Chiều đông Hà Giang

(PLO) -Buổi sáng nhận xe máy ở thành phố Hà Giang, trời mưa rả rích, nhiệt độ chỉ 6 độ C, tôi co người trong mấy lớp quần áo, phủ áo mưa lên 2 cái ba lô. Rẽ theo hướng Bắc Mê, đến km 31, rẽ trái theo hướng Du Già, tôi bắt đầu thấm thía như thế nào gọi là đường "con gái không nên đi"...
Chiều đông trên cao nguyên đá
Chiều đông trên cao nguyên đá

Đường đang làm dang dở, đá hộc, đá dăm và đất nhão trộn lẫn vào nhau, phải ghì chặt tay lái và cực kì tập trung mới mong không “đo đường”. 

Đến Mậu Duệ đã quá trưa, ghé vào bên đường, dựng xe, lên barrier ăn bánh mì, xúc xích. Sẵn cái loa mini cầm theo, tôi mở mấy bài nhạc, nghêu ngao hát, tưởng như giữa đất trời chỉ còn một mình. 

Trở lại cực Bắc

Lần trước đi Hà Giang 3 ngày mưa đủ 3 ngày, lần này may có nắng lên. Càng về chiều, trời càng trở lạnh, mặc cho nắng chiều vẫn nhảy nhót trên những mái nhà, phủ một màu vàng óng lên đá đen. Hai tay tôi bắt đầu tê cóng.

Tới Đồng Văn khi trời đã tắt nắng, nhiệt độ hạ xuống còn 4 độ C, hai bàn tay tôi hoàn toàn mất cảm giác, phải ngồi nắn bóp một lúc mới cảm thấy nhói nhói như kim châm. Ăn uống xong định bụng đi ngủ luôn, nghỉ tắm vì trời quá lạnh, nhưng mà nhìn lại từ đầu đến chân toàn bùn đất từ cơn mưa ban sáng, đành cắn răng chui vào nhà tắm xối nước. 

Hôm sau thức dậy, mở điện thoại ra xem thấy báo 2 độ C, hình như là lạnh hơn cả ngồi trong tủ lạnh, đấu tranh tinh thần một hồi mới chui ra khỏi chăn: “Mình đi du lịch, không phải đi ngủ”! Bữa sáng là món bánh cuốn đã ăn lần trước, thật ra tôi không thích lắm, nhưng không hiểu sao không ăn không chịu được. Bánh cuốn được dọn kèm nước dùng và chả, khá lạ miệng.

No bụng rồi lại leo lên xe, chạy ngược về hướng Sủng Là. Đi ngang dinh Nhà Vương, tôi định không ghé nhưng cuối cùng cũng rẽ xe vào lúc nào không hay. Thực ra, thứ níu chân tôi lại chốn này không phải kiến trúc, không phải đào mận bên mái ngói âm dương, mà chính là hai hàng sa mộc vươn thẳng lên bầu trời trên đường vào dinh. Những thân cây cao, sừng sững, cứ sắc nhọn đâm vào cao xanh.

Rời khỏi Dinh Nhà Vương, tôi tiếp tục đi vào Phố Bảng. Lần trước, đến Phố Bảng là do lạc đường, lần này là chủ động quay lại. 

Tôi mê Phố Bảng hơn cả Đồng Văn. Cũng những ngôi nhà cổ, nhưng ở đây yên tĩnh hơn, cả thị trấn như đang say ngủ trong sự lãng quên. Chỉ cách biên giới vài bước chân, điều khiến tôi nhất quyết quay lại Phố Bảng không phải là thị trấn cổ kính này, mà là con đường dẫn ra cửa khẩu Phố Bảng. Lần trước, tôi đã ngồi trên con đèo nhỏ hàng giờ khi trời bắt đầu ngả về chiều. 

Lại một lần nữa, tôi trèo lên barrier, im lặng ngắm cả thung lũng, thâu hết vào tầm mắt, cố gắng khắc ghi, chẳng biết bao lâu nữa mới lại có dịp quay lại đây.

