'Chiến tranh thương mại' Mỹ - Trung tác động gì đến Việt Nam?

(PLO) - Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, “chiến tranh thương mại” (CTTM) Mỹ  - Trung sẽ là đòn bẩy để kinh tế Việt Nam bật lên. Đặc biệt có chuyên gia đánh giá, đây là thời cơ để Việt Nam chuyển đổi năng lực sản xuất. 
Ý kiến chuyên gia cho rằng dệt may cần tận dụng thời cơ hiện nay để gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Ý kiến chuyên gia cho rằng dệt may cần tận dụng thời cơ hiện nay để gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Xuất khẩu vào Mỹ vẫn tăng ổn định

Thời gian gần đây, Mỹ đã từng công bố sẽ áp mức thuế 25% lên 1.300 mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu (XK) vào Mỹ. Tuy nhiên, theo công bố mới nhất, Mỹ sẽ chỉ áp thuế lên 1.102 mặt hàng nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc, có trị giá khoảng 50 tỷ USD. 

Chiếm phần lớn trong danh sách các mặt hàng bị áp thuế 25% là các mặt hàng như hàng không, công nghệ cùng máy móc như nam châm điện dùng trong máy chụp cộng hưởng điện từ (MRI) và sản phẩm, linh kiện máy bay, các loại máy được sử dụng để sản xuất và gia công hàng may mặc hay thực phẩm… Các mặt hàng còn lại bao gồm hóa chất, trang thiết bị y tế, sản phẩm giáo dục như chữ nổi cho người mù.

So với dự kiến ban đầu, Mỹ đã gạt một số hàng Trung Quốc NK phục vụ tiêu dùng như điện thoại và tivi ra khỏi danh sách chịu thuế bổ sung, chỉ tập trung vào những lĩnh vực như không gian, công nghệ, robot và máy móc. Đây chính là một lý do khiến nhiều chuyên gia kinh tế nhận định CTTM Mỹ- Trung sẽ chưa thể có tác động đến kinh tế Việt Nam. 

Câu chuyện lo ngại hàng hoá Trung Quốc xuất sang nước thứ 3 (ví như Việt Nam) để xuất đi Mỹ cũng đã được tính đến vì đây là phương thức mà nhiều nước áp dụng. Nhưng theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, vấn đề này cũng không gây trở ngại cho hàng hoá Việt Nam vì các mặt hàng Việt Nam xuất mạnh sang Mỹ chủ yếu tập trung vào dệt may, da giày - những mặt hàng chưa nằm trong danh mục áp thuế 25% của Mỹ lên hàng hoá Trung Quốc.

Bà Phạm Quỳnh Lợi, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho rằng, với các số liệu thống kê về các mặt hàng XK sang Mỹ cho thấy tình hình XK vẫn giữ ổn định, thặng dư thương mại sang Mỹ tăng cao. Bà Lợi cũng dự báo, tình hình thương mại  Mỹ - Trung chưa thể ảnh hưởng đến XK của Việt Nam. 

Cơ hội chuẩn bị nguồn nguyên liệu sản xuất

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, CTTM Mỹ - Trung là cơ hội để Việt Nam bật lên, chuẩn bị để nâng cao sức sản xuất cho những mặt hàng XK có thế mạnh vào Mỹ như dệt may, da giày. Ông Hiển phân tích, hiện nay, trong các mặt hàng đánh thuế cao của Mỹ vào hàng XK Trung Quốc chưa có dệt may, da giày nhưng Việt Nam vẫn phải chuẩn bị cho tình huống Mỹ có thể đánh thuế bất kể mặt hàng nào đó, sau khi cân nhắc. 

Do đó, thời điểm này là thời cơ thuận lợi để Việt Nam gia tăng giá trị của ngành hàng dệt may, da giày. Theo ông Hiển, Việt Nam cần phải chủ động về nguyên liệu sản xuất để đảm bảo kim ngạch XK dệt may tăng đều sau từng năm. Ba năm gần đây, giá trị thương mại XK dệt may đều tăng rất tích cực, không chỉ vào thị trường Mỹ mà còn vào châu Âu. Sắp tới còn “đón” các thị trường CPTPP (Hiệp định  Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). 

“Đã đến lúc Việt Nam cần nghĩ đến chuyện đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu cho dệt may. Thị trường CPTPP cũng rất hấp dẫn, chúng ta nên chủ động nguồn nguyên phụ liệu, không nên cứ trông chờ vào việc NK nguyên phụ liệu, bởi cũng sẽ đến lúc các quốc gia xem xét đến tỷ lệ nội địa hoá trong mỗi mặt hàng Việt Nam xuất đi”, ông Hiển nói. 

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đã từng đề cập đến việc thép Việt Nam đang bị Mỹ “điều tra chống lẩn tránh thuế”. Ông Sưa cho biết, mặt hàng thép không nằm trong diện bị Mỹ áp thuế 25% nhưng nếu Mỹ kết thúc điều tra và tuyên bố đánh thuế chống lẩn tránh thuế với thép Việt thì con số % bị đánh thuế cũng có thể lên đến 25%. 

Nhưng ông Sưa khẳng định, không có vấn đề gì với thép Việt Nam, bởi hiện công suất sản xuất thép, đặc biệt là thép cán nguội (mặt hàng chủ yếu xuất sang Mỹ) đang gấp 10 lần số lượng có thể XK đi Mỹ. Vấn đề chính là DN Việt cần phải chủ động ở tất cả các khâu, từ nguyên, vật liệu đến sản xuất để đảm bảo mặt hàng “Made in Vietnam” khi xuất đi. 

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 21,6 tỷ USD, tăng 9,66% so với cùng kỳ 2017. Mỹ là thị trường đạt cao nhất, chiếm 18,9% tỷ trọng trong tổng kim ngạch XK của cả nước.

Trong số hàng hóa XK sang thị trường Mỹ có 6 nhóm hàng đạt trên 1 tỷ USD, trong đó dệt may 6,3 tỷ USD, giày dép 2,7 tỷ USD. Tiếp đến là điện thoại và linh kiện, gỗ và sản phẩm, máy móc thiết bị dụng cụ. Đáng chú ý, nhóm hàng dầu thô xuất sang Mỹ thời gian này tăng đột biến, gấp 4 lần so với cùng kỳ. 

Bên cạnh đó nhóm hàng xơ sợi dệt cũng có tốc độ tăng mạnh, gấp 1,03 lần, đạt 21 triệu USD. Ngoài ra, 2 nhóm mặt hàng khác cũng có tốc độ tăng khá là nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 80,19% với trị giá 21,1 triệu USD) và sắt thép tăng 83,53% với trị giá 375,6 triệu USD.

Đọc thêm