Nghị định quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
Người hưởng lương, phụ cấp nêu trên gồm cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008; cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ nghĩa vụ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sỹ quan, hạ sỹ quan hưởng lương, hạ sỹ quan, chiến sỹ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân; người làm việc trong tổ chức cơ yếu và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố cũng được hưởng mức lương trên.
Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng nêu trên; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở được điều chỉnh trên cơ sở khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương sử dụng nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương chưa sử dụng hết năm 2015 chuyển sang, sắp xếp trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước được giao và nguồn thu (nếu có) để cân đối nguồn thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2016.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương và các khoản có tính chất lương) theo dự toán được cấp có thẩm quyền giao năm 2016 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; sử dụng nguồn tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương và các khoản có tính chất lương) ngoài khoản tiết kiệm nêu trên; sử dụng một phần nguồn thu của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
Bên cạnh đó, sử dụng 50% tăng thu ngân sách địa phương, không kể thu tiền sử dụng đất (bao gồm 50% tăng thu thực hiện so với dự toán thu năm 2015 do Thủ tướng Chính phủ giao và 50% tăng thu dự toán năm 2016 so với dự toán thu năm 2015 do Thủ tướng Chính phủ giao); nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2015 chưa sử dụng hết chuyển sang.
Đối với một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn, sau khi thực hiện quy định nêu trên mà vẫn thiếu nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2016 thì ngân sách trung ương bổ sung số thiếu để địa phương thực hiện.