Chia tay Phố Bảng trong quyến luyến, khi đã quá trưa, tôi lại quay ra, ào vào lòng thung lũng Sủng Là, nhiều thứ đã khác, nhiều thứ đã thay đổi. Tôi không ghé vào nhà Pao nữa, sợ làn khói xanh vương trên mái ngói âm dương vào một chiều lạnh quay quắt tan mất.

Vội vã chạy khỏi Sủng Là, sợ những kí ức của buổi chiều đông cách đây 3 tháng bị nhấn chìm bởi thực tế, tôi quay lại con đường vào Lũng Cú. Một lần nữa, tay lái của tôi bị thử thách, khi phải đi qua một đoạn đường đang làm, đá hộc lởm chởm.

Trở về Đồng Văn khi trời đã chập choạng, tôi lại quay lại cánh đồng làng Nghiến, để xe bên vệ đường, đi thẳng xuống ruộng. Trèo xuống một bờ đá nhỏ, đi bộ một đoạn, tôi bật một bài hát du dương và đắm mình trong sắc vàng rực rỡ.

Không biết đã bao nhiêu lần, trên những chuyến độc hành, tôi có cảm giác mình là cô gái may mắn nhất thế gian. Hoàng hôn dần đổ bóng trên cánh đồng, những dãy núi sắc nhọn giờ chỉ còn những bóng đen, sừng sững in hình dáng khổng lồ lên nền trời.

Ngôi nhà nằm co mình trong hàng rào đá
Ngôi nhà nằm co mình trong hàng rào đá

Đang đắm mình trong cái lạnh, anh bạn tên Nghĩa, chủ một quán café gọi cho tôi, anh đã giúp tôi thuê xe và tìm homestay (ở trọ tại một nhà dân), chúng tôi đã hẹn, đến Đồng Văn sẽ hội ngộ.

Về đến nhà sau một ngày mệt nhoài, tôi được đãi một bữa lẩu bò gà nóng hổi, lại thêm vài chén rượu ngô cay nồng, cảm tưởng mọi mệt mỏi đều tan biến, chỉ còn lại những tiếng trò chuyện rôm rả. Bắc, Trung, Nam đều đang tụ về đây, nơi cực Bắc Tổ Quốc thiêng liêng.

Mê hoặc cao nguyên đá

Sau một giấc ngủ say, tôi dậy sớm để đi chợ phiên. Lần trước, đến Đồng Văn vào chiều chủ nhật, tôi đã bỏ lỡ phiên chợ này. Tôi có cảm giác như cả Hà Giang đều đổ về đây, từng đoàn người nô nức trên đường, áo quần sặc sỡ. Chợ phiên cái gì cũng bán, từ mớ rau, củ cải cho đến quần áo, trâu bò lợn gà, và cả chó con.

Người dân ai cũng diện lên mình những chiếc áo đẹp nhất, sặc sỡ nhất. Những chiếc răng vàng lấp lánh sau mỗi nụ cười tươi. Nhưng tôi ấn tượng nhất, có lẽ là hình ảnh những đứa trẻ theo mẹ xuống chợ, gương mặt lấm lem cứ ngơ ngác.

Rời chợ phiên Đồng Văn, một lần nữa, tôi vượt Mã Pì Lèng. Vẫn cung đường quanh co, tuy không còn dày đặc sương mù như lần trước tôi đến, những vẫn mang vẻ u tịch như thế. Hay đó chỉ là cảm giác của kẻ độc hành? Ven đường, những hàng đào phai vẫn khoe sắc trong nắng, làm lòng tôi thoáng chút rộn rã.

Tôi dừng chân tại một khúc quanh, ngắm nhìn bà con trong những bộ quần áo sặc sỡ nhất, hối hả đến cho kịp phiên chợ. Đâu đó trên những sườn núi, những người phụ nữ vẫn đang miệt mài giành giật với đá từng khoảnh đất hiếm hoi để gieo ngô.

Tôi đi tiếp qua những cung đường uốn lượn, về hướng Mèo Vạc. Đá, đá, và đá. Những ngọn núi đá đen sừng sững nối tiếp nhau, vươn thẳng lên bầu trời. Có sống cả đời ở đây chắc cũng không thể nào đi qua hết những cái sắc nhọn ấy.

