Chiều cao người Việt vẫn tăng chậm so với thế giới

(PLVN) - Theo một số liệu công bố mới đây, đàn ông Việt Nam cao trung bình 162,1 cm, phụ nữ cao trung bình 152,2 cm, thấp hơn nhiều so với các quốc gia châu Á khác.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Theo Tạp chí Dân số thế giới, người Hàn Quốc chiều cao trung bình 170,7 cm với nam và 157,4 cm với nữ. Người Trung Quốc cao trung bình nam và nữ lần lượt là 169 cm và 158 cm. Chỉ số này ở Nhật Bản là 172 cm nam và 158 cm nữ. Người Campuchia cao hơn người Việt Nam, với chiều cao trung bình nam giới 162,5 cm.

Người Việt chỉ cao hơn người Indonesia (158 cm), Philippines (161,9 cm) và Bolivia (160 cm).

Trả lời báo chí, Giáo sư Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia, nhìn nhận chiều cao người Việt tăng chậm hơn so với các nước, tuy nhiên đang có xu hướng tăng nhanh và hứa hẹn các thế hệ sau sẽ tiếp tục tăng.

Theo số liệu Tổng điều tra và giám sát Dinh dưỡng, năm 1975, chiều cao trung bình thanh niên Việt Nam là 160 cm ở nam giới và 150 cm ở nữ giới. So sánh số liệu năm 1875 và năm 1937 với số liệu năm 1975, chiều cao người Việt Nam không thay đổi gì trong suốt thời gian này.

Năm 2000, chiều cao nam thanh niên là 162,3 cm và nữ là 152,4 cm (tăng 2,2 cm trong 25 năm). Năm 2000 đến năm 2016, chiều cao trung bình của nam là 164,4 cm và nữ 153,4 cm (tăng 2,1 cm ở nam trong 16 năm).

Tính riêng ở các thành phố lớn thì nam giới cao 167,4 cm và nữ 154,7 cm, người ở vùng nông thôn chiều cao thấp hơn với nam 164,1 cm và nữ 153,2 cm.  Năm 2000, chiều cao trẻ trai 5 tuổi ở Việt Nam là 100,6 cm thì năm 2010 là 109,9 cm.

Một chuyên gia Viện Dinh dưỡng quốc gia đánh giá mức độ tăng trưởng chiều cao của người Việt đang tăng nhanh hơn, song vẫn thấp hơn nhiều so với chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của nhiều nước châu Á.  

Một chuyên gia cho rằng người Việt hiện lùn thứ 4 thế giới là hệ quả của việc thiếu vận động, coi nhẹ thể dục thể thao ở độ tuổi thanh thiếu niên. Có ý kiến cho rằng còn có nguyên nhân phụ nữ lấy chồng sớm, đẻ sớm khi chiều cao người mẹ chưa phát triển hết tầm. Các cặp vợ chồng kết hôn sớm, đẻ dày, nhiều nên không nuôi thai tốt được. Việt Nam đã khắc phục tốt tỷ lệ suy dinh dưỡng bình thường nhưng tỷ lệ thấp còi vẫn không giảm.

Tổ chức Y tế Thế giới công nhận chiều cao đạt được lúc 3 tuổi sẽ quyết định chiều cao khi trưởng thành. Vì vậy giúp trẻ em tăng chiều cao từ nhỏ rất quan trọng để thúc đẩy chiều cao người trưởng thành. 

Năm 2011, Việt Nam đã có đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Đề án xây dựng các chỉ số sinh học và tiêu chí, tiêu chuẩn phát triển thể lực, tầm vóc, đề xuất khả năng can thiệp cải thiện thể lực, tầm vóc như đảm bảo dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến 18 tuổi, phát triển thể lực, tầm vóc bằng cách tăng giáo dục thể chất đối với học sinh 3-18 tuổi...  

Năm 2016 Chính phủ phê duyệt chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và tiểu học. Hàng triệu trẻ em tại nhiều tỉnh, thành đã được uống sữa miễn phí.

Năm 2018, Bộ Y tế phát động phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng và triển khai Chỉ thị của Thủ tướng về công tác dinh dưỡng. Bộ Y tế phối hợp các Bộ, ngành nghiên cứu, ban hành các chính sách liên quan đến dinh dưỡng và hoạt động thể lực, khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, chăm sóc dinh dưỡng trẻ trong 1.000 ngày đầu đời. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025 là tăng chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi, với nam đạt 167 cm, nữ 156 cm. Năm 2030 chiều cao người Việt dự kiến tăng thêm 4 cm.

 

Đọc thêm