Chính Libya đưa ra lệnh bắt bin Laden đầu tiên?

Để chứng tỏ mình là một đồng minh trong cuộc chiến chống lại al-Qaeda, Libya mới nhắc nhở Mỹ rằng chính chế độ của ông Muammar Gaddafi chứ không phải bất kỳ ai ở Washington, là thể chế đầu tiên đưa ra lệnh bắt đối với Osama bin Laden.

Để chứng tỏ mình là một đồng minh trong cuộc chiến chống lại al-Qaeda, Libya mới nhắc nhở Mỹ rằng chính chế độ của ông Muammar Gaddafi chứ không phải bất kỳ ai ở Washington, là thể chế đầu tiên đưa ra lệnh bắt đối với Osama bin Laden.
 
Lệnh bắt này, với sự chấp thuận của Interpol, được đưa ra sau khi hai điệp viên chống khủng bố người Đức bị bắn hạ ở thành phố Sirte của Libya vào năm 1994, một vụ tấn công mà chính phủ ở Tripoli quy trách nhiệm cho Nhóm Kháng chiến Hồi giáo Libya, một tổ chức dân quân có quan hệ với al-Qaeda.
 
Năm tháng sau lệnh bắt kể trên, al-Qaeda tiến hành các vụ đánh bom đồng thời vào sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania, làm hơn 200 người thiệt mạng.
 
“Khi đó người ta không chịu nghe chúng tôi, vì chẳng có ai lắng nghe Libya cả," một quan chức cấp cao chính phủ Libya phát biểu giấu tên, được tờ Washington Post dẫn lời.

Quan điểm cho rằng chế độ Gaddafi sử dụng các cuộc tấn công khủng bố đối với các quốc gia phương Tây, cũng như việc nước này dính líu đến vụ đánh bom hộp đêm ở Berlin năm 1986 và nổ máy bay của hãng Pan Am trên bầu trời Lockerbie, Scotland, năm 1988, đã biến họ thành quốc gia thù địch và khiến Tổng thống Mỹ Ronald Reagan gọi nhà lãnh đạo Gaddafi bằng biệt hiệu chẳng đẹp đẽ gì.
 
Theo cựu nhân viên tình báo Anh David Shayler, 8 năm sau vụ Lockerbie, Nhóm Kháng chiến Hồi giáo Libya với sự hậu thuẫn của cơ quan MI6 (Anh) đã lên kế hoạch hạ sát ông Gaddafi vào năm 1996.
 
Sau nhiều năm bị LHQ trừng phạt, chính quyền Gaddafi dần dần hàn gắn mối quan hệ với phương Tây. Chính phủ của ông thậm chí trở thành một đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố của Tổng thống George W. Bush sau khi Tripoli loại bỏ chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt vào năm 2003 và quan hệ ngoại giao được khôi phục. Đó là điều mà Libya thường nêu lên với các nhà báo nước ngoài ở Tripoli, khi các quan chức mô tả về lực lượng phiến quân mà họ đang chiến đấu chống lại là do al-Qaeda cầm đầu và cho rằng Mỹ đang ủng hộ sai đối tượng.

36 giờ trước khi biệt kích Mỹ tấn công khu nhà của bin Laden ở Pakistan, NATO bắn rocket vào ngôi nhà của gia đình Gaddafi tại Tripoli, giết chết người con trai út cùng ba người cháu của ông, và chính phủ Libya coi đây là một âm mưu rõ ràng nhằm ám sát nhà lãnh đạo của họ.
 
Thực tế này khiến Libya lâm vào tình thế ngoại giao khá oái oăm - không biết nên hoan nghênh Mỹ vì đã loại bỏ được kẻ thù chung hay chỉ trích Tổng thống Barack Obama vì đã thực thi âm mưu ám sát chính trị.
 
Tại một cuộc họp báo hôm 4/5, Thứ trưởng Ngoại giao Khaled Kaim ban đầu né tránh câu hỏi và cố tách bạch hai sự kiện.
 
“Bin Laden không phải là nguyên thủ quốc gia và đó là lý do tại sao có sự khác biệt. Ông ta không phải người đứng đầu một tổ chức chính trị hoặc một chính đảng. Khi chúng tôi nêu ra định nghĩa 'ám sát chính trị' thì nên thận trọng đánh giá xem bin Laden có phải là một nhân vật chính trị hay không," ông nói.

“Chính sách của chính phủ Libya là không nhằm vào cá nhân một lãnh đạo để đạt được mục tiêu chính trị. Nhưng xin nhắc lại, Libya là nạn nhân đầu tiên của al-Qaeda... và Libya đã rất hợp tác để triệt phá al-Qaeda.”
 
Trước đó, Bộ ngoại giao Libya nhắc lại cáo buộc rằng al-Qaeda ngày càng dính líu sâu vào phía phiên quân trong cuộc xung đột ở nước này.
 
“Chắc chắn không thể đạt được việc đánh bại al-Qaeda như là một tổ chức và một hệ tư tưởng bằng chính sách mà Mỹ, Anh và Pháp đang theo đuổi ở Libya và các nơi khác trên thế giới", Libya từng nói trong một tuyên bố sau vụ biệt kích Mỹ hạ sát bin Laden.

Theo TTXVN

Đọc thêm