Ở cao nguyên này, đi đâu cũng chỉ thấy toàn đá là đá, nước còn quý hơn cả vàng. Tôi từng đi qua nhiều vùng đồi núi, thi thoảng vẫn bắt gặp những con suối trong vắt rỉ ra từ vách đá, còn xứ cao nguyên này, tuyệt nhiên không hề thấy. Những bản làng xen giữa đá, nương ngô xen giữa đá, ruộng cải cũng lách đá mà vươn lên. 

Trở lại Mèo Vạc, con đường quen thuộc mở ra trước mắt, một trong những chặng hiếm hoi chạy giữa khe núi, không phải đường dốc, quanh co hiểm trở, có thể thư thái chạy, vừa thong thả cho đôi mắt dạo chơi.

Lần trước, đến Mèo Vạc trong một chiều đông giá rét, trèo lên đài quan sát, thu trọn cả thị trấn trong tầm mắt, rồi ngồi vắt vẻo trên con đèo dẫn đi Khau Vai, cảm giác "thèm người" lên đến đỉnh điểm. Lúc đó có đến mấy ngày tôi chưa nói chuyện với ai quá hai câu, đành lấy điện thoại ra, gọi cho chị... chủ khách sạn, nơi cho tôi thuê xe máy. 

Lần này, tôi không ghé lại đó nữa mà đi thẳng về Mậu Duệ, Yên Minh. Đường này lần trước tôi chưa đi. Không hiểu sao, hai lần, mỗi lần 3 ngày lang thang khắp cao nguyên đá, tôi vẫn cứ bị đá mê hoặc.

Khi tôi đến cung chữ M nổi tiếng, có một phụ nữa đứng tuổi và một cô bé ngồi sẵn, họ chờ được tôi chụp hình, để lấy vài chục ngàn tiền làm mẫu. Tôi cũng chụp, nhưng ảnh đấy tôi cất kĩ.

Còn nhớ lần trước, chạy từ Lũng Cú về Đồng Văn, qua Ma Lé, mấy đứa trẻ con chạy cắt ngang đầu xe tôi xin xúc xích, qua Mã Pì Lèng, cũng bị như vậy, nhưng là xin tiền. Lần đó, tôi lạc tay lái suýt ngã, nhưng lo nhất là lỡ thắng không kịp sẽ tông trúng tụi nhỏ. 

Lòng tôi nặng trĩu trong suốt chặng đường còn lại, nhưng có biết làm sao bây giờ? Càng về gần Mậu Duệ, cảm giác nhớ nhung, tiếc nuối càng dâng trào. Tôi chưa muốn xa Hà Giang. 

Tôi ngồi lại bên dòng sông Miện, níu kéo cuộc hành trình đang đi vào chặng cuối. Lần đầu tiên đến đây, con sông xanh biếc này đã trở thành bạn đồng hành của tôi trong suốt một chặng đường dài.

Ngồi giữa thung lũng Cán Tỷ, chào hỏi người bạn cũ, tôi hình dung ra khung cảnh đã được một người miêu tả cho:

Đó là một đêm trăng sáng, cả con đường sáng lên dưới ánh trăng, dòng sông cũng khoác một lớp áo bạc, nằm ngửa ra giữa đường mà ngắm trăng, mà nghe gió thổi qua từng nương ngô xào xạc. Trời ngả dần về chiều, tôi lại tiếp tục hành trình về Quản Bạ, nắng đã chiếu xiên trên những con đèo rập rờn lau trắng.

Hành trình Hà Giang lần hai của tôi kết thúc như vậy, vẫn đẹp, vẫn bình an. Thỉnh thoảng, tôi vẫn thấy người này người kia chia sẻ những chuyến hành trình đầy kịch tính, nào là ngã, nào là hỏng xe, lạc đường, gặp trắc trở đủ đường, nhưng vẫn trở về bình an.

Cuộc sống yên bình
Cuộc sống yên bình 

Riêng tôi, tôi chỉ mong, hành trình của mình cứ bình bình như thế, không cao trào, không yếu tố bất ngờ. Chỉ đơn giản, một ngày, di chuyển từ nơi này đến nơi kia, nghỉ trưa dọc đường và ngủ đêm ở một nơi ấm. 

Đọc thêm