Trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội tờ trình về Kế hoạch Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
Tờ trình của Chính phủ nhận định: Quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 theo 4 định hướng nêu trên đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, đồng thời vẫn tồn tại một số hạn chế như:
Mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn ở mức thấp và chậm được cải thiện; Môi trường vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc; Thực hiện 3 trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế chưa đạt được mục tiêu đề ra; Thực hiện tái cơ cấu các ngành kinh tế chưa tạo ra được sự thay đổi tích cực đủ lớn trong cơ cấu kinh tế giữa các ngành, nội ngành; Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tiến triển chậm so với yêu cầu hội nhập và thích nghi với biến đổi khí hậu; Tái cơ cấu công nghiệp và dịch vụ chưa thay đổi cơ bản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Chưa tăng được giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh quốc tế của sản phẩm công nghiệp....
"Bắt bênh" của những tồn tại trong quá trình tái cơ cấu giai đoạn 2011 - 2015,Chính phủ nhận định:
Các tồn tại nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trực tiếp và gián tiếp. Về các nguyên nhân chủ quan và trực tiếp, bao gồm các nguyên nhân chính như sau:
- Chậm đổi mới thể chế huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Khu vực kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng quá lớn so với thông lệ phổ biến của kinh tế thị trường, nhưng hiệu quả sử dụng nguồn lực nói chung và hiệu quả kinh doanh nói riêng còn thấp. Còn có sự chia cắt theo địa giới hành chính về không gian kinh tế, đặc biệt sự chia cắt theo địa giới hành chính về đầu tư hạ tầng, khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, thu chi ngân sách và phát triển nguồn nhân lực. Quy mô chi tiêu của nhà nước còn lớn, chưa được kiểm soát một cách hữu hiệu, liên tục tăng nhanh và có nguy cơ vượt quá năng lực hiện tại của nền kinh tế, hạn chế tiềm năng đầu tư phát triển của đất nước.
- Tổ chức thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế còn thiếu hiệu lực và đồng bộ. Quá trình tổ chức thực hiện tái cơ cấu kinh tế còn thiếu hiệu lực, phân tán, chưa có sự điều phối và giám sát đủ mạnh từ trung ương đến địa phương. Một số lĩnh vực và đề án tái cơ cấu chưa có các mục tiêu lượng hóa cụ thể để thực hiện và giám sát thực hiện.
- Tái cơ cấu nền kinh tế chưa gắn kết với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nhập kinh tế quốc tế chưa tạo ra được sức ép đủ lớn để đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế trong nước. Khu vực doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập.
- Năng lực bộ máy hành chính quản lý nhà nước về kinh tế còn hạn chế, chưa phù hợp với yêu cầu cao của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Thể chế quản lý nhà nước chưa nhận biết kịp thời và đầy đủ các vấn đề và thách thức đối với nền kinh tế để đưa ra những phản ứng chính sách kịp thời và hiệu quả, hoặc không thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách tốt đã được ban hành.
- Vai trò giám sát các tổ chức chính trị - xã hội và người dân đối với tái cơ cấu nền kinh tế còn chưa được phát huy đầy đủ. Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình liên quan tới tái cơ cấu nền kinh tế còn chưa cao. Vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội và người dân đối với Nhà nước và thị trường còn yếu, chưa được phát huy đầy đủ.
Các nội dung tái cơ cấu trọng tâm giai đoạn 2016 - 2020:
- Nội dung trọng tâm 1: Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài.
- Nội dung trọng tâm 2: Tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách nhà nước và khu vực dịch vụ sự nghiệp công.
- Nội dung trọng tâm 3: Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán.
- Nội dung trọng tâm 4: Hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
- Nội dung trọng tâm 5: Tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.