Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam hôm qua cho biết, Chính phủ đánh giá, trong 5 tháng đầu năm, tình hình kinh tế đã có những kết quả tích cực, đúng hướng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức…
|
Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP khẳng định phải đầu tư thêm đường dây 500KV hòa lưới điện sau sự cố mất điện hy hữu vừa xảy ra trên toàn miền Nam. Trong ảnh: Hiện trường vụ xe cẩu gây rã lưới điện. |
Đưa các chính sách vào thực tiễn
Trước tình hình phát triển kinh tế - xã hội và dự báo về những khó khăn, Chính phủ xác định “vẫn kiên định mục tiêu lớn đã đề ra là tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo tăng trưởng hợp lý”.
Chính phủ cũng nhận định, “các chính sách, chủ trương đã được ban hành, vấn đề bây giờ là việc tổ chức thực hiện. Hiện nay, một số chính sách lớn chậm được triển khai vào thực tiễn” nên Thủ tướng Chính phủ kêu gọi chính quyền địa phương tích cực triển khai để các chính sách đến được với những người thụ hưởng.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam một lần nữa nhấn mạnh: “Dù đạt kết quả nhưng Chính phủ không chủ quan và “không tô hồng” vấn đề vì nền kinh tế, đời sống của nhân dân còn khó khăn, tái cơ cấu không quyết liệt hơn để chững lại sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và tổ chức nền kinh tế trong giai đoạn tới. Chính phủ mong muốn nhân dân “đồng tâm hiệp lực” thi đua sản xuất, tiết kiệm, phòng chống lãng phí”.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng lưu ý, “dù bất kỳ nguy cơ hay cảnh báo nào về thiểu phát hay tái lạm phát thì Chính phủ đều nghiên cứu, không chủ quan”.
Trước ý kiến của một số Đại biểu Quốc hội về sự không thống nhất giữa số liệu trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo của các Bộ, ngành cũng như một số đánh giá cho rằng “Báo cáo của Chính phủ quá “bình yên” khi lòng dân đang nhiều lo lắng”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định, “Chính phủ luôn báo cáo trung thực với Quốc hội, Trung ương.
Số liệu của báo cáo Chính phủ được tổng hợp từ số liệu thống kê Nhà nước (lấy và phân tích theo qui định pháp luật) và được xây dựng trên cơ sở báo cáo của các Bộ, ngành. Nếu có sự mâu thuẫn với các báo cáo của Bộ, ngành, Chính phủ sẽ xem xét, điều chỉnh trên tinh thần cầu thị”.
Đang nỗ lực tìm nguồn vốn cho các công trình quan trọng
Làm rõ về tiến độ hai công trình giao thông quan trọng là Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 đi qua Tây Nguyên), Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, hiện có nhiều công trình quan trọng, yêu cầu phải được thực hiện cấp bách, hoàn thành sớm với những yêu cầu rõ ràng, trong đó 2 công trình trên.
Tuy nhiên, trong điều kiện tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên tổng số ngân sách nhà nước được Quốc hội duyệt cho năm 2013 giảm nhiều so với trước đây, nhưng không thể nâng mức phí giao thông quá cao để hoàn vốn nhanh cho các công trình giao thông được xã hội hóa nên ở Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 một số đoạn Nhà nước phải đầu tư toàn bộ.
Mặc dù năm 2012, Quốc hội đã cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ để thực hiện các công trình này (cũng là nợ công) và Bộ GTVT cũng đã thực hiện chuẩn bị phát hành trái phiếu này. Song khi tính toán thấy trái phiếu DN phát hành chưa phù hợp vào thời điểm còn khó khó khăn nên từ kỳ họp tháng 4 và 5, Chính phủ đã nghe báo cáo và đồng ý phương án báo cáo Quốc hội cho Chính phủ phát hành trái phiếu Chính phủ thay thế trái phiếu DN do Chính phủ bảo lãnh để thực hiện các dự án trên QL 1A và QL 14.
Bộ trưởng cho biết thêm: “Chính phủ cũng đang cố gắng tìm nhiều nguồn vốn để hoàn thành nhiều công trình quan trọng như bệnh viện, hồ thủy lợi… trong nhiệm kỳ này”.
Trước thực trạng một số DN xin lùi thời hạn cổ phần hóa, Bộ trưởng Chủ nhiệm cho biết, “với điều kiện khó khăn hiện nay, thực hiện cổ phần hóa phải linh hoạt. Đối với nhiều DN, nếu cứ “áp” điều kiện và tiến độ cổ phần hóa cứng nhắc sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu “không để thát thoát tài sản của nhà nước” khi cổ phần hóa. Ngược lại, có một số DN dù “bán cổ phiếu không được giá” thì vẫn phải bán để tránh “càng để càng lỗ”.
Đặc biệt, với sự cố mất điện ở 21 tỉnh miền Nam, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định: “Chính phủ đã chỉ đạo tức thì và yêu cầu Bộ Công thương nghiêm túc xem xét lại mọi mặt để xác định nguyên nhân, trách nhiệm của ngành, cấp liên quan, nhất là đối với việc thường xuyên kiểm tra thực hiện qui định pháp luật về bảo đảm an toàn các công trình, trong đó có hành lang lưới điện và xem xét các vấn đề để không xảy ra sự cố tương tự”.
Theo Bộ trưởng, một phần nguyên nhân của sự cố còn vì lý do kỹ thuật. Trong điều kiện đất nước chạy dài, mạng lưới điện chằng chịt nhưng mới có mấy mạch 500kv dẫn điện vào, Chính phủ đã chỉ đạo tìm nguồn vốn đầu tư nhanh, kịp thời thêm một số nguồn phát điện và đường dây 500kv để dẫn điện vào mạng lưới, tránh tình trạng thiếu điện, ảnh hưởng đến nền công nghiệp.
Một lần nữa, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhắc đến việc “Chính phủ kiên trì lộ trình điều hành giá điện từng bước tiến tới thị trường, đảm bảo giá cả cho công nghiệp và nhân dân, mặt bằng giá hợp lý để thị trường không bị méo mó, tạo sức hấp dẫn đầu tư”.
Làm rõ hơn vấn đề, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Xuân Quang cho biết: Sự cố điện tương tự cũng đã xảy ra ở một số nước. Bộ Công thương và EVN nộp Chính phủ báo cáo đầy đủ về sự cố này trong tuần. Qua sự cố, Bộ càng cho thấy cần phải đẩy nhanh các dự án nguồn điện cho phía Nam, một số đường dây 500 kV, tăng cường trách nhiệm tham gia bảo vệ an toàn lưới điện của toàn xã hội...
Huy Anh