Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 7h ngày 4/1 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 73,05 USD/thùng, tăng 0,35 USD/thùng tương đương tăng 0,48%; trong khi đó, giá dầu thô Brent giao ở mức 78,25 USD/thùng, tăng 2,36 USD/thùng tương đương tăng 3,11%.
Giá dầu đã tăng vọt trên 3% do sự gián đoạn tại mỏ dầu hàng đầu của Libya, làm gia tăng lo ngại căng thẳng ở Trung Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu.
Theo Reuters, tại Libya, một thành viên của OPEC, các cuộc biểu tình đã buộc mỏ dầu Sharara với công suất 300.000 thùng/ngày phải tạm dừng hoạt động.
OPEC cho biết hợp tác và đối thoại trong liên minh sản xuất dầu OPEC+ sẽ tiếp tục sau tuyên bố rời nhóm hồi tháng trước của Angola
OPEC+ dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 1/2 để xem xét việc thực hiện cắt giảm sản lượng dầu mới nhất.
Báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ (API) ngày 3/1 cho thấy tồn kho dầu thô ở Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 29/12/2023 đã giảm tới 7,418 triệu thùng, gấp hơn 2,5 lần so với mức dự đoán giảm 2,967 triệu thùng của các nhà phân tích. Cũng theo API, tồn kho xăng tăng 6,913 triệu thùng và tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 6,686 triệu thùng.
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các loại xăng dầu sáng nay như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.186 đồng/lít; Xăng RON 95-III không quá 22.148 đồng/lít; Dầu diesel không quá 19.788 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 20.457 đồng/lít; Dầu mazut không quá 15.685 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên sẽ được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương vào chiều nay.
Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước, giá xăng dầu trong nước chiều nay có thể giảm nhẹ. Cụ thể, nếu liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập quỹ bình ổn, giá xăng có thể giữ nguyên hoặc giảm khoảng 100 đồng/lít, còn giá dầu dự báo giảm 300 - 400 đồng/lít,kg.
Tính từ đầu năm, giá xăng đã trải qua 38 lần điều chỉnh giá, với 21 lần tăng, 13 lần giảm, 3 lần giữ nguyên và 1 lần tăng - giảm trái chiều.