quả này có thể dẫn đến việc đánh thuế đối với một số hàng hóa Trung Quốc. “Tôi nghĩ cuộc chiến thương mại sẽ xảy ra ngay trong nửa đầu năm 2018 và nó có thể mở rộng ra thành một cuộc xung đột nghiêm trọng có thể đe dọa các yếu tố khác trong mối quan hệ Mỹ - Trung”, ông Scott Kennedy - Giám đốc Dự án Kinh doanh và Kinh tế Chính trị Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế - nhận định.
Nhận định trên được đưa ra sau khi các cuộc đàm phán thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vốn được khởi động sau cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Florida vào tháng 4 vừa qua sụp đổ mà không đạt được kết quả ý nghĩa nào. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ khi công bố chiến lược an ninh quốc gia hồi tuần trước xếp Trung Quốc vào diện đối thủ, “đang tìm cách làm xói mòn nền an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ”, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh có những hành vi thương mại không lành mạnh.
Bà Mireya Solis - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách Đông Á thuộc Viện Brookings – cũng cho rằng những tranh cãi liên quan đến vấn đề thương mại Mỹ - Trung sẽ trở nên nóng bỏng trong những tháng tới. Bên cạnh đó, bà Solis còn nhấn mạnh rằng, không giống như sự cạnh tranh kinh tế giữa Mỹ và Nhật trong những năm 1980, Mỹ và Trung Quốc không phải là các đồng minh bị ràng buộc bởi một quan hệ đối tác quốc phòng. Do đó, dù giữa 2 nước có quan hệ kinh tế sâu sắc nhưng sự thiếu vắng một liên minh rộng hơn có thể khiến “mối đe dọa về sự leo thang” căng thẳng thương mại giữa 2 nước lớn hơn nhiều.
Các chuyên gia cho rằng ông Trump đã từ bỏ một công cụ quan trọng có thể giúp gây ảnh hưởng tới Trung Quốc trong vấn đề thương mại khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Một TPP thành công sẽ tạo ra động lực cho Trung Quốc cải tổ. Bây giờ, chúng ta đã mất công cụ đó và chính quyền đang nói về những hành động khắc nghiệt. Điều đó có thể sẽ không những không làm thay đổi hành vi của Trung Quốc mà còn có nguy cơ gây tổn hại tới cả hai nền kinh tế”, ông David Dollar - một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Brookings – nhận định. Việc ông Trump bác bỏ những cách tiếp cận đa quốc gia khác trong vấn đề thương mại cũng được cho là càng khiến việc nỗ lực gây áp lực lên Trung Quốc trở nên khó khăn hơn vì không nhận được sự ủng hộ của các nước.