“Chìm xuồng” một vụ án oan

Gia đình và Triệu Đức Việt đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan pháp luật kêu oan, xin được điều tra, xem xét để giải oan nhưng con đường đến với chân lý hầu như vô vọng, vụ án đang có dấu hiệu bị “chìm xuồng”...

Về vụ án này, trong năm 2010 Báo PLVN đã có nhiều bài phản ánh nêu rõ dấu hiệu oan sai vì không đủ chứng cứ buộc tội bị cáo Triệu Đức Việt. Mặc dù vậy, Việt vẫn bị kết tội 30 năm tù.

Gia đình và Triệu Đức Việt đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan pháp luật kêu oan, xin được điều tra, xem xét để giải oan nhưng con đường đến với chân lý hầu như vô vọng, vụ án đang có dấu hiệu bị “chìm xuồng”...

Làm ăn ngay thẳng, bị vào tù

Vốn là người làm dịch vụ thu gom hàng nông sản, hoa quả khô rồi liên kết với các công ty có chức năng xuất nhập khẩu, trong đó có Công ty Ong Trung ương, Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản và Xây dựng Hà Nội để xuất bán hàng qua cửa khẩu sang Trung Quốc, Triệu Đức Việt chỉ là một nông dân làm thuê không có tư cách pháp nhân để làm hoàn thuế đã bị gán cho tội danh “Chiếm đoạt tài sản nhà nước qua hoàn thuế” do “hàng khống”.

Còn với tội danh “Cưỡng đoạt tài sản công dân”, Việt bị khép tội với lý do khi các xe hàng qua Trạm 401, Việt và đồng bọn đã chặn lại ép phải vào nhờ làm dịch vụ vận chuyển áp tải hàng lên cửa khẩu. Điều mâu thuẫn là cơ quan điều tra mới chỉ thu thập được một phần, trong khi lượng hàng do Việt chuyên chở đã gấp nhiều lần mà các bản án của tội danh trên nói là “hàng khống”.

Với hai tội danh nêu trên, Việt phải chịu mức án 30 năm tù, và đã thụ án tại Trại giam Nam Hà từ ngày 22/12/2009 cho dù trước sau từ hai điều tra đến xét xử, Việt đều khẳng định mình vô tội.

Để chứng minh tính pháp lý trong quy trình mua bán là người thật, hàng thật, Việt đã giao nộp đầy đủ giấy tờ, bản kê thu mua hàng của người sản xuất với đầy đủ tên, địa chỉ, số lượng hàng và cả những chứng cứ vận chuyển, lưu thông, số lượng hàng hóa thu mua trực tiếp của người sản xuất đến nơi tập kết hàng thể hiện qua hợp đồng vận chuyển, chủ phương tiện và thủ tục hải quan.

Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đã cử người về điều tra cơ sở sản xuất của tổ hợp, chứng kiến hàng trăm người đang làm việc tại các lò sấy nông sản và cũng đã xác định được một phần lượng hàng nông sản do Chu Văn Thắng - người được giao làm thủ tục hải quan và dẫn hàng qua biên giới sang Trung Quốc (tất cả giấy tờ xác minh đã giao nộp cho cảnh sát điều tra để chuyển sang Tòa án). Đó là chưa kể Việt đã phải gọi tới hàng trăm cuộc điện thoại cho các lái xe đã chở hàng cho mình để khẳng định sự việc là: “Người thật, hàng thật!”.

Không quá khó để xác minh thật, giả nhưng đáng tiếc quá trình xét xử đã bỏ qua các chứng cứ trên mà nhất nhất căn cứ vào kết luận điều tra, cáo trạng để buộc tội Triệu Đức Việt.

Không có bị hại, vẫn kết tội cưỡng đoạt

Mặc dù không có người tố cáo, không có người bị hại, Việt vẫn bị Tòa phán xét là “cưỡng đoạt tài sản công dân”. Tại Tòa, những nhân chứng được mời đến để chứng minh việc Việt “cưỡng đoạt tài sản” đều khẳng định có đưa hàng đến Trạm 401 nhờ làm dịch vụ vận chuyển hàng là do tự nguyện, không hề bị ai ép buộc dù nếu nhận là bị hại, họ sẽ được tiền bồi thường. “Nếu quý Tòa cứ thu tiền của anh Việt trả cho tôi  thì tôi nhận và trả ngay lại cho anh Việt vì đây là công sức, mồ hôi của anh ấy” - “bị hại” Chu Văn Đức trình bày tại phiên tòa.

Đằng sau vụ án này có những uẩn khúc khó có thể lý giải, phải chăng là do liên quan đến vụ án này, một số doanh nghiệp có tư cách pháp nhân đã làm ăn gian dối để chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước, tội phạm bị bỏ lọt hoặc Tòa nương nhẹ cho ai đó?

Hồ sơ vụ án còn có những sai lệch “tiền hậu bất nhất” trong các văn bản của Cơ quan CSĐT, cáo trạng của VKSND tỉnh Hà Nam. Đơn cử, ban đầu cơ quan tố tụng buộc tội Việt cưỡng đoạt tài sản công dân với số tiền khổng lồ 20 tỷ đồng.

Trong quá trình xét xử, số tiền này rút dần xuống còn 123 triệu đồng, rồi không có ai nhận là bị cưỡng đoạt. Khi vụ án được đưa ra xét xử, ban đầu có 6 bị can bị quy là phạm tội nguy hiểm, cuối cùng chỉ còn lại một mình Việt bị kết tội. Tòa phúc thẩm đã bác kháng cáo của Việt nhưng lại tuyên phạt Việt về tội danh này giảm từ 7 năm xuống còn 5 năm tù. Phải chăng những việc làm đó để hợp thức hóa sai phạm của cơ quan tố tụng?

Công lý bao giờ sáng tỏ?

Gần 5 năm qua, gia đình Triệu Đức Việt đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan pháp luật kêu oan đề nghị được điều tra, xem xét lại trên cơ sở bằng chứng Việt đã cung cấp và thực tế diễn biến tại các phiên tòa, nhưng đến nay sự việc vẫn rơi vào im lặng, đơn chuyển từ cơ quan này đến cơ quan khác rồi được trả lời một cách chiếu lệ, thậm chí sai lệch. Cũng trong thời gian qua, Báo PLVN cùng nhiều tờ báo và chương trình “Tiêu điểm” của Đài Truyền hình Việt Nam đã phản ánh về vụ án này, nhưng đến nay công lý vẫn chưa được làm sáng tỏ. Phạm nhân Triệu Đức Việt và gia đình vẫn mòn mỏi hy vọng ở “đèn trời” với một bản án giám đốc thẩm giải oan cho Việt, dẫu muộn.

Thành Nam

Đọc thêm