Tại phiên họp, Chính phủ sẽ tập trung thảo luận, đánh giá kỹ tình hình kinh tế-xã hội 10 tháng năm 2020; kết quả thực hiện Nghị quyết số 01, 02; tình hình thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Chính phủ cũng sẽ xem xét, thảo luận về đề nghị xây dựng dự thảo Luật sửa đổi Luật Thống kê, chính sách thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng khi tài trợ máy trợ thở trong phòng, chống dịch COVID-19; báo cáo thực hiện Nghị quyết số 17 về Chính phủ điện tử, báo cáo kết quả hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng và một số nhiệm vụ quan trọng khác.
Đặc biệt, Chính phủ sẽ xem xét việc khắc phục hậu quả của bão lũ ở miền Trung từ đầu tháng 10 đến nay. Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, ,ưa lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân.
Theo thống kê sơ bộ (đến ngày 26/10/2020), trong tháng 10, thiên tai đã làm 153 người chết, mất tích; 222 người bị thương hàng, 112 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng… Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng là 2.700 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có sự cải thiện hơn so với tháng các trước khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, đến nay gần 60 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước đã bước tăng trưởng khá.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2020 cùng mức tăng 0,09% so với tháng trước và so với tháng 12 năm trước - đều là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 10 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa là một điểm sáng với mức xuất siêu kỷ lục, trên 18,7 tỷ USD. Nông nghiệp tiếp tục giữ ổn định thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Giá cả nông sản cơ bản ổn định; an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm.
Sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2020; đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Thương mại dịch vụ trong tháng 10 tiếp tục xu hướng tăng (tháng 10 tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước).
Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 10/2020 khởi sắc so với tháng trước. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 10/2020 tăng 18,4% so với tháng 9/2020, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,4%. Tính chung 10 tháng năm 2020, cả nước có gần 111,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,3 tỷ đồng, tăng 14,4%.
Trong 10 tháng có gần 85,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 41,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 58,7%; gần 30,3 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 12,4%; 13,5 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1%. Trung bình mỗi tháng có 8,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10 ước tính đạt 52.000 tỷ đồng, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 10 tháng năm 2020 có 107 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 314,5 triệu USD; có 28 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 163,8 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 10 tháng đạt 478,3 triệu USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương. Trong tháng 10/2020, thương mại trong nước tiếp tục xu hướng tăng với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước; vận tải tăng 2,9% về lượng hành khách vận chuyển và 3,7% về lượng hàng hóa vận chuyển; khách quốc tế đến nước ta tăng 7,6% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam chưa mở cửa du lịch quốc tế.